Tăng trưởng GDP có xu hướng cao lên

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tốc độ tăng GDP của 9 tháng năm nay cao hơn của 9 tháng năm 2012 (5,14% so với 5,1%). Từ đây có thể rút ra một số nhận xét.

 Tăng trưởng GDP có xu hướng cao lên
Tốc độ tăng trưởng GDP chung của toàn bộ nền kinh tế vẫn còn thấp so với mục tiêu cả năm. Nguồn: internet

Theo Tổng Cục Thống kê, GDP 9 tháng qua tăng 5,14% (trong đó, quý I tăng 4,76%; quý II đạt 5,0%; quý III là 5,5%); tốc độ tăng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản là 2,39%; công nghiệp - xây dựng 5,26% và dịch vụ đạt 6,25%.

Nhìn vào tốc độ tăng GDP 9 tháng qua, có thể thấy tăng trưởng GDP của toàn bộ nền kinh tế đã có xu hướng cao lên qua các quý.

Tăng trưởng GDP đạt được ở cả 3 nhóm ngành: Nông, lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.

Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng thấp do gặp khó khăn ở cả đầu vào và đầu ra (xuất khẩu nông, lâm - thủy sản tăng rất thấp 0,5%, trong đó nông sản chính giảm 12%, chủ yếu do giá giảm 3,24%).

Tăng trưởng công nghiệp - xây dựng có xu hướng cao lên qua các quý, trong đó mức tăng trưởng của công nghiệp chế biến - ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất - cao hơn của công nghiệp - xây dựng. Chỉ số sản xuất công nghiệp có xu hướng cao lên (3 tháng tăng 4,9%, 6 tháng tăng 5%, 9 tháng tăng 5,4%). Tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ đạt cao nhất trong 3 nhóm ngành và tăng cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2012 (6,25% so với 5,66%), do tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục giữ được tốc độ cao.

Đà cao lên này của tăng trưởng kinh tế do nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng ở đầu vào là vốn, bao gồm vốn đầu tư, vốn tín dụng đã tăng trưởng cao lên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 9 tháng ước đạt 755,9 nghìn tỷ đồng, tăng 6,1% (6 tháng tăng 5,9%, bằng 31,2% GDP, cao  hơn tỷ lệ 30% theo kế hoạch cả năm). Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện đã tăng lên qua các tháng (bình quân tháng trong 2 tháng đầu năm mới đạt gần 10,5 nghìn tỷ đồng, thì từ tháng 3 đạt 14,73 nghìn tỷ đồng, tháng 4 đạt 15,98 nghìn tỷ đồng, tháng 5 đạt 17,78 nghìn tỷ đồng, tháng 6 đạt trên 18,11 nghìn tỷ đồng, tháng 8 đạt 18,24 tỷ đồng, ước tháng 9 đạt trên 19,09 nghìn tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng (so với tháng 12 năm trước), nếu năm trước đến hết tháng 5 còn giảm 0,2% và đến tháng 8 mới tăng 1,4%, thì năm nay tính đến 20/6 mới tăng khoảng 3,8 - 4%, thì đến cuối tháng 8 tăng 6,45%.

Nguồn vốn đầu tư khu vực ngoài Nhà nước tăng trưởng cao nhất (8,5%) và cũng chiếm tỷ trọng lớn hơn cùng kỳ năm trước (37,1% so với 36,2%). Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 8,62 tỷ USD, tăng khá (6,4%), tính theo VND đạt 178,6 nghìn tỷ đồng và chiếm tỷ trọng khá (23,6%).

Lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) 9 tháng ký kết đạt 4,59 tỷ USD, tăng 8,83%, giải ngân đạt 3,13 tỷ USD.

Một yếu tố quan trọng khác là đầu ra. Tốc độ tăng tồn kho của công nghiệp chế biến đã chậm lại nhanh (từ 19,9% vào 1/2 xuống còn 9,3% vào 1/9).

Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (sau khi đã loại trừ yếu tố tăng giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước là 9,3%) có xu hướng cao lên (tháng 1 tăng 3,6%, 3 tháng tăng 4,5%, 4 tháng tăng 4,8%, 5 tháng tăng 4,9%, 8 tháng tăng 5,1%, 9 tháng tăng 5,3%).

Kim ngạch xuất khẩu  tiếp tục tăng cao (ước 9 tháng đạt 96,5 tỷ USD), tăng 15,7%, cao gấp trên 3 lần tốc độ tăng GDP, trở thành động lực của tăng trưởng GDP). Nhập khẩu ước đạt 96,6 tỷ USD, tăng 15,5%. Theo đó nhập siêu ước khoảng 124 triệu USD, một mức không đáng kể.

Tuy đạt được những kết quả như trên, nhưng tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua cũng còn những hạn chế và đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ.

Trong 3 nhóm ngành, nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản tiếp tục tăng thấp, do gặp khó khăn, nhất là ở đầu ra. Giá lương thực năm trước giảm sâu, năm nay tiếp tục giảm. Xuất khẩu nông, lâm - thủy sản tăng thấp (0,5%), xuất khẩu nông sản chính giảm 12%, có loại giảm về lượng, có loại giảm về giá, có loại giảm cả về lượng, cả về giá. Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tuy tăng trưởng cao lên qua các quý, nhưng tốc độ tăng thấp hơn tốc độ chung, trong khi nhóm ngành này trong nhiều năm trước là động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Số doanh nghiệp mới tiếp tục được đăng ký thành lập, nhưng quý III giảm so với quý trước cả về số lượng doanh nghiệp (19.323 doanh nghiệp, giảm 17%), cả về số vốn đăng ký (88 nghìn tỷ đồng, giảm 23%); tính chung 9 tháng tăng về số lượng doanh nghiệp (58.231 doanh nghiệp, tăng 11%), nhưng giảm về lượng vốn (281,4 nghìn tỷ đồng, giảm 22%). Số doanh nghiệp hoàn thành thủ tục giải thể là 6.742, giảm 2% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tạm dừng này hoạt động trở lại là 11.300.

Nhìn tổng quát, tốc độ tăng trưởng GDP chung của toàn bộ nền kinh tế vẫn còn thấp so với mục tiêu cả năm. Cần phải có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ thì cả năm mới có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, trong đó, cần phải đặc biệt quan tâm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, đẩy nhanh xử lý nợ xấu, hàng tồn kho, đẩy nhanh tái cơ cấu…