Tạo đà tăng trưởng kinh tế từ vốn đầu tư công


Trong bối cảnh đại địch COVID-19, đầu tư công được xác định là nguồn vốn “mồi” để thúc đẩy, kích thích nhiều nguồn vốn khác, tạo động lực cho tăng trưởng nền kinh tế. Bám sát kế hoạch được giao, năm 2021, các bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc, phân bổ vốn cho các dự án. Năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt 423,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,3% kế hoạch năm. Kết quả này góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam hiện là một trong số rất ít quốc gia duy trì được mức tăng trưởng dương và xếp trong nhóm những nước tăng trưởng cao trên thế giới.

Khng đnh vai trò dn dt ca vn đu tư công

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn thực hiện tốt vai trò “vốn mồi”, thúc đẩy, kích thích nhiều nguồn vốn khác. Qua đó, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế và đời sống nhân dân hiện nay.

Tạo đà tăng trưởng kinh tế từ vốn đầu tư công  - Ảnh 1

Tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, Quốc hội đã quyết nghị tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương 1.500.000 tỷ đồng (bao gồm: Vốn trong nước 1.200.000 tỷ đồng, vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng); vốn cân đối ngân sách địa phương 1.370.000 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết số 29/2021/QH15 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 59/QĐ-TTg và Quyết định số 1535/QĐ-TTg giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương căn cứ kế hoạch bố trí vốn cụ thể cho từng dự án theo quy định.

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành một số văn bản, chính sách tăng cường phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, tạo hành lang pháp lý thống nhất trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công như: Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021; Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021; Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021; Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021; Nghị định số 79/2021/NĐ-CP ngày 16/8/2021…

Tạo đà tăng trưởng kinh tế từ vốn đầu tư công  - Ảnh 2

Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần vào việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công; nâng cao kỷ luật, kỷ cương và hiệu quả đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Những đóng góp nổi bật của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong giai đoạn 2016-2021 có thể đề cập tới như sau:

Một là, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trung bình 83,4% kế hoạch hàng năm, đóng góp vào tăng trưởng GDP bình quân 6,01%. Năm 2021, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 2.919,1 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 35% GDP (tăng 4,2% so với năm 2020), trong đó, vốn đầu tư từ NSNN ước đạt 744,4 nghìn tỷ đồng.

Năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN đạt 423,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,3% kế hoạch năm, qua đó, tạo tác động lan tỏa tích cực đối với nền kinh tế, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân.

Theo tính toán, giải ngân đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP sẽ tăng thêm 0,058%; giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài nhà nước, góp phần kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Tạo đà tăng trưởng kinh tế từ vốn đầu tư công  - Ảnh 3

Điều này cho thấy, việc giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến tích cực hơn so với nhiều năm trước, góp phần hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn và tạo tiền đề cho phát triển trong giai đoạn mới. Việt Nam hiện là một trong số rất ít quốc gia duy trì được mức tăng trưởng dương và xếp trong nhóm những nước tăng trưởng cao trên thế giới.

Hai là, khẳng định vai trò dẫn dắt của vốn đầu tư công: Trong giai đoạn 2016-2020 và năm 2021, cơ cấu huy động vốn đầu tư toàn xã hội có sự dịch chuyển tích cực, phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước bỏ vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật.

Theo đó, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đã giảm, từ mức 39,04% giai đoạn 2011-2015 xuống còn 34,34% giai đoạn 2016-2020; tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước xu hướng tăng dần, từ mức 38,26% giai đoạn 2011-2015 lên 42,7% giai đoạn 2016-2020.

Năm 2021, tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước đạt mức 25,5%; từ khu vực ngoài nhà nước là 58,6%; từ khu vực FDI là 15,9%...

Ba là, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư từ NSNN cho các vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các địa phương.

Tạo đà tăng trưởng kinh tế từ vốn đầu tư công  - Ảnh 4

Theo thống kê, hiện nay tỷ trọng chi đầu tư bình quân NSNN/GRDP ở miền núi phía Bắc là cao nhất (6,37%), tiếp đến là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (5,60%), Đồng bằng Sông Cửu Long (5,06%), Tây Nguyên (4,77%), Đồng bằng Sông Hồng (4,45%) và Đông Nam Bộ (2,98%). Điều này chứng tỏ, đối với các địa phương càng khó khăn, thì càng cần nhiều vốn đầu tư công hơn cho tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, nguồn vốn đầu tư công góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết, cải thiện đời sống nhân dân, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, cụ thể:

(i) Cải thiện hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia: Giai đoạn 2016-2020, một số công trình, dự án giao thông quan trọng được đưa vào sử dụng như: Các dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải.

Năm 2021, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác. Nhiều dự án trọng điểm tiếp tục được đầu tư triển khai như: Cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo; Nhà ga T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cao tốc Bến Lức-Long Thành; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành; Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất giai đoạn 2...

(ii) Kết cấu hạ tầng đô thị, nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hoá: Giai đoạn 2016-2020, nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn và hạ tầng thuỷ lợi được đầu tư nâng cấp đồng bộ theo hướng đa mục tiêu, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn và tăng năng lực tưới tiêu, tạo nguồn cấp nước và tiêu thuỷ, ngăn mặn...

Năm 2021, các chương trình, kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Theo đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40,5%, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt khoảng 68%. Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 92%, đạt mục tiêu đề ra.

(iii) Hạ tầng năng lượng đã được đầu tư tăng thêm: Giai đoạn 2016-2021, nhiều công trình lớn (trên 1.000 MW) được hoàn thành. Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo được chú trọng, góp phần quan trọng việc thực hiện chính sách xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh, chủ quyền biên giới và hải đảo.

(iv) Hạ tầng thông tin và truyền thông được đầu tư hiện đại: Giai đoạn 2016-2021, hạ tầng thông tin và truyền thông phát triển khá hiện đại, rộng khắp, kết nối với quốc tế và bước đầu hình thành siêu xa lộ thông tin.

Xây dựng các nền tảng cần thiết để phát triển kinh tế số. Từng bước xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn; ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan quản lý nhà nước ngày càng được hoàn thiện mang lại hiệu quả thiết thực…

(v) Hạ tầng xã hội được chú trọng nâng cấp: Hạ tầng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, văn hoá, thể thao, du lịch, an ninh, quốc phòng... được quan tâm đầu tư. Đặc biệt, hạ tầng y tế được chú trọng hoàn thiện đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng.

Năm là, hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng đã có sự cải thiện. Hệ số suất đầu tư (ICOR) của Việt Nam đã giảm dần. ICOR giai đoạn 2016-2019 là 6,1 thấp hơn với mức
6,3 của giai đoạn 2011-2015. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, GDP giảm mạnh so với kế hoạch dẫn đến hệ số ICOR tăng cao (18,07).

Năm 2021, hiệu quả đầu tư đã đươc cải thiện, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu phục hội. Có thể nói, ICOR giảm cho thấy những tín hiệu tích cực, khi lượng vốn đầu tư cần thực hiện ít hơn để tạo ra một đồng tăng trưởng tại Việt Nam.

Giải pháp phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công

Năm 2022, nền kinh tế thế giới dự báo diễn biến phức tạp, khó lường do bị tác động tiêu cực bởi đại
dịch COVID-19. Kinh tế Việt Nam cũng vậy, tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn đầu tư công tiếp tục đóng vai trò là nguồn “vốn mồi” kích thích nhiều nguồn vốn khác, góp phần thúc đẩy, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, để tạo ra cú hích về hạ tầng cho tăngtrưởng và phát triển kinh tế bền vững, những đồng vốn ngân sách cần phải phải được sử dụng cho những dự án thực sự hiệu quả. Theo đó, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng thể chế quản lý đầu tư công: Nghiên cứu, sửa đổi quy định pháp luật về đầu tư công theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đồng thời, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả; Giải quyết triệt để những vướng mắc, chồng chéo trong quy trình quản lý đầu tư công; Tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn về xác định thứ tư ưu tiên, cách thức thẩm định, tiêu chí đánh giá, cũng như lựa chọn dự án đầu tư công.

Hai là, thực hiện đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không phân tán, dàn trải, manh mún, phải
đúng định hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội: Ưu tiên tập trung đầu tư các chương trình mục
tiêu quốc gia; các dự án trọng điểm quốc gia, tạo sự lan tỏa, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; các dự án liên kết vùng, nội vùng và liên kết các địa phương.

Ba là, đầu tư công phải thực sự giữ vai trò dẫn dắt, lan tỏa, là "vốn mồi" để huy động đầu tư của khu vực ngoài nhà nước, tạo không gian, động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững: Phát huy vai trò của đầu tư công theo phương châm “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là phát triển hệ thống hạ tầng theo phương thức đối tác công tư
(PPP).

Theo đó, xây dựng các chính sách tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo hình thức PPP. Tổ chức thực hiện thực chất và hiệu quả các hình thức đầu tư PPP trong đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm, kết nối các vùng kinh tế, đô thị lớn; xây dựng, ban hành hướng dẫn chi tiết một số nội dung đối với dự án
PPP, lựa chọn một số dự án quan trọng khả thi để tập trung triển khai thực hiện.

Bốn là, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân hàng năm trên 90% để phục
vụ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn: Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đầu tư công, trong đó tập trung các dự án lớn, các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Đổi mới, nâng cao vai trò công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong hoạt động quản lý đầu tư theo hướng giảm các hoạt động tiền kiểm và tăng cường công tác hậu kiểm.

Năm là, nâng cao hiệu quả đầu tư công, nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án, tuyển chọn tư
vấn đủ năng lực, kinh nghiệm thiết kế dự án; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chỉ được quyết định đầu tư khi dự án đã được lựa chọn theo đúng quy trình, thủ tục, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, bố trí đủ vốn hoàn thành dự án theo quy định.

Quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc cấp đất, sử dụng đất cho các dự án, đặc biệt là dự án đầu tư công; việc cấp và giao đất phải được thực hiện hiệu quả, công khai, minh bạch thông qua các hình thức đấu thầu, đấu giá theo đúng quy định và bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Đồng thời rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, điều chỉnh tiến độ hoặc kiên quyết chấm dứt đầu tư các dự án kém hiệu quả, thiếu tính khả thi trong các quy hoạch được duyệt để tập trung đầu tư cho các công trình, dự án cấp bách khác.

Sáu là, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư của các dự án khởi công mới để tạo tiền đề tốt cho việc thực hiện dự án. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giám sát, đánh giá đầu tư, tích hợp các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về quản lý đầu tư nhằm đảm bảm công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát đối với đầu tư công.

* ThS. Nguyễn Văn Tùng - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 - Tháng 01/2022.