Tăng quản lý, giảm thất thu
(Tài chính) Theo các chuyên gia kinh tế, do nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phục hồi, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn khó khăn nên ảnh hưởng đến công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013. Chính vì vậy, cơ quan thuế và hải quan cần quản lý chặt chẽ các khoản thu thuế, trong đó, đặc biệt chú trọng kiểm soát việc hoàn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) qua biên giới nhằm tránh tình trạng thất thu thuế.
Thủ đoạn trốn thuế ngày càng tinh vi
Việt Nam có chung đường biên giới với nhiều quốc gia, tiếp giáp với nhiều tỉnh và các cửa khẩu quốc tế như Lào, Campuchia… nên đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi phát triển thương mại hàng hóa giữa các nước qua con đường xuất khẩu tiểu ngạch. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy sâu rộng hơn quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước lân cận. Trong đó, hàng loạt chính sách hoàn thuế GTGT được đánh giá đã mang lại những lợi ích thiết thực cho DN xuất khẩu như: áp dụng thuế suất thuế GTGT là 0%, cho phép thanh toán hàng xuất khẩu qua tài khoản vãng lai mở tại ngân hàng Việt Nam, miễn kiểm tra hải quan hoặc chỉ kiểm tra tỷ lệ 5% đối với hàng xuất khẩu, tự in hóa đơn…
Tuy nhiên, một thực tế vô lý hiện nay là việc hoàn thuế cho các trường hợp xuất khẩu qua các năm đều tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong khi tình hình kinh tế nói chung ngày càng khó khăn. Đây là dấu hiệu bất thường, cho thấy có nhiều DN đang lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT để gian lận, chiếm đoạt tiền thuế.
Mới đây, cơ quan Hải quan cho biết, DN tìm mọi thủ đoạn để thẩm lậu vào thị trường nội địa (khu thương mại, khu phi thuế quan) để được hưởng ưu đãi về thuế suất nhập khẩu và thuế GTGT. Hàng xuất khẩu đã bị các đối tượng tìm cách kê khai giá cao, khai khống số lượng để hoàn thuế GTGT, gây thất thu hàng ngàn tỷ đồng.
Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2013, qua kiểm tra việc hoàn thuế GTGT tại các cục Thuế: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang, Long An và Bắc Ninh, lực lượng thanh tra đã phát hiện người nộp thuế kê khai thiếu thuế GTGT số tiền gần 66 tỷ đồng; thuế thu nhập DN phải tạm kê khai bổ sung là 330 triệu đồng. Trong đó, Thanh tra Bộ Tài chính phát hiện là hơn 29 tỷ đồng, Tổng cục Thuế phát hiện hơn 37 tỷ đồng. Đối với cơ quan hải quan, qua thanh tra phát hiện, truy thu số tiền 479 tỷ đồng. Đối với các trường hợp chưa kê khai nộp thuế, cơ quan Hải quan đã yêu cầu DN đến kê khai, nộp thuế và thực hiện phạt chậm nộp với số tiền là 333 tỷ đồng.
Để kiểm soát chặt chẽ hoạt động gian lận thuế GTGT, ngay từ đầu năm, các cơ quan thuế và hải quan đã phối hợp phân loại DN, đưa tiêu chí quản lý rủi ro để kiểm tra chi tiết hồ sơ, thực tế hàng hóa. Theo đó, các đơn vị thực hiện kiểm tra 100% sau hoàn thuế đối với các hồ sơ đã thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với DN có rủi ro về thuế. Tổ chức kiểm tra trước khi hoàn thuế GTGT đối với các DN có rủi ro cao về thuế. Kiểm tra tính đầy đủ; tính chính xác đối với toàn bộ hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa bao gồm: Hợp đồng xuất khẩu ký với nước ngoài; Tờ khai hải quan của hàng hóa xuất khẩu có xác nhận thực xuất của cơ quan Hải quan; Chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng; Hợp đồng mua hàng hóa để xuất khẩu; Hóa đơn mua hàng hóa để xuất khẩu; yêu cầu phải kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ngành để loại trừ hóa đơn của DN đã bỏ trốn; DN chậm kê khai, nộp thuế GTGT; hóa đơn không đúng quy định; Chứng từ thanh toán tiền mua hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng; Các chứng từ, hoạt động liên quan vận chuyển hàng hóa, thuê kho bãi,… của hàng xuất khẩu.
Dù đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra chặt chẽ nhưng do lực lượng cán bộ còn ít, thêm vào đó, thủ đoạn gian lận thuế của DN ngày càng trở nên tinh vi và đa dạng nên gây không ít khó khăn cho các đơn vị thuế và hải quan.
Tăng quản lý, giảm thất thu
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoàn thuế GTGT, mới đây, Bộ Tài chính đã có Công văn số 12485/BTC-TCT tới Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tăng cường công tác quản lý thuế, hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền.
Theo đó, Tổng cục Thuế có nhiệm vụ rà soát các văn bản, chính sách, quy trình nghiệp vụ về hoàn thuế GTGT để kịp thời có biện pháp sửa đổi, bổ sung cho chặt chẽ nhằm tránh trường hợp gian lận trong hoàn thuế GTGT, gây thất thu cho NSNN.
Trường hợp người nộp thuế có hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, đơn vị thuế thực hiện kiểm tra sau khi có có dấu hiệu nghi vấn như: DN có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu nhỏ hơn so với quy mô doanh số kinh doanh, so với số thuế đề nghị hoàn; Cơ sở kinh doanh sản xuất, thương mại mới thành lập trong thời gian 24 tháng trở lại; DN kinh doanh thương mại không có cơ sở vật chất (nhà máy, xưởng sản xuất, kho hàng, phương tiện vận tải, hệ thống các cửa hàng, …); Lập DN ở địa phương này nhưng kinh doanh mua, bán sản phẩm, hàng hóa (nhất là hàng hóa nông sản) sản xuất ở địa phương khác có dấu hiệu bất thường; DN kinh doanh thương mại mua hàng hóa phục vụ xuất khẩu chủ yếu từ DN kinh doanh thương mại, doanh nghiệp mới thành lập, tổ chức, cá nhân thu gom hàng hóa là nông lâm thủy sản không chịu thuế GTGT đầu vào; DN thực hiện thanh toán hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu từ tài khoản vãng lai; DN bên mua và bên bán có quan hệ vợ chồng, anh em, quan hệ liên kết có dấu hiệu bất thường.
Đối với các đơn vị Hải quan, Bộ Tài chính yêu cầu phải thực hiện kiểm tra 100% sau hoàn thuế đối với các hồ sơ đã thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với DN có rủi ro về thuế. Tổ chức kiểm tra trước khi hoàn thuế GTGT đối với các DN có rủi ro cao về thuế.
Các đơn vị Hải quan có trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ; tính chính xác đối với toàn bộ hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa bao gồm: Hợp đồng xuất khẩu ký với nước ngoài; Tờ khai hải quan của hàng hóa xuất khẩu có xác nhận thực xuất của cơ quan Hải quan; Chứng từ thanh toán tiền hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng; Hợp đồng mua hàng hóa để xuất khẩu; Hóa đơn mua hàng hóa để xuất khẩu; yêu cầu phải kiểm tra trên cơ sở dữ liệu ngành để loại trừ hóa đơn của DN đã bỏ trốn; DN chậm kê khai, nộp thuế GTGT; hóa đơn không đúng quy định; Chứng từ thanh toán tiền mua hàng hóa xuất khẩu qua ngân hàng; Các chứng từ, hoạt động liên quan vận chuyển hàng hóa, thuê kho bãi,… của hàng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đại diện Vụ Thanh tra - Tổng cục Thuế cho biết, trước thực trạng gian lận hoàn thuế GTGT trong hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch ngày càng gia tăng, hiện Tổng cục Thuế đang đề xuất với Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 06/2012/TT-BTC theo hướng bỏ quy định về hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới thanh toán bằng việc nộp tiền mặt vào tài khoản vãng lai của tổ chức, cá nhân nước ngoài mở tại ngân hàng thương mại Việt Nam; Bổ sung quy định về hợp đồng mua hàng vào hồ sơ hoàn thuế đối với DN xuất khẩu hàng hóa qua biên giới đất liền; đồng thời sửa đổi chính sách có liên quan, nhất là quy định về điều kiện DN được tự in hoá đơn, bổ sung quy định về kiểm tra hải quan 100% hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền đối với DN có rủi ro cao…