Tăng trưởng tín dụng có đạt chỉ tiêu không?
Tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm 2013 của ngành ngân hàng vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại một lần nữa nhắc đến cái mốc 12% về tăng trưởng tín dụng của năm 2013 mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần hướng đến. Liệu một số chính sách được Chính phủ đưa ra như thành lập công ty xử lý nợ xấu, khởi động gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, hoãn chuyển nhóm nợ xấu như hiện nay có thể giúp tăng trưởng tín dụng cán đích?

Bên cạnh đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tính thanh khoản VNĐ của hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng hiện đã được cải thiện; đồng thời vẫn bảo đảm khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống. Trong bối cảnh hoạt động huy động vốn đang tăng cao và tín dụng khó mở rộng, các ngân hàng thực hiện việc đưa dòng tiền ra nền kinh tế thông qua kênh ngân sách Nhà nước và tăng dự trữ thanh khoản, bằng cách tăng cường mua trái phiếu Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Bình cũng nhận định rằng, tuy tăng trưởng tín dụng của 5 tháng đầu năm 2013 hiện ở mức thấp nhưng vẫn có khả năng để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ cán đích 12% theo kế hoạch bởi tín dụng thường tăng mạnh vào 6 tháng cuối năm. Đơn cử như tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của 6 tháng cuối năm 2012 tăng gần 9%. Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khởi sắc. Từ tháng 3/2013, tăng trưởng tín dụng đã chính thức thoát khỏi trạng thái âm. Đến tháng 4/2013, tỷ lệ này đã đạt 1,4%, tháng 5 là 2,98% và có thể đẩy nhanh hơn trong nửa cuối năm 2013. Đồng thời việc thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam cho phép các ngân hàng có thể cân đối lại; sau khi nợ xấu được xử lý, các ngân hàng sẽ tích cực đẩy vốn cho các doanh nghiệp hơn.
Song, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 không dễ để thực hiện bởi còn nhiều trở ngại. Đầu tiên, đó là do hiện nay các ngành sản xuất trong nước vẫn chưa thực sự ổn định, lượng hàng tồn kho và nợ xấu còn nhiều. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) hiện đang có xu hướng suy giảm. Chỉ số PMI tháng 4 và tháng 5/2013 nằm ở dưới mức 50% cho thấy cầu của nền kinh tế đang yếu và niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng phát triển của nền kinh tế trong tương lai gần tương đối thấp, nên không tích cực đầu tư, không dám vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh. Do vậy, nguồn vốn tín dụng vẫn còn ứ đọng nhiều trong các ngân hàng. Mặt khác, các giải pháp, chính sách và gói hỗ trợ chưa được thực hiện đồng bộ, công tác triển khai còn chậm nên chưa thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.
Để có thể đạt được mục tiêu 9% trong 6 tháng cuối năm 2013 về tăng trưởng tín dụng, trước tiên cần phải giải quyết nhanh các nút nghẽn trong xử lý tài sản bảo đảm. Bởi việc phát mãi tài sản bảo đảm hiện đang rất khó khăn, thời gian kéo dài và chi phí cao mà ngân hàng vẫn không đòi được nợ dẫn đến gia tăng nợ xấu. Bên cạnh đó, Chính phủ phải có những quyết sách phù hợp về tài khóa nhằm tăng tổng cầu như tăng đầu tư công, giải phóng hàng tồn kho với giá thấp, kích thích nhu cầu tiêu dùng nơi người dân. Đồng thời, các ngân hàng cần có chính sách tiếp tục giảm lãi suất huy động xuống mức 6%/năm để làm cơ sở hạ lãi suất tiền vay; tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn vay đối với doanh nghiệp. Từ đó, mới có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2013 là 12%.