Tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam


Những năm gần đây, trên thế giới, thị trường tiền ảo phát triển một cách mạnh mẽ và là mảnh đất màu mỡ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại Việt Nam, thời gian qua cũng nở rộ hoạt động giao dịch tiền ảo, thậm chí còn biến tướng theo mô hình kinh doanh đa cấp, gây ra những thiệt hại cho các nhà đầu tư cá nhân. Điểm lại những vụ sụp đổ của sàn tiền ảo trong nước, bài viết trao đổi về những hệ lụy, cũng như nỗ lực của cơ quan quản lý và đưa ra một số đề xuất nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động đầu tư kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo tại Việt Nam trong thời gian tới.

Nhìn lại những vụ sụp đổ của sàn tiền ảo tại Việt Nam

Trên thế giới, đã có nhiều vụ sập sàn tiền ảo lịch sử và để lại nhiều bài học sâu sắc cho các nhà đầu tư (NĐT) khi mà nguy cơ mất trắng số tiền đầu tư gần như khó tránh khỏi. Trong đó, nổi bật là các vụ sụp đổ, lừa đảo liên quan đến các sàn tiền ảo nổi tiếng như: Mt. Gox, Bitcoin Bitfinex, Coincheck, Thodex...

Tại Việt Nam, thời gian qua đã xuất hiện nhiều hoạt động giao dịch đồng tiền ảo. Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, tình hình tội phạm công nghệ cao thông qua đầu tư tiền ảo có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng sử dụng nhiều hình thức tinh vi, thậm chí nhiều vụ hoạt động theo mô hình kinh doanh đa cấp.

Năm 2016, tại tỉnh Gia Lai, mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi “Ngân hàng cộng đồng Bitcoin” đã giúp một số đối tượng lừa đảo lợi dụng sự tin tưởng của người dân để chiếm đoạt trên 22 tỷ đồng.

Với mức lợi nhuận khá hấp dẫn lôi kéo hàng trăm người tham gia đầu tư, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, mô hình này "biến mất" để lại khoản nợ nần cho những NĐT nông nổi "trót" nướng tiền thật vào tiền ảo. Hay như tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 4/2018, hàng chục người tham gia vào mô hình đầu tư tiền ảo iFan, Pincoin đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tố cáo bị lừa đảo chiếm đoạt trên 15.000 tỷ đồng.

Tháng 7/2020, Bộ Công an khuyến cáo người dân cảnh giác để tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, mất tiền khi tham gia đầu tư vào hệ thống Winsbank, vì có dấu hiệu sử dụng tiền ảo làm phương tiện huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thanh toán bất hợp pháp.

Để thu hút NĐT tham gia vào hệ thống, Winsbank đã “hứa hẹn” về tương lai của đồng tiền ảo Win và giá cổ phiếu ESR, đưa ra rất nhiều lợi ích kinh tế để đánh lừa người dân đầu tư tiền vào hệ thống Winsbank.

Theo cơ quan chức năng, hệ thống Winsbank là do một nhóm đối tượng tại Việt Nam tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam. Khi huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng chi trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.

Năm 2021, với sự tăng giá đột biết của Bitcoin và một số đồng tiền ảo khác, các vụ đầu tư, kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo ngày càng nở rộ. Tháng 01/2021, cơ quan công an TP. Đà Nẵng đã phát đi cảnh báo về chiêu thức lừa đảo mới của các đối tượng tội phạm công nghệ cao.

Bị hại được hướng dẫn tải ứng dụng sàn Binance từ Google Play hoặc App Store để tạo tài khoản giao dịch, rồi đăng ký một tài khoản ngân hàng có liên kết với sàn Binance để chuyển tiền, mua tiền điện tử USD T trên sàn Binance.

Một vụ việc điển hình khác, tháng 4/2021, hàng trăm người tham gia đầu tư trên sàn giao dịch Coolcat tại Việt Nam - một dạng sàn giao dịch vàng, tiền ảo và USD được cam kết bảo hiểm 100% vốn cũng đang có nguy cơ trắng tay khi ứng dụng này không thể truy cập được.

Nhiều NĐT đã tin vào lời giới thiệu sàn được ủy quyền và quản lý bởi Ủy ban Chứng khoán Bahamas, kết nối dữ liệu quốc tế theo thời gian thực và kết quả giao dịch công khai và minh bạch. Tuy nhiên, đến nay, những người đại diện của sàn biến mất và sự sụp đổ của Coolcat vẫn nối dài danh sách các vụ lừa đảo tài chính theo mô hình đa cấp đã được cảnh báo nhiều lần.

Gần đây nhất, cơ quan báo chí lại thông tin nhiều NĐT tố cáo bị “sập bẫy” khi đầu tư “tiền ảo” do nhóm cư trú tại TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh và các đại lý cấp dưới điều hành, đứng ra kêu gọi, mua bán tiền ảo trên sàn giao dịch ngoại hối tại website: mastertradingmarkets.com.

Các NĐT đã mua tiền ảo hàng chục tỷ đồng của nhóm lừa đảo và đến nay website này bị sập khiến tiền của NĐT không mua bán, không rút ra được. Thống kê sơ bộ, tổng cộng hơn 40 NĐT tố cáo đã bị mất hàng chục tỷ đồng. Các nạn nhân đến từ nhiều tỉnh, thành như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Hà Nội, Bình Thuận, Phú Thọ, Đắk Nông, Cà Mau…

Nhận diện những rủi ro từ đầu tư, kinh doanh tiền ảo

Các đồng tiền ảo thu hút sự quan tâm cao của NĐT và đã có những tác động nhất định đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới. Có thể nhìn nhận rủi ro của việc đầu tư, kinh doanh tiền ảo, tài sản ảo qua 2 phương diện sau:

Rủi ro vĩ mô

- Sự phát triển lớn mạnh về số lượng, giá trị của tiền mã hóa đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với hệ thống tài chính, ngân hàng cũng như việc điều hành chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương như: Kiểm soát các mục tiêu, biến số kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất, tỷ giá...

- Sự thuận tiện trong việc chuyển đổi và tính ẩn danh nhất định của tiền mã hóa sẽ khiến cho việc thống kê, cũng như kiểm soát luồng vốn vào-ra và trong nội tại nền kinh tế sẽ là bài toán khó đối với cơ quan điều hành tiền tệ các nước. Từ đó, sẽ thúc đẩy các giao dịch phi pháp, chống rửa tiền và thất thu thuế.

- Các giao dịch tiền mã hóa hầu hết sẽ diễn ra trên các blockchain không thông qua hệ thống ngân hàng, khiến kinh tế “ngầm” bất hợp pháp bùng nổ mạnh mẽ hơn và nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ sẽ kéo theo vấn đề “chảy máu ngoại tệ”…

Rủi ro vi mô

- Gây ra nhiều hệ lụy xã hội, mất an toàn an ninh trật tự tại các địa phương.

- Nguy cơ bị lừa đảo và mất trắng rất nhiều tiền đối với các NĐT và người dân nhẹ dạ, tham lợi nhuận cao.

Nỗ lực quản lý tiền ảo của cơ quan chức năng

Trước sự nở rộ của các loại tiền ảo, tài sản ảo với nhiều vụ lừa đảo gây thiệt hại lớn cho người dân, ngày 21/08/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tiền điện tử, tiền ảo.

Trong đó, yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam; kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam nhằm nhận diện và xác định thái độ của cơ quan nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan.

Tiếp đó, ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo liên quan đến tiền ảo.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29/01/2018, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã khuyến cáo các NĐT cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo, để hạn chế những rủi ro về tài chính có thể xảy ra.

Ngày 20/7/2018, UBCKNN tiếp tục có Công văn số 4486/UBCK-GSĐC đề nghị các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, Quỹ Đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới tiền ảo trái pháp luật.

Bộ Tài chính (UBCKNN) cũng đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo nhằm triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Từ năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) khẳng định, Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Việc sở hữu, mua bán, sử dụng Bitcoin tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, vì có khả năng bị tấn công đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch, có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn ma túy, trốn thuế...

Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo là hành vi bị cấm và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tiếp đó, ngày 13/4/2018, Thống đốc NHNN ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan tới tiền ảo. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được cung ứng các dịch vụ thanh toán, thực hiện giao dịch thẻ, cấp tín dụng qua thẻ, hỗ trợ xử lý, thanh toán, chuyển tiền, bù trừ và quyết toán.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cần tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ có liên quan tới tiền ảo; rà soát các tổ chức, cá nhân có giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo. Các tổ chức có hoạt động xử lý giao dịch mua bán, trao đổi tiền ảo phải có biện pháp xử lý đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố và quản lý ngoại hối.

Một số đề xuất, kiến nghị

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ số, việc chấp nhận sự tồn tại của các đồng tiền ảo, tài sản ảo là xu thế tất yếu, vấn đề quan trọng là giám sát, quản lý. Liên quan đến vấn đề này, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về rủi ro hoạt động đầu tư tài sản ảo, tiền ảo. Cụ thể, Bộ Tài chính, NHNN tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tài sản ảo, tiền ảo; đồng thời, tăng cường cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản ảo, tiền ảo...

Hai là, ban hành khung pháp lý quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, đầu tư tiền ảo nhằm bảo vệ quyền lợi NĐT, góp phần bảo đảm an toàn cho thị trường trường tài chính.

Ba là, tăng cường quản lý hiệu quả đồng tiền ảo gắn với việc nhận diện đầy đủ bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam. Trong đó, cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa tiền ảo và tiền điện tử. Việc phân biệt, làm rõ hai khái niệm này giúp hiểu đúng, hành xử phù hợp đối với hai loại tiền này.

Nguyễn Thị Hiền (2017) cho rằng, sự khác biệt giữa tiền điện tử với tiền ảo ở chỗ tiền ảo khi được sử dụng với chức năng là đơn vị đo lường giá trị không có sự tương xứng thực tế về địa vị tiền pháp định như tiền điện tử có được. Như vậy, tiền ảo gần như hoàn toàn không có địa vị pháp lý giống tiền điện tử và không được đảm bảo bằng một đồng tiền pháp định như tiền điện tử.

Bốn là, siết chặt quản lý hoạt động giao dịch của các tổ chức tín dụng, cũng như các trung gian thanh toán và chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành nhằm kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động lợi dụng hệ thống ngân hàng, hệ thống thanh toán để mua bán, trao đổi, sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật...

Tài liệu tham khảo:

1. Th tướng Chính ph (2017), Quyết định s 1255/QÐ-TTg ngày 21/08/2017 phê duyt Ðề án Hoàn thin khung pháp lý để qun lý, x lý đối vi các loi tài sn o, tin đin t, tin o;

2. Th tướng Chính ph (2018), Ch th s 10/CT-TTg yêu cu tăng cường qun lý các hot động liên quan ti Bitcoin và các loi tin o tương t khác;

3. Nguyn Th Hin (2017), Mt s khuyến ngh hoàn thin khung pháp lý qun lý các loi tin o, tin đin t;

4. Phm Th Thúy Hng (2018), Gii pháp qun lý tin o, tài sn o, Tp chí Tài chính;

5. Minh Thúy (2017), Tin o bitcoin -Thách thc cho chính sách tin t, Báo Nhân dân đin t.

(*) TS. Đặng Văn Sáng - Trường Trung cấp Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2021.