Tăng hiệu quả quản lý tài sản công gắn với tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính
Trước yêu cầu cấp thiết trong việc sử dụng hiệu quả tài sản công, Bộ Tài chính đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm rà soát, sắp xếp và xử lý tài sản công phù hợp với quá trình tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài sản công.

Tại buổi trao đổi với báo chí ngày 24/4, ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) khẳng định, việc sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Tài chính mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí.
Liên quan đến việc rà soát, sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, tài sản công khi sắp xếp tinh gọn bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết sẽ ưu tiên bố trí trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện (sau khi bỏ cấp huyện) cho đơn vị hành chính cấp cơ sở nơi đóng trụ sở hoặc cơ quan, tổ chức, đơn vị khác của Nhà nước (kể cả cơ quan, tổ chức, đơn vị của Trung ương trên địa bàn) có nhu cầu để làm trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; có thể thực hiện bố trí một trụ sở làm việc cho nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng.
Bên cạnh đó, thực hiện hoán đổi (điều chuyển) trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan trung ương trên địa bàn có trụ sở dôi dư, thừa, thiếu diện tích so với tiêu chuẩn, định mức để bảo đảm tận dụng tối đa cơ sở vật chất, trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp sẵn có trên địa bàn.
Đối với các trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp dôi dư sau khi đã bố trí, sắp xếp được thực hiện theo các hình thức xử lý tài sản theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi công năng để làm cơ sở y tế, giáo dục, sử dụng cho các mục đích công cộng của địa phương.
Ngoài ra, thu hồi để giao tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà của địa phương quản lý, khai thác quản lý để phục vụ mục tiêu lâu dài của Nhà nước; bảo quản, bảo vệ tài sản; bố trí cho các cơ quan, đơn vị sử dụng tạm thời; cho thuê nhà gắn với đất..., giao tổ chức phát triển quỹ đất của địa phương quản lý, phát triển và khai thác theo quy định của pháp luật...
Theo Lãnh đạo Cục Quản lý công sản, đến nay các bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành kiểm đếm thực tế số cơ sở nhà, đất và đang trong quá trình rà soát chuẩn hóa số liệu để báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên. Theo đó, UBND cấp huyện xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công thuộc phạm vi quản lý của mình (gồm cả huyện và xã) để báo cáo UBND cấp tỉnh cùng với Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã. Trường hợp có phương án chuyển đơn vị hành chính cấp xã từ huyện này sang huyện khác để sắp xếp đơn vị hành chính cấp cơ sở thì UBND cấp huyện tiếp nhận đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận và xây dựng phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công của đơn vị hành chính cấp xã đó.

Các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị ngành dọc trên địa bàn đơn vị hành chính tổ chức lại thực hiện rà soát lại cơ cấu tổ chức bộ máy và nhu cầu sử dụng trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công của các đơn vị theo quy định.
Trường hợp có diện tích trụ sở, cơ sở hoạt động sự nghiệp, tài sản công dôi dư thì thực hiện chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị địa phương hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị trung ương khác trên địa bàn quản lý, sử dụng, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
Trước đó, ngày 23/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã ký ban hành Văn bản số 195 gửi Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, đề nghị chỉ đạo thực hiện tổng kiểm kê tài sản công theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 213/QĐ-TTg ngày 1/3/2024. Các địa phương và đơn vị có trách nhiệm chuẩn hóa, rà soát dữ liệu tài sản, xây dựng phương án xử lý phù hợp, gửi kết quả về Bộ Tài chính trước ngày 10/5/2025.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm kê, đánh giá hiện trạng và chủ động đề xuất phương án sử dụng lại hoặc xử lý tài sản dôi dư, nhất là trụ sở không còn sử dụng đúng mục đích. Các phương án sử dụng lại tài sản cần ưu tiên phục vụ lĩnh vực y tế, giáo dục, sinh hoạt cộng đồng. Đối với việc xã hội hóa tài sản công, cần thực hiện đúng quy định, góp phần khai thác hiệu quả tài sản, tránh tình trạng để trống, lãng phí kéo dài.