Tăng năng suất lao động cần gắn với tăng lương và phát triển công bằng
(Tài chính) Chính sách tiền lương và hội nhập quốc tế là nội dung được tập trung thảo luận tại Hội thảo Chính sách tiền lương trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 sẽ đem lại những cơ hội về chính sách tiền lương. Theo đó, Việt Nam cần chủ động tăng năng suất lao động gắn với tăng lương và phát triển công bằng.
Theo chuyên gia cao cấp về tiền lương, Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương Malte Luebker, Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành vào năm 2015 và Việt Nam là một thành viên, hứa hẹn sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Đây là cơ hội để tăng năng suất lao động của Việt Nam. Nhấn mạnh về chính sách tiền lương và năng suất lao động có mối quan hệ trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, ông Malte Luebker cho rằng, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo ra tiềm năng lớn để các nước có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ các ngành có năng suất lao động thấp sang các ngành có năng suất lao động cao. Với lợi thế lực lượng lao động có trình độ giáo dục và kỹ năng vững chắc về đọc, viết và tính toán, Việt Nam có thể là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều từ quá trình này. Báo cáo chung của Tổ chức Lao động Quốc tế đã chỉ ra những yếu tố quan trọng đối với tương lai của chính sách tiền lương tại Việt Nam. Cụ thể, trong chính sách tiền lương và hội nhập quốc tế, Việt Nam cần thực hiện hóa tiềm năng tăng trưởng năng suất lao động bằng cách có thể kết nối tiền lương và tăng trưởng năng suất lao động để cùng thịnh vượng và duy trì năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tìm giải pháp phòng ngừa gia tăng bất bình đẳng tiền lương giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, cải thiện hơn nữa việc xác định tiền lương tối thiểu trên cơ sở bằng chứng khoa học. Và, quan trọng là tìm giải pháp để phát triển thương lượng tập thể…
Để chính sách tiền lương hướng tới hội nhập quốc tế, câu hỏi đặt ra là chính sách tiền lương Việt Nam có tác động như thế nào đến chủ sử dụng lao động và người lao động? Về vấn đề này, Trưởng ban Kinh tế xã hội, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Quang Điều khẳng định, tăng lương không phải là nguyên nhân sa thải người lao động. Kinh nghiệm ở một số nước, họ chỉ dựa vào chỉ số giá tiêu dùng cộng với năng suất lao động để điều chỉnh mức tăng lương hàng năm. Còn tại Việt Nam, tiền lương tối thiểu không bằng mức sống tối thiểu, nên tăng lương không thể áp dụng như nước ngoài mà phải cộng thêm thiếu hụt giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Theo ông Đặng Quang Điều, khi nào tiền lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu thì chúng ta sẽ bàn bạc đến vấn đề năng suất lao động. Đấy là yêu cầu rất chính đáng của người lao động, nhưng hiện nay chưa có lộ trình để điều chỉnh tiền lương tối thiểu cho bằng mức sống tối thiểu nên cũng khó cho doanh nghiệp…
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân khẳng định, chúng ta đang mở rộng quan hệ tiền lương khu vực hưởng lương từ ngân sách theo ba mức tối thiểu, trung bình và tối đa, đồng thời tách tiền lương đối với khu vực hành chính và sự nghiệp để giao tự chủ về tài chính, giảm dần từ ngân sách, tạo nguồn tăng lương cho hành chính. Riêng đối với khu vực sản xuất kinh doanh, thành tựu đáng kể là đã luật hóa xác lập mức lương tối thiểu qua cơ chế 3 bên: Hội đồng Tiền lương quốc gia, doanh nghiệp và người lao động sao cho phù hợp nguyên tắc thị trường, đảm bảo tôn trọng quyền của 2 bên (doanh nghiệp và lao động) trong việc xác định, thỏa thuận tiền lương. Trong đó doanh nghiệp và người lao động có thể áp dụng mức lương thông qua thỏa thuận, thương lượng nhưng phải bảo đảm và căn cứ theo mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Nhìn nhận từ thực tế hiện nay, cơ chế tiền lương thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động vẫn còn bất cập, đang tồn tại tình trạng doanh nghiệp lách luật, chỉ trả lương cho lao động bằng hoặc trên mức tiền lương tối thiểu một chút, dẫn tới thu nhập cũng như đời sống của người lao động không cao. Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định, chúng ta đã xác định nguyên tắc tôn trọng và tăng cường thỏa thuận, thương lượng về tiền lương giữa doanh nghiệp và lao động. Vì vậy, mục tiêu lâu dài là Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh nâng quy định mức lương tối thiểu nhưng phải theo lộ trình chứ không thể tạo cú sốc, nhằm bảo đảm quyền lợi hài hòa cho cả doanh nghiệp và người lao động.