Tăng trưởng GDP 2011-2015: Khó đạt mục tiêu
(Tài chính) Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2011–2015 là 7-7,5%/năm. Hơn nửa chặng đường sắp trôi qua, nhưng mục tiêu này đang tỏ ra khó khăn khi GDP những năm đầu tiên không được như mong đợi.
Trong một cuộc trao đổi với báo giới bên lề Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã không giấu nổi sự lo lắng cho việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2011-2015.
Khi đó, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn nhìn nhận rằng: “Để đạt tăng trưởng GDP 5 năm bình quân 7-7,5%, tăng trưởng GDP của năm 2013, năm 2014 và năm 2015 phải đạt 7-8%, thậm chí trên 8%. Đây là thách thức rất lớn cho đất nước trong thời gian tới”. Bản thân Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng nhận định rằng: Áp lực ổn định kinh tế vĩ mô đặt ra cho năm 2013 là rất lớn, nghĩa là CPI chỉ ở mức 5-6% và tăng trưởng phải đạt được 6-6,5%. Đây là điều không đơn giản.
Bên cạnh đó, vấn đề tăng trưởng GDP lại đang đối mặt với việc giảm tỉ trọng đầu tư công, mà một trong những yếu tố tác động lớn nhất đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam là vốn. Chúng ta muốn tăng trưởng GDP ở mức cao nhưng lại đang phải cắt giảm đầu tư công và giảm dư nợ tín dụng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giảm đầu tư công và giảm dư nợ tín dụng nhưng vẫn muốn tăng trưởng GDP là mâu thuẫn. “Nếu không tăng đầu tư thì chúng ta không đạt tăng trưởng GDP ở mức 6-6,5% của năm 2013, cũng như càng không bao giờ đạt được mức tăng trưởng bình quân 7-7,5% trong 5 năm 2011-2015”, ông Bùi Quang Vinh nói.
Quả thực, diễn biến tình hình tăng trưởng kinh tế đã không diễn ra như mong đợi. Năm 2011, tăng trưởng GDP của nước ta chỉ đạt 5,89%, GDP năm 2012 cũng chỉ tăng 5,03%, là mức thấp trong nhiều năm qua. Còn tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2013 đã diễn ra đúng như những gì người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại. Tăng trưởng GDP năm 2013 không có bước đột phá. Các tổ chức quốc tế cũng chỉ “dè dặt” dự báo GDP Việt Nam năm 2013 dừng lại ở con số 5,2-5,3%. Còn theo dự báo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP chỉ đạt mức tăng trưởng 5,5%. Dự báo năm 2014, GDP cũng chỉ tăng khoảng 6% so với năm 2013.
Như vậy, theo TS. Phạm Lan Hương, nguyên Quyền Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương, giai đoạn 2011-2015, Việt Nam không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 7,5-8%.
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng từng đưa ra dự báo: Với tình hình kinh tế thế giới vẫn được dự báo kém lạc quan, đầu tư công của Việt Nam lại không thể tăng “một sớm một chiều” trong khi tăng trưởng GDP năm 2011 chỉ là 5,89% và năm 2012 là 5,03%, năm 2013 dự kiến 5,5% thì việc đạt mục tiêu tăng trưởng quanh mức 7% cho cả giai đoạn 5 năm (2011-2015) sẽ rất “chông gai” nếu như không có những giải pháp đột phá thực sự.
Đây cũng không phải lần đầu tiên GDP giai đoạn 5 năm không đạt kế hoạch đặt ra. Tăng trưởng bình quân GDP giai đoạn 2007 – 2011 cũng chỉ đạt 6,5%/năm, không đạt chỉ tiêu kế hoạch 7,5 - 8% và thấp hơn mức trung bình 7,5% trong giai đoạn 5 năm trước đó.
Tái cơ cấu: Chìa khóa cho tăng trưởng
Theo các chuyên gia, việc tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu có thể tác động mạnh đến các vấn đề về an sinh xã hội, các chỉ tiêu kinh tế-xã hội khác giai đoạn 2011-2015 cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Theo lí giải của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đi theo xu hướng giảm trong vòng 5-6 năm gần đây, chủ yếu là do tốc độ cải cách cơ cấu chậm chạp. Sự kém hiệu quả của các DNNN, ngân hàng và đầu tư công là yếu tố kéo lùi tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Chính vì thế, Việt Nam đang nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế với ba trụ cột: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng-tài chính, tái cơ cấu DNNN, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. "Tái cơ cấu" được ví như chìa khóa tháo gỡ những bế tắc trong nền kinh tế Việt Nam hiện tại, làm bàn đạp cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Thế nhưng tái cơ cấu "nói dễ-làm khó".
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lí kinh tế Trung ương cho rằng: Khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, khâu khó nhất là phải có một quyết tâm chính trị để chỉ ra cho rõ lợi ích nhóm là những gì, tư duy nhiệm kì là gì. Bởi chính lợi ích nhóm và tư duy nhiệm kì đang chi phối, làm cho nền kinh tế của chúng ta kém hiệu quả. Việc chi phối quá nhiều dự án đầu tư, đất đai và nhiều vấn đề khác dẫn đến khiếu kiện, người dân bất bình. Tất cả điều đó chúng ta phải giải quyết.
Cũng chỉ mặt "lợi ích nhóm" là "thủ phạm" cản trở tái cơ cấu nền kinh tế, chuyên gia kinh tế TS Phạm Chi Lan cho rằng: Thực ra, lợi ích nhóm không muốn có sự thay đổi vì thay đổi sẽ buộc lợi ích nhóm phải giảm bớt lợi ích của họ để lo cho lợi ích chung của nền kinh tế, của đông đảo người dân. Song tái cơ cấu thực sự là vấn đề cấp bách, nếu không làm thì kinh tế vẫn mãi theo kiểu “chữa cháy”, “ăn đong” từng năm một, không giải quyết được những vấn đề cơ bản của nền kinh tế, chuyện này giải quyết lại nảy sinh chuyện khác.