Tăng trưởng GDP 2021 vẫn là ẩn số

Theo Lê Thúy/vnbusiness.vn

Dịch Covid-19 trở lại đã khiến mục tiêu tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay không thể đạt được. Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, điều quan trọng nhất là làm sao không để đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh của khu vực hợp tác xã, doanh nghiệp... Đây sẽ là động lực quan trọng để Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng khi dịch bệnh được khống chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tại phiên họp Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 1,31 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (kịch bản là 7,11%) và thấp hơn 1,39 điểm phần trăm so với mục tiêu tăng trưởng 6 tháng theo kịch bản cập nhật thời điểm quý I/2021 (tăng 7,19%).

Khó khăn bủa vây

Thực tế, sau khi làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đổ bộ đã có một số tổ chức Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Đơn cử, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings đưa ra dự báo lạc quan nhất về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2021. Hồi tháng 10 năm ngoái, S&P kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 11,2%.

Tuy nhiên ở lần dự báo ngày 21/5/2021, tổ chức này hạ tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm nay xuống còn 8,5%. Hay mới đây Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,7% trong năm 2021, thấp hơn so với mức dự báo 7,8% được đưa ra hồi đầu năm 2021...

Có thể thấy, dịch Covid-19 đang tiếp tục làm thay đổi kịch bản tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2021. Thực tế, dịch bệnh xảy đến đã tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh ở trong nước.

Không chỉ ngành du lịch, dịch vụ "đóng băng" mà thời gian gần đây, nhiều sản phẩm nông sản trên cả nước đã rơi vào tình cảnh khó khăn ở khâu tiêu thụ do dịch Covid-19 bùng phát, khiến nông dân, hợp tác xã rất lo lắng. Bà Hồ Kiều Oanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh (Bắc Giang), chia sẻ: Dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi thực sự lo ngại, trong đó lo ngại nhất là tâm lý giải cứu nông sản. Có thể nói tâm lý giải cứu nông sản trong mùa dịch sẽ gây tác động không tốt tới thương hiệu vải thiều.

Dẫn chứng từ sự việc tung tin vải thiều bán ra với giá 2.000 đồng/kg, bà Oanh cho biết điều này nếu không được xử lý sẽ tác động tiêu cực tới tình hình chung thị trường. Theo đó, để trái vải đến được với nhiều người dân Việt Nam, đại diện Hợp tác xã Lục Ngạn Xanh kiến nghị cần phát huy tốt hơn nữa hệ thống phân phối truyền thống, hiện đại sẵn có bằng cách hỗ trợ, thiết lập càng sớm càng tốt mối quan hệ giữa các nhà phân phối với người sản xuất. Khi có khó khăn do dịch bệnh thì hệ thống này sẽ được kích hoạt, hạn chế ứ đọng cục bộ. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để trở thành kênh tiêu thụ, quảng bá nông sản.

Còn với các doanh nghiệp (DN), làm sao để duy trì sản xuất vẫn đang là bài toán đau đầu, ông Trác Hiến Hồng, Tổng giám đốc công ty TNHH Fuhong Precision Component (Bắc Giang), chia sẻ DN đã hoạt động trở lại được một tuần với khoảng 700 công nhân đang ở trong khu ký túc xá riêng của đơn vị. Nhưng hiện nay, công ty đang gặp khó khăn do hơn 10 nghìn công nhân ở huyện Việt Yên (Bắc Giang) - nơi đang thực hiện cách ly xã hội, chưa đón được về các nhà máy để sản xuất.

Trước mắt, Fuhong Precision Component cần đón 5 nghìn lao động để vận hành các dây chuyền sản xuất trở lại. Theo đó, đại diện DN đề nghị chính quyền huyện tạo điều kiện cấp giấy xác nhận đối với các công nhân đủ điều kiện an toàn dịch bệnh để DN đón về làm việc.

Phụ thuộc 'biến số' Covid-19

Dù không có nhà máy nằm ở tâm dịch Bắc Giang, song ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10, cho biết Bắc Ninh cũng gần với trụ sở chính của công ty với hàng nghìn công nhân, do vậy DN vừa sản xuất song cũng phải tính đến phương án đảm bảo an toàn cho người lao động.

Cùng với đó, đại diện May 10 kiến nghị, Chính phủ có hướng dẫn cụ thể về Chỉ thị 15, 16, 19 về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong những thời điểm khác nhau. Theo đó, vấn đề May 10 đang băn khoăn là trong tình huống mà người lao động phải cách ly do giãn cách xã hội ở nơi cư trú, trong khi DN vẫn được phép sản xuất thì sẽ thế nào. Thực tế, nếu DN sản xuất mà không có lao động thì sẽ rất khó khăn.

Về dài hạn, ông Việt kiến nghị cần có vắc xin để tiêm phòng cho người lao động. "DN mong muốn có thể xã hội hóa vắc xin, nghĩa là DN tự bỏ chi phí để mua, tiêm vắc xin cho người lao động trên cơ sở sự kiểm định, giám sát của Chính phủ", ông Việt đề nghị.

Mặt khác, đại diện May 10 cũng kiến nghị các chính sách hỗ trợ DN về lãi suất, lùi thời hạn trả nợ cũng cần được tiếp tục để DN có thể phục hồi sau đại dịch, từ chính sách đến thực tiễn nên triển khai quyết liệt, nhanh hơn nữa. Chính sách ra đời từ 3-6 tháng, mà DN vẫn chưa được thụ hưởng thì sẽ mất hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, kinh tế 6 tháng cuối năm 2021 được dự báo tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng còn nhiều rủi ro, thách thức, nhất là diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tiêm chủng vắc xin chưa đồng đều giữa các quốc gia và nền kinh tế, ảnh hưởng từ bất ổn thị trường tài chính quốc tế, an ninh, đối ngoại.

Về phía Việt Nam, động lực tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, gia tăng đầu tư và mở rộng hoạt động thương mại.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng kinh tế nước ta những tháng cuối năm còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khả năng lạm phát gia tăng...

Do vậy, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá, việc ứng phó, ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch Covid-19 là nhân tố quan trọng, có vai trò quyết định tới ổn định vĩ mô và phục hồi kinh tế trong những tháng cuối năm 2021.

Theo đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả, thành công các chương trình, kế hoạch, các nhiệm vụ chính trị được giao.

Đồng thời, tiếp tục kiên định thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; khẩn trương nắm bắt tình hình để điều chỉnh giải pháp thu hút FDI phù hợp...

TS.Trần Du Lịch - Chuyên gia kinh tế

Dịch COVID-19 làm chững đi rất nhiều kỳ vọng mà chúng ta đặt ra về phục hồi kinh tế trong năm nay. Nếu không có dịch COVID19, du lịch nội địa phục hồi sẽ kích thích phát triển kinh tế rất lớn. Dù trong bối cảnh khó khăn, điều quan trọng là chúng ta phải giữ được niềm tin kinh doanh của cộng đồng DN, có niềm tin bằng các hành động, giải pháp tháo gỡ khó khăn cụ thể. Làm được điều này sẽ giúp DN vượt qua khó khăn, để phát triển trong điều kiện bình thường mới.

 

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội

Nếu trước đây việc xử lý các thủ tục hành chính để DN thụ hưởng chính sách thường kéo dài khá lâu, với thời gian 3-5 tháng thì nay, cơ quan chức năng nên cố gắng giải quyết thật nhanh từ 1 - 2 tuần. Các dự thảo Luật đang được sửa đổi như Luật Đất đai cần tiếp tục triển khai, tạo hành lang pháp lý cho DN có môi trường kinh doanh.

 

GS., TS. Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global)

Trong tình thế khó khăn như hiện nay, Chính phủ cần đẩy mạnh hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, ổn định chi phí nguyên phụ liệu đầu vào. Hỗ trợ từ Chính phủ rất quan trọng và cần thiết nhưng sự sáng tạo và khả năng thích ứng của mỗi DN, mỗi ngành nghề mới có tính chất quyết định cho sự sống còn của mỗi DN. Khủng hoảng và khó khăn sẽ là điều kiện tốt cho những thay đổi tích cực và sáng tạo để nâng cao hiệu quả.