Tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn


Nhiều chỉ số cho thấy bức tranh của nền kinh tế đã có khởi sắc trong tháng 2. Đơn cử như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2

Nhiều yếu tố sẽ hỗ trợ tín dụng tăng trở lại
Nhiều yếu tố sẽ hỗ trợ tín dụng tăng trở lại

Nhiều chỉ số cho thấy bức tranh của nền kinh tế đã có khởi sắc trong tháng 2. Đơn cử như chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2 ước tính tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 ước đạt 25,88 tỷ USD, tăng 9,8% so với tháng trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 23,58 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước với mức tăng 18,6%.

Những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế

Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu vui cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu sôi động trở lại sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Điều này được dự báo nhu cầu vay vốn phục vụ việc nhập nguyên vật liệu cho sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng.

Trước đó, theo thống kê của NHNN, bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Việc tín dụng tăng trưởng âm trong tháng đầu tiên của năm 2024 được đánh giá là không có gì bất ngờ, nguyên nhân chính là do yếu tố mùa vụ. Đại diện NHNN phân tích, thông thường yếu tố mùa vụ vào quý IV, hoạt động kinh tế sôi động hơn, kéo tín dụng cũng tăng mạnh hơn. Tháng cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng khoảng 4%.

Sang tháng 1, tháng 2 của năm 2024 là tháng Tết, hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa khởi sắc nên tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm. Bên cạnh đó, năm nay còn có yếu tố nữa là nền kinh tế thế giới phục hồi chậm, ảnh hưởng đến đầu ra của các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.

Điểm khác biệt nữa trong tăng trưởng tín dụng đầu năm 2024 được ông Phạm Như Ánh - Tổng giám đốc MB chỉ ra, một số năm trước đây, giai đoạn cuối năm nhu cầu tín dụng cao, nhưng các ngân hàng khá căng về room tín dụng. Do đó nhu cầu tín dụng được “vắt sang” giải quyết trong tháng 1 năm sau làm cho tăng trưởng tín dụng đầu năm duy trì đà tăng.

Còn trong năm 2023 khi room tăng trưởng tín dụng tương đối thoải mái, trong khi nhu cầu tín dụng của người dân, doanh nghiệp suy giảm do hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn. Cầu tín dụng vẫn yếu khi bước sang năm 2024, thậm chí tại một số ngân hàng, người trả nợ nhiều hơn người vay, làm tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong tháng 1 năm 2024. “Dự đoán, khi các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh sôi động trở lại, thì nhu cầu vay vốn sẽ tăng dần lên; tín dụng trong tháng 1, 2 giảm, tháng 3 phục hồi và có thể tăng mạnh hơn trong quý II/2024”, ông Phạm Như Ánh cho biết.

Cùng chung nhận định, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, tháng 1/2024 rơi vào sát Tết Nguyên đán, còn tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán cũng là thời điểm doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng nhằm thu hồi vốn, chứ không có nhu cầu vốn để mua thêm nguyên vật liệu sản xuất. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm là điều bình thường. Vị chuyên gia này cho rằng, tăng trưởng tín dụng có thể tăng trở lại từ tháng 3/2024 do doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có những tín hiệu tích cực về đơn hàng, tiêu dùng trong nước cũng cải thiện.

“Cộng đồng doanh nghiệp đã và đang tập trung vào sản xuất kinh doanh nên nhu cầu vốn sẽ tăng cao. NHNN cũng giao ngay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2024 ở mức 15%. Đây là cơ sở để các ngân hàng thực hiện đẩy mạnh xem xét cho vay trong nền kinh tế ngay từ những tháng đầu năm”, ông Thịnh nhận định.

Lãi suất cho vay hấp dẫn sẽ hỗ trợ tín dụng tăng

Từ đầu năm đến nay mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm so với cuối năm 2023. Thống kê đến hết tháng 1/2024, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các NHTM giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023. Bước sang tháng 2 tiếp tục có hơn 20 ngân hàng giảm lãi suất huy động. Không chỉ 1 lần, có ngân hàng giảm lãi suất huy động 2-3 lần, thậm chí lên tới 4 lần. Bên cạnh các ngân hàng giảm lãi suất, trong hai tháng đầu năm, cũng có một vài ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn.

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, điều này chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu về thanh khoản ở một số ngân hàng, sẽ không tạo ra làn sóng tăng lãi suất thời gian tới. Về mặt bằng lãi suất cho vay, vị chuyên gia này nhận định lãi suất cho vay sẽ giữ ổn định theo đúng chỉ đạo của NHNN để hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thuộc Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS) cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu và dư địa để giảm thêm còn ít. Nhưng trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ được ưu tiên.

Về định hướng điều hành của NHNN, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cũng đã khẳng định, các mức lãi suất điều hành thời gian tới vẫn sẽ được giữ nguyên nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, Phó Thống đốc khẳng định, NHNN luôn khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Với những yếu tố tích cực từ mặt bằng lãi suất, cộng với việc kỳ vọng các lĩnh vực của nền kinh tế ấm dần lên, những khó khăn trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục được tháo gỡ, giới chuyên gia nhận định, mức tăng trưởng tín dụng sẽ đạt như mục tiêu đề ra của NHNN là khoảng 15%.

Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực từ phía ngân hàng, cũng cần giải quyết nút thắt ở vấn đề đầu ra của sản xuất. Trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu còn yếu cần kích thích tiêu dùng trong nước, từ đó đẩy mạnh được hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo

VietinBank đề nghị, trong bối cảnh tín dụng sụt giảm dù room tín dụng rất dồi dào, định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 15%, Chính phủ cần có chiến lược kích cầu. Đồng thời, các địa phương cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý cho các dự án, doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn cho rằng, trong điều kiện hiện nay, các chính sách tài khoá, đặc biệt đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp là chìa khoá để kích thích sản xuất, tiêu dùng. Qua đó nhu cầu sử dụng vốn sẽ tăng thêm, vốn của NHTM mới phát huy tác dụng. Ngoài ra, lãnh đạo Agribank đề xuất Chính phủ cần triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi xanh để đáp ứng các xu hướng, tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Thời Báo Ngân Hàng