Tăng trưởng xuất khẩu trước thách thức lớn

Theo Lê Thúy/vnbusiness.vn

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng thời cơ khi thị trường thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp cũng đối mặt thách thức rất lớn, thậm chí có doanh nghiệp chấp nhận bỏ thị trường do không chịu được sức ép giảm giá bán, lợi nhuận thấp, rào cản kỹ thuật gia tăng...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

EU vốn là thị trường mục tiêu mà nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu (XK) hướng tới, không chỉ ở giá trị thu về, lợi thế từ Hiệp định EVFTA, mà còn là uy tín để thâm nhập nhiều thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, thông tin 25 DN XK cá tra Việt Nam "thoái" lui khỏi thị trường EU không khỏi khiến nhiều người bất ngờ.

Ngậm ngùi từ bỏ thị trường

Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân khiến nhiều DN Việt Nam rút khỏi thị trường EU là trong nửa đầu năm nay, nhiều nhà nhập khẩu (NK) cho biết phải đối mặt với khó khăn về tài chính do nhu cầu tiêu thụ cá thịt trắng, trong đó có cá tra tại nhiều thị trường của khu vực chưa tăng, trong khi chi phí logistics... lại tăng đáng kể. Nhiều khách hàng EU đã chủ động đề nghị được giảm mua, hủy hoặc hoãn các đơn hàng đã ký.

Trong khi đó, các DN XK cá tra của Việt Nam phản ánh, để giữ được mức giá XK sang EU ổn định (không tăng cao) so với cùng kỳ năm ngoái là một cố gắng không nhỏ, vì chi phí đầu vào cho sản xuất, nuôi trồng, chế biến từ đầu năm nay đã tăng mạnh. Giá nguyên liệu vật tư tăng 3-4 đợt, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của nhà máy cũng tăng từ 5-25%, găng tay, nhựa, bao bì, băng keo... giá thức ăn thủy sản cũng tăng từ 15-20%, chưa kể tiền lương người lao động, cước vận tải biển tăng từ 5-7 lần... Vì vậy, hầu hết DN chế biến cá tra không chấp nhận được đề nghị giảm giá từ khách EU sẽ bỏ cuộc, lặng lẽ chuyển hướng sang thị trường khác, cho dù EU đang là khu vực nhập khẩu cá thịt trắng lớn nhất thế giới.

Tương tự là ngành dệt may. Thống kê cho thấy, sau 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch XK dệt may Việt Nam đã đạt gần 19 tỷ USD, tăng trên 19% so với 2020. Song, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhìn nhận, ngành may dù có đủ đơn hàng nhưng đơn giá còn thấp. Thị trường Mỹ vẫn đang là thị trường quan trọng nhất của ngành may, với tốc độ tăng trưởng gần 30% trong 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận mức tăng cao nhất sau 14 năm qua kể từ khi Việt Nam trở thành thành viên WTO. Tuy nhiên, chính vì lẽ đó lại tiềm ẩn rủi ro trong chính sách của Mỹ với Việt Nam, nhất là trong điều khoản 301 của Luật Thương mại 1974 vẫn chưa hoàn toàn được giải tỏa trong cách tiếp cận của Mỹ.

Với Trung Quốc, 6 tháng qua đã vươn lên nằm trong top 3 các nước nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, chủ yếu là của ngành sợi. Sự nhạy cảm trong chính sách và nhu cầu của Trung Quốc với ngành sợi Việt Nam đã trở nên rất cao, mang tính ảnh hưởng trọng yếu đến hiệu quả của ngành này. 

Mặt khác, ông Trường lo ngại, 6 tháng cuối năm, ngành dệt may đối diện với nhiều rủi ro mới, như các DN trọng yếu nằm trong vùng dịch bệnh với nguy cơ cao là phải làm việc giãn cách, huy động tỷ lệ lao động thấp; các mặt hàng thế mạnh chưa có biểu hiện phục hồi như suit nam, nữ.

Chưa tăng trưởng bền vững

Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 4 ở nhiều địa phương, nhất là một số tỉnh, thành phố là khu vực sản xuất hàng hóa lớn như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, TP.HCM… là những địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước. Do đó, bản thân DN phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như khả năng thích ứng để vượt qua khó khăn, chủ động chuyển hướng để nắm bắt hiệu quả những cơ hội từ bối cảnh mới.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, chuyên gia kinh tế, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất siêu nhưng khi bị ảnh hưởng của dịch, sau 2 tuần đầu tiên của tháng 5 thì hoạt động thương mại rơi vào trạng thái nhập siêu. Điều này cho thấy, dịch có tác động lớn tới cán cân xuất nhập khẩu và nền kinh tế Việt Nam. Tất nhiên, nhập siêu của Việt Nam chưa phải là con số quá lớn nhưng cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế quá "mẫn cảm" trước biến động của kinh tế thế giới, tính miễn dịch và tính phòng dịch còn yếu.

Phân tích về XK, ông Kiên cho rằng, dù thị trường Mỹ đã tạm dừng điều tra Việt Nam với Điều 301 Luật Thương mại 1974 nhưng không có nghĩa là trong thời gian tới không xem xét nữa. Chưa kể, tốc độ tăng XK của Việt Nam vào thị trường Mỹ và tăng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc hiện nay rất lớn.

Trong thời gian tới, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng chỉ ra những rủi ro với XK như tác động tiêu cực từ dịch COVID-19. Rủi ro thứ hai là về địa chính trị, chiến tranh thương mại. Nếu các vấn đề quan hệ thương mại giữa các cường quốc lớn trên thế giới vẫn tiếp tục căng thẳng thì hoạt động XK của Việt Nam sẽ gặp khó khăn.

Mặt khác, việc XK mặt hàng điện, điện tử, điện thoại thông minh vẫn là một ẩn số trong thời gian tới. "Nếu 5G ở khu vực Tây Âu triển khai mạnh thì điện thoại sẽ có khả năng XK được nhiều hơn. Nếu 5G bị chậm lại, trục trặc tiến độ thì thị trường điện thoại thông minh bị ảnh hưởng, khả năng XK của Samsung cũng bị ảnh hưởng, không có đột phá lớn so với năm trước", ông Kiên nhìn nhận.

Trong bối cảnh này, ông Lê Tiến Trường, đại diện Vinatex cho rằng, Nhà nước cần thúc đẩy tối đa việc tiêm vắc xin cho công nhân từ nguồn kinh phí sản xuất kinh doanh của DN, nhất là ưu tiên cho các DN phía Nam, DN dệt may quy mô lớn. Đây cũng là mong muốn của nhiều ngành sản xuất hiện nay. 

Với ngành may, ông Trường nhấn mạnh, cần tối đa hóa khả năng cung ứng trong điều kiện đơn hàng dịch chuyển ngắn hạn về Việt Nam do dịch bệnh ở các nước khác; linh hoạt sử dụng kể cả phương thức kinh doanh bậc thấp (CMT) để giảm rủi ro trong cung ứng nguyên liệu. Với ngành sợi, cần xác định và kiên định danh mục thị trường, khách hàng, phương thức kinh doanh cân đối...