Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 và dự báo năm 2022
Năm 2021, kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi làn sóng COVID-19 lần thứ tư lan rộng. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước tính chỉ đạt 2,6%. Những khó khăn đến từ sự suy yếu của cầu nội địa, chuỗi sản xuất đứt gãy, tăng trưởng vốn thấp… Tuy vậy, thương mại quốc tế đang là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với các tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do mới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tiếp tục phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tốt hơn trong năm 2022 với nhiều yếu tố hỗ trợ như tiến trình tiêm chủng vắc xin được đẩy nhanh, sự hồi phục của các đối tác lớn cùng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiêu dùng nội địa và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong giai đoạn tới.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh COVID-19
Năm 2020 đến nay, kinh tế thế giới phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ Đại dịch COVID-19. Các biện pháp giúp phục hồi tăng trưởng như đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin, các biện pháp hỗ trợ tài chính như các gói kích thích kinh tế kỷ lục của Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU)… đã phát huy tác dụng trong năm 2021, giúp kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu phục hồi. Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) toàn cầu liên tục tăng trong các tháng đầu năm 2021 với sự dẫn dắt của các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU… khi các quốc gia này hoàn thành tiến độ tiêm chủng vắc xin nhanh chóng. Mặc dù có sự giảm nhẹ vào quý III/2021, song chỉ số PMI vẫn trên 50 điểm, cho thấy sản xuất tiếp tục mở rộng trên phạm vi toàn cầu.
Tuy vậy, sự phục hồi toàn cầu diễn ra không đồng đều giữa các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tăng trưởng của các quốc gia này năm 2021 ước tính trong khoảng 2,9-3%, thấp hơn so với mức tăng trưởng 5,6-5,9% của kinh tế toàn cầu trong năm 2021, trong khi đó các nước mới nổi và đang phát triển đạt mức tăng trưởng từ 6-6,4%.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới nêu trên, kinh tế trong nước năm 2021 phải đối mặt với mức tăng trưởng thấp. Trong nửa đầu năm 2021, diễn biến kinh tế tương đối tích cực (dù chưa đạt được mức trước COVID-19) với mức tăng GDP đạt 5,64%, so với mức tăng 1,81% của cùng kỳ năm 2020. Mức tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2021 một phần do tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2020 tương đối thấp và một phần do đóng góp tích cực từ các yếu tố cả phía cung và cầu.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, khu vực công nghiệp, với tốc độ tăng trưởng đạt 8,4% xấp xỉ mức trước đại dịch (8,9%), đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo do sự phụ hồi tích cực của cầu thị trường (xuất khẩu và tiêu dùng nội địa). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng 3,82%, cao hơn mức trước đại dịch (2,39%) nhờ thời tiết thuận lợi và dịch tả lợn châu Phi đã chấm dứt. Khu vực dịch vụ mặc dù chưa phục hồi nhưng một số ngành dịch vụ vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt, cụ thể lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 9,27%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 10,47%; bán buôn, bán lẻ và sửa chữa tăng 5,63%; thông tin, truyền thông tăng 5,22%.
Tuy vậy, làn sóng COVID-19 lần thứ 4 khiến kinh tế Việt Nam giảm sâu trong 6 tháng cuối năm 2021. Đợt bùng phát dịch lần thứ 4 gây ảnh hưởng mạnh do xảy ra tại các trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn (20 địa phương gồm Hà Nội và 19 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam chiếm gần 57% GDP). Việc gián đoạn nguồn cung ứng nguyên vật liệu, gián đoạn chuỗi tiêu thụ trong nước trước đó, cộng hưởng với gián đoạn chuỗi sản xuất đối với cả các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý III/2021 giảm 6,17% so với cùng kỳ và là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,04%; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 5,02%; khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm 9,28%.
Cùng với những nỗ lực trong việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2021 phục hồi trở lại nhưng không bù đắp được sự sụt giảm trong quý III/2021. Tăng trưởng GDP cả năm 2021 chỉ đạt 2,6%, thấp hơn so với mức tăng 2,91% của năm 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,8%; khu vực dịch vụ tăng trưởng 1,22%, đóng góp 22,23%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành dịch vụ cho thấy ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch tới khu vực này. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,4% trong cơ cấu kinh tế năm 2021, giảm 2,5 điểm % so với năm 2020. Mặc dù tỷ trọng giảm, song trong giai đoạn 2020-2021, kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh, khu vực nông, lâm nghiệp đã thể hiện vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, đặc biệt trong quý III/2021 (tỷ trọng của khu vực này trong quý III/2021 chiếm 14,1% trong cơ cấu kinh tế). Khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 37,9%, tăng 4,2 điểm % so với năm 2020, thậm chí cao hơn so với thời điểm trước dịch là 34,5% vào năm 2019. Dịch vụ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh vào năm 2021 khiến khu vực này có tốc độ tăng trưởng thấp nhất và giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế cả năm (chiếm 41%, thấp hơn 0,6 điểm % so với năm trước).
Nhìn từ phía cầu, tăng trưởng kinh tế sụt giảm sâu chủ yếu do tiêu dùng suy yếu. Các đợt giãn cách xã hội trong năm 2021 khiến hoạt động tiêu dùng “đóng băng”. Ước tính, tăng trưởng tiêu dùng cuối năm 2021 chỉ đạt 2,09% so với năm 2020, cao hơn so với 1,06% của năm 2020 nhưng mức tăng trưởng đạt thấp so với trước đại dịch. Đợt giãn cách xã hội sâu và rộng kể từ tháng 5/2021 đã đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm nhanh và liên tục khiến những thành quả phục hồi từ tháng 01/2021 không còn. Kể cả sau khi kết thúc giãn cách, những khó khăn mà người dân đang phải gánh chịu từ hậu quả của các biện pháp phòng chống dịch khiến cho họ tiếp tục có tâm lý tiết kiệm. Sự sụt giảm của cầu tiêu dùng dẫn đến mức tăng trưởng kinh tế chung ở mức thấp.
Thương mại quốc tế là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam tham gia chính thức có hiệu lực trong năm 2021 được cho là hỗ trợ thúc đẩy thương mại tăng lên bất chấp những tác động tiêu cực của COVID-19. Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2021 ước đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm 2020 (trong đó xuất khẩu ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2020). Tính chung cho cả năm 2021, cán cân thương mại của Việt Nam ước tính thặng dư 4 tỷ USD. Tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2021 chủ yếu là đến từ sự phục hồi nhu cầu tại các nền kinh tế đối tác thương mại lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU. Tính đến hết năm 2021, Mỹ là thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đạt 95,6 tỷ USD, chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các thị trường xuất khẩu lớn tiếp theo là Trung Quốc, EU. Về phía thị trường nhập khẩu, Trung Quốc tiếp tục duy trì là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, đạt 109,9 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp theo là Hàn Quốc, ASEAN và Nhật Bản.
Ngược lại với bối cảnh sáng sủa của thương mại quốc tế, vốn đầu tư trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong quý III/2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý IV/2021, các biện pháp giãn cách, phong tỏa trên diện rộng không còn, các chuỗi sản xuất đang dần quay về thời điểm trước giãn cách dẫn đến những kỳ vọng giải ngân vốn và vốn đầu tư doanh nghiệp gia tăng. Tuy vậy, cả năm 2021, tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt 3,2% so với năm trước, thấp so với mức 5,7% của năm 2020. Đáng chú ý, dòng vốn đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng chậm lại do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng vẫn đang ở mức khá so với tình hình chung trên thế giới. Theo đó, số vốn FDI đăng ký ước đạt 31,15 tỷ USD, tăng thêm 2,6 tỷ USD so với năm 2020. Tuy vậy, số vốn FDI thực hiện vẫn đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2% số giải ngân năm 2020.
Với sức mua giảm sâu nên chỉ số giá tiêu dùng cả năm chỉ tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Mặc dù, lạm phát thế giới đã tăng trở lại đang tạo rất nhiều áp lực lên giá cả hàng hóa, nguyên nhiên liệu thế giới và gây ra lạm phát chi phí đẩy thông qua nhập khẩu đầu vào nhưng lạm phát trong nước vẫn đang ở mức thấp. Giá cả của nhóm hàng giao thông đang tăng mạnh với bình quân tăng tới 10,52% so với cùng kỳ (do giá dầu thế giới tăng cao) nhưng nhìn chung, lạm phát vẫn ở mức thấp chủ yếu là do nhu cầu tiêu dùng trong nước ở mức quá thấp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 6,2% so với năm trước. Với sức cầu yếu như vậy thì lạm phát chi phí đẩy đang khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong cả đầu vào và đầu ra.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022
Kinh tế thế giới được kỳ vọng tiếp tục phục hồi trong năm 2022 khi đại dịch COVID-19 giảm nhiệt. Dù biến thể Omicron đang xuất hiện nhưng những nhận định ban đầu cho thấy, vắc xin vẫn có tác dụng với biến thể mới và triệu chứng gây ra của biến thể mới không nặng như những lo ngại trước đó. Tuy vậy, COVID-19 vẫn là căn bệnh sẽ tiếp tục tồn tại trong năm 2022 và gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế-xã hội.
Các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Trung Quốc được dự báo là những nước đi đầu khắc chế được đại dịch COVID-19 và dẫn đầu đà hồi phục của kinh tế thế giới. Tốc độ tăng tưởng kinh tế thế giới được dự báo tăng trong khoảng từ 4,3-4,9% trong năm 2022, trong đó, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển đạt từ 4-4,4%, các thị trường mới nổi và quốc gia đang phát triển đạt từ 4,7-5,2%.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục và còn nhiều rủi ro, kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn và phục hồi tốt hơn trong năm 2022. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tiếp tục được hỗ trợ bởi kết quả từ đẩy nhanh tiến trình tiêm chủng vắc xin, sự hồi phục tăng trưởng của các đối tác lớn, tác động tích cực từ các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, sự phục hồi dòng vốn FDI, sự hồi phục của tiêu dùng nội địa và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong Chương trình hồi phục kinh tế bền vững đến năm 2023. Tuy vậy, vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro lớn đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như nguy cơ bùng phát COVID-19 với biến chủng mới, nhiều đối tác kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn, việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn, sức ép lạm phát chi phí đẩy cũng như việc thực thi các chính sách kích thích kinh tế còn hạn chế. Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022:
Kịch bản cơ sở: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,7%. Đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất hiện nay, với giả thiết tình hình kinh tế thế giới và việc kiểm soát đại dịch tiếp tục được cải thiện. Một số nền kinh tế lớn, đối tác đầu tư và thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản sẽ từ mức tăng trưởng âm năm 2020 đạt mức tăng trưởng dương trở lại (tăng trưởng của Mỹ giả định đạt 3-3,5%; tăng trưởng của Trung Quốc sẽ phục hồi trở lại với giả định tăng trưởng ở mức trên 5%). Trong nước, tình hình dần trở lại ổn định, không phát sinh những ổ dịch lớn làm gián đoạn sản xuất và giãn cách xã hội diện rộng làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ giúp doanh nghiệp dần hồi phục sản xuất, tình trạng “bình thường mới” được thiết lập trong sản xuất kinh doanh và cuộc sống người dân.
Kịch bản phấn đấu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7,2%. Kịch bản này cũng có thể xảy ra trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi nhanh khi dịch bệnh trên thế giới hoàn toàn được khống chế. Ở kịch bản này, tăng trưởng kinh tế Mỹ dự báo đạt trên 3,5%. Kinh tế Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng 6%. Các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trở lại quỹ đạo bình thường ngay trong năm 2022. Việt Nam tận dụng tốt được những lợi thế từ các hiệp định thương mại, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả cao làm khơi thông hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động đầu tư và kinh doanh trong nước sẽ khởi sắc trở lại.
Để đạt được các mục tiêu kinh tế nêu trên, trong năm 2022, một số chính sách cần được thực hiện và đẩy mạnh như sau:
Một là, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất: Các cơ quan chức năng cần đẩy nhanh việc thực hiện gói chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do COVID-19; Nghiên cứu, rà soát giảm một số loại phí, lệ phí; chi phí đầu vào sản xuất: chi phí lãi vay, giảm chi phí logistics (giãn, miễn phí BOT tại các vùng động lực trong khoảng thời gian nhất định); Sớm công bố gói hỗ trợ với khu vực doanh nghiệp cho năm 2022 để tạo kỳ vọng cho đầu tư từ khu vực doanh nghiệp; Ngân sách các địa phương có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong chi phí xét nghiệm; Nghiên cứu giảm kinh phí công đoàn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và lớn.
Thứ hai, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Trong đó, cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công; vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh sớm kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn.
Thứ ba, thúc đẩy tiêu dùng nội địa: Cần ổn định giá cả trong bối cảnh tâm lý tiết kiệm tăng cao và thu nhập của người lao động bị giảm; Thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia khuyến mãi, giảm giá sản phẩm; Đảm bảo các hỗ trợ của người dân đến đúng đối tượng và kịp thời; Xem xét thực hiện lộ trình tăng lương và giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập cá nhân tạm thời để tăng nguồn chi tiêu cho người dân.
Thứ tư, triển khai chính sách hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ để tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do khác mang lại, thu hút dòng FDI chất lượng cao và gia tăng hàm lượng nội địa trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
(*) ThS. PHÓ THỊ KIM CHI - Ban Dự báo Kinh tế Vĩ mô (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia) - Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1+2 Tháng 1/2022.