Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo
(Tài chính) Hệ thống tài chính Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển và còn một tỉ lệ lớn người nghèo Việt Nam chưa được tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức. Tuy nhiên, trong năm 2014, hoạt động tài chính vi mô đã phát triển lan rộng trên toàn quốc, cung cấp các dịch vụ tài chính cho nhiều người thuộc diện này.
Hiện nay, chương trình tài chính vi mô đã cung cấp dịch vụ cho khoảng 500.000 hộ gia đình trên toàn quốc.
Nếu tính cả ngân hàng chính sách xã hội, số lượng hộ nghèo được hưởng dịch vụ tài chính vi mô vào khoảng 4 triệu hộ. Kênh phân phối tài chính vi mô chủ lực thường là những đơn vị thuộc chính phủ như Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc chương trình xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, các chương trình tài chính vi mô chưa đáp ứng đủ nhu cầu dịch vụ tài chính ngày càng gia tăng trong cả nước. Lực lượng dân số trẻ gia tăng, một tỷ trọng khá lớn là người nghèo, thu nhập rất thấp. Đại bộ phận người dân sống ở những vùng nông thôn có thu nhập thấp, xu hướng cải tổ trong nông nghiệp là tất yếu, tình trạng mất việc và thiếu việc làm sẽ trở nên bức xúc hơn. Sự chuyển dịch của lực lượng lao động từ nông thôn về khu trung tâm kinh tế lớn cũng có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Tài chính vi mô Việt Nam đang ở trong bối cảnh các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước ngày càng quan tâm về tài chính vi mô. Năm 2014, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 28/2005/NĐ-CP sửa đổi về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô. Nghị định này cung cấp một khung pháp lý đầu tiên cho các tổ chức tài chính vi mô được hoạt động và phát triển toàn diện. Đây là bước ngoặt quan trọng và là nền tảng thúc đẩy sự phát triển của ngành tài chính vi mô trong tương lai.
Bà Tạ Dương Thương (Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm - CEP) thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các tổ chức tài chính vi mô nhỏ nước ta đang đương đầu với nhiều thách thức trong quá trình hội nhập và tuân thủ khung pháp lý mới về các lĩnh vực: nguồn lực tài chính, môi trường cạnh tranh, chính sách lao động tiền lương... Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động tài chính vĩ mô tại Việt Nam trong năm 2014 đã có những đóng góp tích cực, tạo khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo và thu nhập thấp, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế lớn cho hàng triệu hộ gia đình. “Điều này có thể thấy rõ khi có trên 90% khách hàng là hộ nghèo đã gia tăng thu nhập và có vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh đáng kể từ khi sử dụng dịch vụ tài chính vĩ mô” - ông Phạm Huyền Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (NHNN) cho biết.
Theo kết quả giám sát và báo cáo của các tổ chức tài chính vĩ mô, tính đến cuối quý 3/2014, tổng vốn chủ sở hữu là 238,9 tỷ đồng, tổng tiền gửi là 439,2 tỷ đồng, tổng dư nợ hơn 787 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức này khá thấp, đạt 0,01%, tương đương 75,2 triệu đồng. Lợi nhuận của các tổ chức tài chính vĩ mô Việt Nam trong 3 quý đầu năm đạt 32 tỷ đồng, ROE là 9,5%, ROA là 2,25%.
Qua đó có thể thấy, dù còn nhiều khó khăn, song mô hình tài chính vĩ mô ở Việt Nam đã bước đầu phát huy hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến là Quỹ hỗ trợ phụ nữ Thanh Hóa (FPW) - tổ chức được công nhận tài chính vĩ mô xuất sắc nhất Citi - Việt Nam 2014, với 15 năm hoạt động đã trở thành địa chỉ tin cậy của hàng trăm ngàn phụ nữ nghèo, phụ nữ có thu nhập thấp, những người không có cơ hội tiếp cận đến dịch vụ tài chính ngân hàng, hay quỹ Tình Thương (TYM) được công nhận là tổ chức tài chính vĩ mô tiêu biểu hướng tới người nghèo Citi-Việt Nam 2014, TYM đã phát hơn 1 triệu món vay, giúp hơn 100.000 thành viên thoát nghèo. Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển Ninh Phước, hoạt động chủ yếu vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo.
Một số bất cập
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu trong xóa đói giảm nghèo, song theo đánh giá của ông Phạm Huyền Anh, hiện tài chính vĩ mô tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, như hoạt động còn nhỏ lẻ, phân tán, tự phát, sản phẩm chưa đa dạng và thiếu bền vững. Nguyên nhân là do một số quy định hiện không còn phù hợp với thực tiễn; chưa có quy định đồng bộ, hệ thống quản lý và giám sát các loại hình tổ chức hoạt động tài chính vĩ mô; chưa có một tổ chức đầu mối quản lý thống nhất; chưa có tổ chức hiệp hội tài chính vĩ mô làm đầu mối hỗ trợ đào tạo, tư vấn các chương trình, dự án tài chính vi mô một cách có hệ thống.
Bên cạnh đó, dù hoạt động chủ yếu là cho vay, nhưng những dịch vụ cơ bản của tài chính vĩ mô như lương hưu, chuyển tiền, bảo hiểm... còn chậm phát triển, sơ khai và chưa theo thông lệ. Do đó, để hoạt động tài chính vĩ mô tại Việt Nam được phát triển hơn nữa, ông Phạm Huyền Anh đề xuất Chính phủ nên sớm hoàn thiện khung pháp lý một cách đồng bộ, phù hợp với bản chất, đặc thù của tài chính vĩ mô, để từ đó nâng cao năng lực tài chính, quản trị hoạt động, thúc đẩy các tổ chức này phát triển, góp phần xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, hàm Vụ phó Vụ Kinh tế tổng hợp (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, với đặc điểm là những khoản tiền lớn chia nhỏ cho vay và đối tượng khách hàng của các tổ chức tài chính vĩ mô chủ yếu là những người có điều kiện khó khăn ở khu vực vùng sâu, vùng xa, không có tài sản đảm bảo nên tốn kém chi phí. Do đó, cũng cần hoàn thiện quy định về lãi suất cho tài chính vĩ mô theo hướng thỏa thuận trên cơ sở bù đắp đủ chi phí, nhưng không gây thiệt hại cho người nghèo.
Về bản chất hoạt động tài chính vĩ mô không như ngân hàng thương mại: ngân hàng thương mại huy động vốn từ nhiều người để cho một số người vay, nên rủi ro cho vay của ngân hàng thương mại là rủi ro đối với xã hội. Còn tài chính vĩ mô huy động nguồn vốn để chia thành những món nhỏ cho người nghèo vay, do đó rủi ro cho vay của tài chính vĩ mô không phải là rủi ro đối với xã hội.
Tuy nhiên, để làm được việc này, bên cạnh nỗ lực của các tổ chức tài chính vĩ mô để tiết giảm chi phí, cần có các cơ chế hỗ trợ nhiều hơn của các cơ quan quản lý như giảm chi phí dự phòng mất vốn, có các chính sách thuế ưu đãi nhiều hơn; đồng thời nên hạ tỷ lệ quy định duy trì thường xuyên về khả năng chi trả tối thiểu xuống dưới mức 20% như hiện nay.
Cải thiện khuôn khổ pháp lý tài chính vi mô là cần thiết
Trong bối cảnh hiện nay, hoạt động tài chính vi mô vẫn là hình thức quan trọng cho sự phát triển của dịch vụ tài chính và có thể đóng góp hiệu quả cho giảm nghèo.
Ông Tạ Văn Tuấn, Điều phối viên dự án AAV phân tích, tài chính vi mô có hệ thống mạng lưới rộng, thâm nhập nhiều hơn vào các khu vực khó khăn mà các ngân hàng thương mại không vươn tới được. Tiếp cận kinh nghiệm quốc tế, sản phẩm của tổ chức tài chính vi mô khá đặc biệt, phù hợp với người nghèo. Mặc dù vậy, trước diễn biến của thị trường tiền tệ hiện nay, các tổ chức tài chính vi mô đang gặp khó khăn trong huy động tiết kiệm, chỉ huy động được từ chính các đối tượng vay vốn, còn nhóm có khả năng tiết kiệm cao hơn thường gửi tiết kiệm ở ngân hàng thương mại .
Nguyên nhân la do khung pháp lý về huy động tiết kiệm của các tổ chức tài chính vi mô còn thiếu, chưa tạo được niềm tin vào sự bảo đảm hoạt động dài hạn. Vì thế, khách hàng tin tưởng nhiều hơn vào các ngân hàng thương mại và họ mang tiền gửi vào đó.
Hơn nữa, Nghị định số 165/2007/CP của Chính phủ quy định các tổ chức tài chính vi mô phải có vốn pháp định là 5 tỷ. Nếu không đạt được vốn pháp định này, các tổ chức tài chính vi mô không được huy động tiết kiệm quá một nửa vốn tự có. Tuy nhiên, các tổ chức tài chính vi mô hiện nay đa số còn non trẻ và các tổ chức có số vốn pháp định từ 5 tỷ đồng trở lên là không nhiều. Điều này đã tác động không nhỏ tới sự phát triển của tổ chức tài chính vi mô. Do vậy, để tự tháo gỡ khó khăn, các tổ chức tài chính vi mô phải tìm cách sáp nhập lại với nhau để đạt được vốn pháp định đủ tham gia huy động tiết kiệm và duy trì phát triển quỹ.
Theo GS.TS. Hà Hoàng Hợp, để đẩy mạnh tín dụng cho người nghèo ở nông thôn, cần thực hiện: Đổi mới chính sách quốc gia cho tài chính vi mô; kết hợp với chính sách giảm nghèo; cân bằng cho vay thương mại và ưu đãi cho người nghèo; tín dụng vi mô phải kèm theo bảo hiểm vi mô.
Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo hơn là ưu đãi, đồng thời phải cho phép các tổ chức tài chính vi mô phi chính thức tiếp cận nguồn vốn từ các kênh tài chính nước ngoài.
Việc giám sát an toàn vĩ mô cần chú trọng thực hiện: (i) Kỷ luật thị trường phải được tôn trọng nhằm giảm tối đa các chi phí quản lý không cần thiết của việc giám sát an toàn vĩ mô; (ii) Cần phải chuẩn bị tốt kiến thức và hiểu biết sâu về các điều kiện kinh tế và thị trường tài chính cho cán bộ của các cơ quan giám sát an toàn vĩ mô; (iii) Việc hợp tác xuyên biên giới với các cơ quan giám sát nước ngoài trong việc giám sát an toàn vĩ mô nên được thiết lập chính thức và tăng cường mạnh mẽ trong tương lai.
Về trung và dài hạn, cần phải đánh giá toàn diện thực trạng và khả năng triển khai hoạt động giám sát an toàn vĩ mô tại Việt Nam, trên cơ sở đó xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này cũng như xây dựng một cơ chế điều phối thực sự có hiệu quả giữa các cơ quan trong mạng lưới an toàn tài chính (bao gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Cơ quan bảo hiểm Tiền gửi) cho phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Cùng với những biện pháp hoàn thiện khung pháp lý, các ý kiến cũng cho rằng, cần sớm minh bạch hóa thông tin trong hoạt động tài chính vĩ mô, tăng khả năng liên kết, thành lập hiệp hội tài chính vĩ mô để thúc đẩy mô hình này phát triển.