Tăng trưởng tín dụng là do… trái phiếu
(Tài chính) Dù có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 3 vừa qua sau hai tháng liên tiếp giảm sút, tăng trưởng tín dụng trong các tháng đầu năm theo phân tích lại chủ yếu đến từ hoạt động đầu tư mua trái phiếu Chính phủ (TPCP).
Vì sao tín dụng hồi phục?
Sau hai tháng liên tục giảm sút, lần lượt ở mức âm 0,55% vào tháng 1 và giảm 0,65% vào tháng 2, tín dụng trong tháng 3.2014 có được mức tăng 1,35% so với tháng trước và tương ứng với mức tăng tới 11,59% so với cùng kỳ năm 2013.
Sự hồi sinh của tín dụng, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), là nhờ hàng loạt các biện pháp thúc đẩy tín dụng và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế. Đáng lưu ý trong số này là các biện pháp về giảm lãi suất điều hành của cơ quan ngân hàng trung ương và nỗ lực giảm lãi vay trên thị trường của số đông các ngân hàng thương mại (NHTM).
Việc các tổ chức tín dụng (TCTD) trong thời gian gần đây đồng loạt giảm lãi suất kỳ hạn ngắn khoảng 0,5-1% và giảm phổ biến 0,2-0,5% đối với lãi suất huy động kỳ hạn 2-3 năm đưa mặt bằng lãi suất huy động xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Cụ thể mặt bằng lãi suất huy động VND hiện phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 5,5-6%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng, 6-7,5%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng và 7,5-8,3% đối với tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng. Các mức lãi suất này thấp hơn nhiều so với mặt bằng lãi suất của năm 2005.
Cùng với các động thái giảm lãi suất đầu năm, các ngân hàng thời gian qua cũng mạnh tay điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tới 1% đối với các lĩnh vực ưu tiên và nhiều NHTM hiện sẵn sàng cho vay với lãi suất chỉ còn 6-7% đối với các DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, tương đương mức giảm khoảng 0,5% so với mức lãi suất cho vay trước khi NHNN đưa ra các điều chỉnh lãi suất hồi giữa tháng 3/2014.
Song như chính thông tin được NHNN phát đi, dù tăng trưởng tín dụng lấy lại con số dương trong 3 tháng đầu năm, phần lớn tăng trưởng tín dụng lại bắt nguồn từ hoạt động mua TPCP của nhiều ngân hàng lớn thay vì đổ trực tiếp vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Con số vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy, vốn huy động qua kênh TPCP trong 3 tháng đầu năm đạt 83.014 tỉ đồng và xấp xỉ 35,8% kế hoạch cả năm. Điều đáng nói là trong cơ cấu số vốn huy động TPCP, có đến 80-83% tổng số vốn TPCP là do các NHTM mua.
Như vậy, có thể ước tính, thay vì huy động để cho vay, các ngân hàng trong 3 tháng đầu năm nay “phải” đầu tư mua tới hơn 66.400 tỉ đồng TPCP trong bối cảnh việc mở rộng những kênh tín dụng khác còn khó khăn.
Dấu hiệu mới
Song dường như thị trường đang có nhiều dấu hiệu thay đổi với sự sụt giảm ở kênh TPCP, tín phiếu NHNN và trạng thái bơm ròng trên kênh thị trường mở. Số liệu được các tổ chức đầu tư tổng hợp cho thấy, trong tuần qua, NHNN chỉ phát hành 20.807 tỉ đồng tín phiếu với tương đương mức giảm 37% so với tuần trước.
Với khối lượng đáo hạn trong tuần đạt 10.990 tỉ đồng, mức hút ròng trong tuần này là 9.817 tỉ đồng. Với kỳ vọng về sự cải thiện trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng, khối lượng trúng thầu tín phiếu được cho sẽ tiếp tục giảm từ từ trong thời gian tới.
Ở kênh thị trường mở, sau 3 tuần liên tiếp ngừng tham gia đấu thầu, tuần vừa qua các ngân hàng đấu thầu trở lại với khối lượng trúng thầu đạt 1.011 tỉ đồng và đưa thị trường OMO chuyển sang trạng thái bơm ròng. Như vậy, từ đầu năm đến hết ngày 4/4/2014, tổng khối lượng trúng thầu trên thị trường mở đạt 73.795 tỉ đồng.
Giới đầu tư cho rằng, tín dụng có dấu hiệu tăng trưởng là lý do kích thích nhu cầu vay tiền trên thị trường mở của các ngân hàng. Theo đó, cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện dần dần, hoạt động trên thị trường mở cũng sẽ sôi động hơn từ giữa quý II.
Bên cạnh đó, sau một thời gian dài sôi động, hoạt động đấu thầu TPCP tuần qua khá trầm lắng với một phiên đấu thầu của Kho bạc Nhà nước, lãi suất trúng thầu tiếp tục giảm và đặc biệt kết quả trúng thầu của phiên đấu thầu này giảm hẳn so với các phiên trước đó. Số liệu cho thấy, chỉ có kỳ hạn 2 năm đạt tỉ lệ trúng thầu 5,7% trong tổng số 2.174 tỉ đồng tham gia đấu thầu.
Trong lúc đó, các kỳ hạn 3 năm và 5 năm đều không trúng thầu. Đây là một kết quả khá ảm đạm, đặc biệt nếu so với con số khổng lồ gần 68.790 tỉ đồng TPCP Kho bạc Nhà nước huy động được từ đầu năm đến nay.