Tăng trưởng tín dụng năm 2014 có như năm 2013 không?
(Tài chính) Tính đến hết tháng 9/2014, tăng trưởng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,26% so với cuối năm 2013, thêm tới 1,44% từ con số 5,82% vào cuối tháng 8/2014. Nhiều chuyên gia cho rằng, diễn biến tăng trưởng tín dụng của năm 2014 có thể sẽ như kịch bản của năm 2013.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi hướng kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo nhóm ngân hàng, trong đó xem xét tăng mức tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có khả năng tăng trưởng cao hơn nhưng vẫn bảo đảm an toàn hoạt động, và giảm mức tăng trưởng đối với các TCTD yếu kém nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng đã ở mức hợp lý và an toàn hơn, tập trung dòng vốn tín dụng vào khu vực sản xuất thực của nền kinh tế, nhất là vào các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ...
Trong năm 2014, chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng với chỉ tiêu điều hành định hướng là tăng trưởng tín dụng vào khoảng 12%-14%. Tính đến hết tháng 9.2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế tăng 7,26% so với cuối năm 2013. Và như vậy, sẽ chỉ cần 4,74% nữa trong 3 tháng cuối năm, ngành ngân hàng có thể đạt được mức mục tiêu 12% cho cả năm 2014. Con số này xem ra không quá khó khăn, đặc biệt cho mức tăng 1,58% mỗi tháng khi đại diện của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đây mới là cao điểm, vụ chính hay mùa bội thu của hoạt động cho vay.
Song, chuyên gia của Viện Kinh tế Việt Nam Tô Ánh Dương cho rằng, diễn biến tăng trưởng tín dụng của năm 2014 có thể sẽ như kịch bản của năm 2013. Theo đó, tín dụng đã gia tốc mạnh mẽ trong những tháng cuối năm và mức tăng trưởng tín dụng của cả năm 2013 đã tăng 12,51% so với cùng kỳ năm 2012, vượt mục tiêu 12% của Ngân hàng Nhà nước.
Những tháng qua, Chính phủ cũng đã triển khai chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực đặc thù để mở rộng tín dụng có hiệu quả; cơ cấu tín dụng được chuyển dịch theo hướng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội như: triển khai thí điểm các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình chuỗi sản xuất liên kết các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu...; cho vay tạm trữ lúa gạo vụ Đông – Xuân 2013-2014; tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra...
Các chuyên gia cho rằng, tín dụng tăng trưởng chậm trong năm 2014 chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu bắt nguồn từ tình trạng nợ đọng ngân sách, nợ giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Việc xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều hạn chế, chưa được xử lý dứt điểm; đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp còn khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn do tình hình tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi của dự án, báo cáo tài chính của doanh nghiệp không rõ ràng, minh bạch... trong khi cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa) vay vốn chưa được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, hoạt động xử lý nợ xấu vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản cũng là nguyên nhân làm cho dòng vốn tín dụng không được khơi thông.
Hiện nay, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 09 bổ sung quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Nhờ đó, các TCTD đã tiếp tục được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, góp phần kiềm chế nợ xấu gia tăng; hỗ trợ khách hàng tiếp cận vay vốn bình thường với mặt bằng lãi suất hiện hành trên thị trường, không chịu lãi phạt quá hạn, từ đó giảm bớt gánh nặng tài chính và hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho khách hàng vay.
Tuy nhiên, Thông tư số 09 đã quy định chặt chẽ hơn theo hướng mỗi khoản nợ chỉ được cơ cấu lại một lần nhằm tránh hiện tượng lợi dụng việc cơ cấu nợ để che giấu nợ xấu. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là tốc độ và thời gian của việc xử lý nợ xấu cần được thực hiện nhanh và mạnh mẽ hơn nhằm khơi thông dòng tín dụng trong nền kinh tế.
Để dòng chảy tín dụng thông suốt cũng như bảo đảm chất lượng tín dụng và mục tiêu tăng trưởng tín dụng, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan ban hành các chính sách; thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô nhằm tháo gỡ những nút thắt cơ bản như đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu triệt để hơn, kích thích tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết nợ đọng ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm.