Tăng trưởng GDP quý I: Động lực lẫn thách thức
Phát biểu khai mạc Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018 hồi đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sau 1/4 chặng đường của năm 2018, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển thuận lợi, các lĩnh vực đều có tăng trưởng tích cực.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh một vài chỉ số cơ bản đạt kết quả tốt, như tăng trưởng GDP quý I ở mức 7,38%, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp tăng trưởng mạnh, hơn 4%, gấp đôi cùng kỳ 2017. Ngành công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ chỉ tăng 4,48%), đặc biệt là ngành chế biến chế tạo tăng rất mạnh, đạt gần 14%. Lạm phát cũng được kiểm soát tốt.
Thủ tướng đồng thời cho biết, theo công bố mới đây của Nikkei, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng trước đó nhưng là một trong hai nước của khu vực Đông Nam Á có điểm số cao nhất, trên 50 điểm. Trong khi đó, chỉ số này của Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác đều giảm trong bối cảnh có nhiều lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng đã chỉ ra nhiều mặt tồn tại, yếu kém để các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, làm rõ các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực mình quản lý. Chẳng hạn như số lượng doanh nghiệp tăng chậm, số doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn còn cao.
"Cần phân tích, làm rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó xem cần cải cách gì về cơ chế, chính sách như thuế, phí, tín dụng, đất đai, môi trường kinh doanh để tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.
Việc tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân, nhất là khối doanh nghiệp trong nước cũng từng được các chuyên gia kinh tế đề cập, vì đây mới là động lực chính cho phát triển kinh tế, nhưng tỷ trọng đóng góp và sức cạnh tranh của khu vực này hiện chưa nổi bật so với khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang đóng góp đến 1/5 GDP của Việt Nam, 3/4 cho xuất khẩu và 1/4 vốn đầu tư cho toàn xã hội.
TS. Trần Đình Thiên từng chia sẻ, doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều rào cản về mặt thủ tục (hơn 5.700 giấy phép, thủ tục kinh doanh do các bộ, ngành quản lý) và gánh nặng chi phí khá lớn. Điển hình, chi phí vận tải, logistics ở Việt Nam cao gần gấp đôi so với bình quân của thế giới, theo đó chi phí logistics của Việt Nam chiếm 20,8% GDP, trong khi ở Thái Lan chỉ 10,7% và bình quân của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 13,5%.
Chi phí lãi vay cũng cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực. Do đó, năm 2018, một trong những hành động quyết liệt của Chính phủ kiến tạo phát triển là phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo cơ chế, chính sách thực sự tháo gỡ khó khăn, cắt giảm thủ tục hành chính vốn là rào cản để doanh nghiệp phát huy vai trò động lực.
Liên quan đến tăng trưởng kinh tế quý I/2018, trước đó tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ ra những "điểm nghẽn" đối với phát triển cần phải tập trung khắc phục, chẳng hạn như kết cấu hạ tầng. Hay những rủi ro thị trường như chi phí đầu vào tăng cao, các rào cản thuế quan, thương mại, hàng rào kỹ thuật ngày càng gây khó khăn, cạnh tranh ngày càng lớn, tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành giao thông phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sớm đưa vào hoạt động một số công trình giao thông trọng điểm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để giảm chi phí logistic, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, từ đó giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tốc độ tăng trưởng cao của quý I là yếu tố thuận lợi, nền tảng tốt cho cả năm. Tuy nhiên, với một nền kinh tế có kim ngạch xuất nhập khẩu gấp đôi GDP như Việt Nam thì tiềm ẩn nhiều rủi ro khi có sự cố từ bên ngoài. Nên giải pháp tối ưu là chủ động tìm kiếm thị trường (đầu ra sản phẩm) và chủ động ứng phó khi có sự cố. Điều này phải có sự chủ động, phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước.