Tăng trưởng nên dựa trên lực cầu nội địa
(Tài chính) Khi xuất khẩu bị hạn chế, các chính sách theo ngành dọc sẽ kém quan trọng hơn nên Chính phủ cần quan tâm tới các chính sách theo chiều ngang hướng tới sản xuất trong nước… GS. Dani Rodrick cho rằng, phân bổ thu nhập trong nước và quy mô của tầng lớp trung lưu chính là nhân tố quyết định lực cầu trong nền kinh tế.
Công nghiệp không còn là số một
Khuyến nghị đối với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong mục tiêu tăng trưởng trung và dài hạn, GS. Dani Rodrick, Viện nghiên cứu Cao cấp, trường Khoa học xã hội, Princeton (Hoa Kỳ) cho rằng, chính sách nên chuyển hướng từ tập trung vào kinh tế đối ngoại sang nhu cầu nội địa, từ hướng vào doanh nghiệp lớn sang chú trọng khu vực tư nhân trong nước.
Cơ sở cho khuyến nghị trên đến từ thực tế sự vận động của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua: tốc độ tăng trưởng nhanh của những năm từ 1990 đến nay chủ yếu là do chuyển đổi cơ cấu nhanh, chứ không phải do đầu tư mạnh vào những nhân tố cơ bản. Đó là sự dịch chuyển từ nông thôn sang thành thị, từ nông nghiệp sang công nghiệp chế tác và dịch vụ; từ sản xuất trong nước sang sản xuất để xuất khẩu, từ quốc doanh sang tư nhân và sở hữu nước ngoài, từ phi chính thức sang chính thức và gần đây là sự dịch chuyển từ sản xuất may mặc sang sản xuất máy móc và hàng điện tử. Hay nói cách khác tiến trình công nghiệp hóa chủ yếu được thúc đẩy qua những chính sách đối phó với thực tế và mang tính cơ hội.
Rào cản mà Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt đó chính là xu hướng công nghiệp hóa không còn là động lực chính cho phát triển và đang trở thành xu hướng chung trên thế giới. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế tác tính bằng tỷ lệ % so với GDP đã có chiều hướng giảm từ năm 2007. Cùng với đó là tỷ trọng việc làm của ngành sản xuất cũng đã có dấu hiệu chững lại. Một điểm yếu khác, ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của Việt Nam chính là việc dễ bị tổn thương do giá trị xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn và bất thường, tính theo GDP.
Lợi thế chuyển đổi cơ cấu đang mất dần
“Những thách thức trên đặt Việt Nam trước hai kịch bản”, GS. Dani Rodrick phân tích. Kịch bản một là giữ nguyên mức tăng trưởng lao động theo ngành như giai đoạn 2000 - 2008, nhưng không có thêm thay đổi gì về cơ cấu. Theo kịch bản này, để tăng tỷ trọng đóng góp của các yếu tố năng suất tổng hợp trong tăng trưởng, chính sách cần khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài sản xuất những mặt hàng có khả năng để thay thế xuất khẩu.
“Cần chuyển hướng tập trung sang phát triển những nhà sản xuất trong nước và neo vào những công ty đa quốc gia đang hoạt động ở Việt Nam như Samsung, Nokia... Đây là điểm đột phá để Việt Nam có thể thâm nhập vào những chuỗi cung ứng mà mình muốn tham gia”, GS. Dani Rodrick khuyến cáo.
Kịch bản thứ hai, theo vị chuyên gia này, là mở rộng dịch vụ thay vì mở rộng sản xuất thương mại. Theo đó, mức tăng trưởng năng suất lao động tổng hợp có thể đạt 3,4%/năm. Đây là những ngành hấp thụ việc làm cao hơn ngành công nghiệp chế tác, nhưng với các dịch vụ có tính thương mại, hầu hết đều đòi hỏi kỹ thuật cao trừ ngành dịch vụ, như tài chính, công nghệ thông tin. Hai nhân tố quan trọng giúp tăng năng suất ngành dịch vụ là quản trị và thể chế cùng nguồn vốn con người. Tuy nhiên, cả hai nhân tố này đều là những khả năng có tốc độ thay đổi chậm.
“Thông thường cải cách thể chế được quan niệm là quá trình tự do hóa các hoạt động kinh tế và giảm bớt quy mô của khu vực nhà nước”, GS. Dani Rodrick định nghĩa. Như việc giải quyết những yếu tố phức tạp trong cải cách cơ chế ở nền kinh tế hai khu vực, chúng ta thường thấy các phương thức chào mời của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam là thu hẹp khu vực Nhà nước. Theo GS.Dani Rodrick, đó là một hướng đi đúng, nhưng không nhất thiết mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khu vực FDI ít khả năng đóng vai trò quan trọng về việc làm trong công nghiệp chế tác, khi quy mô của khu vực này không có khả năng phình to.
Vậy cái gì sẽ là tác nhân thúc đẩy việc làm, tạo động lực thúc đẩy năng suất lao động? Theo GS. Dani Rodrick, đó chính là khu vực tư nhân. Ông cho rằng, khu vực tư nhân phải phát triển tương đối để thích ứng với sự co lại của khu vực Nhà nước, cũng như tạo thêm việc làm cho xã hội khi vai trò của FDI hạn chế. Điểm tựa cho khu vực này phát triển là việc chuyển hướng chính sách tập trung hơn vào khu vực kinh tế trong nước so với khu vực nước ngoài.
Các chính sách sẽ từ chỗ chú trọng vào các doanh nghiệp lớn, tức doanh nghiệp nhà nước và các công ty đa quốc gia, chuyển sang chú trọng vào khu vực tư nhân trong nước. Bằng các cuộc đối thoại chính sách rộng rãi với khu vực tư nhân trong nước để tìm ra điểm nghẽn và có chính sách hóa giải. Chính sách cần ít quan tâm hơn tới khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp xuất khẩu, chú trọng hơn tới năng suất trong các ngành dịch vụ. Bởi, tăng trưởng thương mại Việt Nam đã cao và khó có thể tăng thêm để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Khi xuất khẩu bị hạn chế, các chính sách theo ngành dọc sẽ kém quan trọng hơn nên Chính phủ cần quan tâm tới các chính sách theo chiều ngang hướng tới sản xuất trong nước… GS. Dani Rodrick cho rằng, phân bổ thu nhập trong nước và quy mô của tầng lớp trung lưu chính là nhân tố quyết định lực cầu trong nền kinh tế.