Tăng trưởng xanh: Yêu cầu bức thiết với doanh nghiệp
(Tài chính) Với thông điệp “Tăng trưởng xanh trong thương mại và đầu tư của mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp không thể xem nhẹ vấn đề biến đổi khí hậu”, hội thảo “Thương mại và Đầu tư: Đổi mới để tăng trưởng” diễn ra mới đây tại TP. Hồ Chí Minh, do VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Công thương Na Uy tổ chức đã thu hút hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy tham dự.
Theo tài liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là nước chịu tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, trong khoảng 50 năm qua nhiệt độ đã tăng lên 0,7%, dự tính đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ tăng khoảng 1,6 - 3 độ C. Đây là một thách thức rất lớn đe dạo sự an toàn của tất cả mọi người. Để giảm hiệu ứng nhà kính là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó doanh nghiệp có vai trò quan trọng.
Tích hợp phát triển và tăng trưởng xanh
Bà Vibeke H. Madsen - Giám đốc điều hành Liên Đoàn doanh nghiệp Na Uy (VIRKE) nhận định: Đến năm 2050 dự kiến dân số thế giới sẽ khoảng 9 tỷ người, trong khi tài nguyên chỉ giới hạn, phát triển bền vững là một thách thức rất lớn với doanh nghiệp. Vì thế tăng trưởng kinh tế phải ít tác động tới môi trường. Tất cả các giai đoạn sản xuất, tiêu dùng dịch vụ đều phải không gây ô nhiễm môi trường, không sử dụng hóa chất độc hại, tiết kiệm nguồn nguyên liệu… Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng để Việt Nam vượt qua các vòng đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), gia nhập thị trường Châu Âu.
Còn ông Thomas Angell - Giám đốc điều hành thương mại VIRKE, Chủ tịch Ủy ban tư vấn của EFTA (Na Uy) cho biết: “Chúng ta khuyến khích và chờ đợi việc Việt Nam ký kết FTA. Đặt ra những yêu cầu về tăng trưởng xanh đối với các doanh nghiệp trong điều kiện Việt Nam đang đàm phán để ký kết FTA là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Các nước thành viên của Hiệp hội mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) đang đặt ưu tiên vào tính bền vững, kể cả với FTA. Thông qua FTA, Vieetj Nam sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác thương mại với Na Uy. Na Uy đã ký FTA với 17 nước, trong đó có Chile và Singapore. Nhập khẩu vào Na Uy của Chile đã tăng 49% so với trước khi FTA có hiệu lực 2006 và của Singapore tăng 80% so với trước khi FTA có hiệu lực là 1/1/2003. Na Uy hy vọng nhập khẩu của Việt Nam vào Na Uy sẽ tăng khoảng 10%/năm sau khi FTA có hiệu lực”.
Hành động của Việt Nam
Từ năm 2012 Chính phủ đã ký quyết định phê quyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh và ngày 20/3/2014 Thủ tướng cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp Việt Nam đề ra và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
Trong thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai chiến lược tăng trưởng xanh. Ông Nguyễn Công Minh Bảo - Giám đốc Phát triển bền vững Holcim Việt Nam cho biết: “Công ty của chúng tôi sử dụng nguyên liệu là đá vôi nên tác động đến tài nguyên môi trường rất lớn. Đầu tư vào chiến lược tăng trưởng xanh là quá trình mang lại lợi ích về kinh tế xã hội, môi trường và cộng đồng, chi phí thấp. Chúng tôi thu hồi rác thải, dùng rác thải để tái chế, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giảm được 60 ngàn tấn rác thải ra môi trường hàng năm.”
Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình cũng đã áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh và đạt được kết quả tốt. Ông Diệp Thành Kiệt - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thái Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Giày da Việt Nam tâm sự: “Khi mới triển khai chiến lược này, không phải tất cả mọi người đều hài lòng. Nhưng chúng tôi đã có chiến lược đúng. Giờ đây, được làm việc trong môi trường thân thiện, tất cả nhân viên đều hài lòng và năng suất làm việc nâng cao. Đây là ý tưởng rất thú vị. Tôi nghĩ với sự hỗ trợ của Chính phủ về chính sách thì Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh chóng”, ông Kiệt chia sẻ.
Số lượng các doanh nghiệp đã áp dụng chiến lược tăng trưởng xanh như trên ở Việt Nam chưa nhiều. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng chủ yếu xuất phát từ việc nhận thức của các doanh nghiệp chưa thực sự muốn đầu tư, thực hiện tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, đây mới chính là xu thế chiến lược toàn cầu hiện nay và doanh nghiệp Việt không thể chần chừ đứng ngoài cuộc chơi, một vị chuyên gia nhận định.