Tăng trưởng GDP cả năm đạt 3,5% nếu kiểm soát tốt dịch bệnh trong tháng 9
Tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam được dự báo đạt 3,5-4%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 6% của Quốc hội và 6,5% của Chính phủ đề ra trước đó. Tuy vậy, để đạt được mức tăng trưởng trên, cần phải kiểm soát tốt dịch bệnh trong tháng 9.
Tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu
Phát biểu tại Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2021 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong tháng 9, chuyển sang trạng thái bình thường mới từ quý IV, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt mức 3,5-4%.
Mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra của Chính phủ là 6,5% và thấp hơn rất nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế đặt ra từ đầu năm, tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây cũng là mức tăng trưởng đáng khích lệ trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020, đặc biệt là làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 diễn ra từ cuối tháng 4/2021 đã “giáng” những đòn nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế, gây đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Phát biểu tại các chuỗi các hội nghị về xây dựng phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại 3 miền Bắc – Trung – Nam theo hình thức trực tuyến mới đây, nhiều địa phương cũng cho biết, do tác động ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên rất khó, thậm chí không thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm như mục tiêu đã đề ra.
Điển hình là Thủ đô Hà Nội – một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, căn cứ vào kết quả kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và diễn biến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thành phố đã xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng, trong đó ở kịch bản cơ sở, tăng trưởng quý III giảm 0,8%; quý IV tăng 6,98% và dự báo tăng trưởng GRDP cả năm đạt 4,54%. Kịch bản thứ 2 thấp hơn, dự báo GRDP quý III giảm 0,98%, quý IV tăng 5,15% và cả năm dự kiến đạt 3,97%. Như vậy, cả 2 kịch bản đưa ra Hà Nội đều không đạt được mục tiêu tăng trưởng 7,5-8% đưa ra từ đầu năm, thậm chí kết quả dự báo đạt được khá xa với mục tiêu đã đề ra.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Võ Văn Hoan cho biết, theo tính toán của Tổng cục Thống kê tại Công văn số 1125/TCTK-TKQG ngày 1/8/2021, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 trên địa bàn thành phố ước tính lần 1 giảm 2,8% so với năm 2020 (năm 2020 tăng 1,39%), kết quả này không đạt chỉ tiêu đề ra trong năm là tăng trưởng 6%.
Điều kiện vẫn là kiểm soát dịch Covid-19
Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng 3,5-4% trong năm 2021 là mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đã đề ra, song đây cũng là một mức tăng trưởng chấp nhận được trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Tuy vậy, để đạt mức tăng trưởng này cũng cần có những điều kiện nhất định. Thậm chí, ngay trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong tháng 9, chuyển sang trạng thái bình thường mới từ quý IV, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 có thể đạt mức 3,5-4%.
Điều đó có nghĩa, nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt trong quý IV và các hoạt động kinh tế không trở lại trạng thái bình thường mới, thì tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam rất khó để đạt được con số 3,5-4%, chứ đừng nói gì đến mức tăng theo mục tiêu đã đề ra từ đầu năm.
Rõ ràng, kiểm soát dịch bệnh đang được coi là yếu tố then chốt hiện nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hay nói cách khác, tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm 2021 phụ thuộc vào diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho biết, giai đoạn này dịch bệnh khống chế đến đâu thì dư địa tăng trưởng sẽ mở rộng đến đấy và ngược lại. Điều đó có nghĩa, dịch được khống chế ở khu vực nào thì sản xuất và tăng trưởng khu vực đó trở lại bình thường, nguồn thu trở lại bình thường. Điều này không thể có được trong nền kinh tế suy thoái và nó khác hẳn với kinh tế suy thoái, vì nếu do suy thoái thì dù cố gắng sản xuất mà không có cầu hỗ trợ thì không thể sản xuất được.
Đơn cử, dịch bệnh được khống chế ở Bắc Giang, Bắc Ninh vào cuối tháng 5/2021 thì lập tức sản xuất công nghiệp tại 2 địa phương này trở lại bình thường, nguồn thu lập tức trở lại, doanh nghiệp cũng trở lại sản xuất và thu nhập người dân ổn định trở lại. Qua đó cho thấy, khó khăn của nền kinh tế hiện nay không xuất phát từ năng lực sản xuất, từ cầu hàng hóa, dịch vụ mà xuất phát từ việc chúng ta có thể khống chế dịch bệnh để đưa lại nền kinh tế bình thường trở lại hay không.
“Vì vậy theo tôi, vấn đề kiểm soát dịch bệnh hiện nay vẫn cần đặt lên hàng đầu, vì chỉ khi kiểm soát được dịch bệnh chúng ta mới có cơ hội tăng trưởng kinh tế”- ông Lê Duy Bình nhấn mạnh.
Để kiểm soát dịch bệnh hiện nay, thì yếu tố then chốt vẫn chính là tiêm vắc xin cho người dân. Theo đó, bên cạnh thúc đẩy các hoạt động ngoại giao vắc xin, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu để có vắc xin trong nước sản xuất càng nhanh càng tốt.
Cuối tháng 8/2021, Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 4,8% cả năm 2021. Dự báo này thấp hơn 2 điểm phần trăm so với dự báo do tổ chức này đưa ra vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch COVID-19 hiện nay đến các hoạt động kinh tế. |