Tăng trưởng xuất nhập khẩu: Chặng đường mệt mỏi phía trước
Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về tình hình xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2013 tỏ ra lạc quan khi xuất khẩu tăng 16,1%, nhập khẩu tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, phân tích kỹ các số liệu về xuất nhập khẩu theo từng ngành, cho thấy còn nhiều vấn đề chưa thể an tâm cả trong cơ cấu xuất khẩu và nhập khẩu. Xem ra, điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2012 khó có thể lặp lại trong năm nay.
Xuất khẩu: Nội bằng nửa ngoại
Bộ Công Thương công bố kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 62 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2012, tương đương 8,6 tỷ USD và chỉ bằng 49% kế hoạch năm. Bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết số liệu năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm trước, cụ thể 6 tháng năm 2012 thực hiện bằng 48,7%/kế hoạch năm.
Bên cạnh đó, xét theo yếu tố chu kỳ xuất khẩu 6 tháng cuối năm luôn cao hơn 6 tháng đầu năm 15-25% (năm 2012 tỷ lệ này là 15%, năm 2011 là 23%). Lạc quan là vậy, nhưng thực tế cho thấy khó khăn đang hiển hiện ở một số ngành hàng vốn là mũi nhọn xuất khẩu.
Đáng lo ngại nhất là nhóm hàng nông sản, thủy sản trong 6 tháng đầu năm xuất khẩu chỉ đạt 9,7 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 4% so với tỷ trọng năm 2012 (năm 2012 chiếm 20%).
Nguyên nhân chủ yếu do cả giá và lượng xuất khẩu giảm. So với cùng kỳ 2012, trong 8 mặt hàng nông sản tính được về lượng và giá có đến 6 mặt hàng lượng xuất khẩu giảm, chỉ 2 mặt hàng là nhân điều và hạt tiêu tăng 15% và 23%. Có 4 mặt hàng giá bình quân xuất khẩu giảm là hạt điều, hạt tiêu, gạo và cao su.
Hầu hết thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản đều suy giảm sức mua, tăng rào cản kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu. Đặc biệt, những cảnh báo về việc áp đặt hàng rào phi thuế quan (qua các biện pháp khởi kiện chống bán phá giá, tự vệ thương mại) để ngăn chặn hàng hóa Việt Nam vào các thị trường lớn đang dần trở thành hiện thực.
Trong cơ cấu xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến có nhiều mặt hàng tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung, xuất khẩu của nhóm ước đạt 42,7 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ 2012. Trong đó, nhóm các sản phẩm sản xuất từ các doanh nghiệp FDI như: điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã đóng góp hơn 6,3 tỷ USD.
Xu hướng ngoại lấn át nội trong xuất khẩu không phải là mới. Trong 114,6 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước năm 2012, doanh nghiệp FDI mang về 72,3 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2011, đóng góp tới 17,7 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 18,3% của cả nước. 6 tháng đầu năm nay, xu hướng này càng rõ nét khi khu vực doanh nghiệp trong nước chỉ xuất khẩu được 20,9 tỷ USD, chiếm 34% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi khu vực doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) xuất 41,1 tỷ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2012.
Nhập khẩu: Nhóm hạn chế tăng mạnh nhất
Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt hơn 63,4 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt 55,8 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 88% trong tổng kim ngạch nhập khẩu.
Các mặt hàng có kim ngạch tăng mạnh trên 20% trong nhóm chủ yếu vẫn là nguyên vật liệu phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu, như hạt điều, thức ăn gia súc và nguyên liệu, dầu thô, điện thoại các loại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, bông các loại, sản phẩm từ chất dẻo. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 2,1 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ, trong đó có một số mặt hàng nhập khẩu tăng cao là rau quả tăng 21,7%, đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 47,2%.
Đáng chú ý nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ, như mặt hàng điện thoại di động tăng khá cao 36,2%, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 10%. Đây là diễn biến khá lạ bởi trong 6 tháng qua lực cầu trong nước rất thấp, nhưng tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ lại tăng mạnh nhất. Tuy nhiên, so với 55,8 tỷ USD kim ngạch hàng cần nhập khẩu, hàng cần kiểm soát nhập khẩu chỉ 2,1 tỷ USD vẫn có trị giá nhập khẩu thấp.
Với tình hình xuất khẩu và nhập khẩu như trên, nhập siêu 6 tháng đầu năm 2013 ước khoảng 1,4 tỷ USD, bằng 2,3% kim ngạch xuất khẩu, trong đó khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu hơn 5,4 tỷ USD, doanh nghiệp trong nước nhập siêu 6,8 tỷ USD.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng: “Mức nhập siêu như vậy chấp nhận được. Nhập siêu trở lại từ tháng 3 và tiếp tục duy trì trong tháng 6 với trị giá ước khoảng 200 triệu USD. Nhập siêu trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 1,4 tỷ USD là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, cho thấy sản xuất, xuất khẩu bắt đầu phục hồi, nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu, máy móc thiết bị tăng cao và chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu (88%)”.
Theo các chuyên gia kinh tế, sau dấu hiệu vui này còn có một sự thật khác rất đáng lo ngại, đó là sự mất cân đối trong xuất - nhập khẩu hàng hóa ở một số thị trường. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu sang châu Á chiếm tỷ trọng gần 52%, châu Âu 20,6%, châu Mỹ 20,3%...
Trong khi đó, nhập khẩu từ châu Á chiếm tỷ trọng tới 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, châu Âu chỉ chiếm 9,6% và châu Mỹ 6,0%, cho thấy nhập siêu từ các nước châu Á rất lớn. Năm 2012 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 16,4 tỷ USD trong khi nhập siêu của cả nền kinh tế chỉ khoảng 780 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, chúng ta tiếp tục nhập siêu 8,9 tỷ USD từ Trung Quốc, 5,6 tỷ USD từ Hàn Quốc... Sự lệ thuộc vào đối tác càng cao, giải quyết tình trạng nhập siêu càng khó.
Nhiều thách thức
Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trung bình 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu mới đạt 10,3 tỷ USD/tháng. Gánh nặng dồn vào 6 tháng cuối năm, nên để đạt kim ngạch 128 tỷ USD cả năm, tăng 12%, đòi hỏi mỗi tháng phải xuất khẩu 11 tỷ USD. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn nếu giá nông sản vẫn duy trì như mức hiện nay. Hiện nay giá nông sản trên thế giới đang diễn biến khá phức tạp. Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, dự báo giá gạo thế giới sẽ giảm mạnh khi Thái Lan “phá kho thóc”.
Việt Nam đang đối mặt với nỗi lo nhập siêu ngày càng lớn từ Trung Quốc khi nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu của quốc gia này. Nếu việc nhập khẩu từ nước này này trục trặc, nền kinh tế nước ta sẽ gặp khó khăn, trong khi chúng ta hầu như chưa khai thác được nhiều để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là hàng hóa có giá trị gia tăng cao vào thị trường này.
TS. Võ Trí Thành,
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Ông phân tích: “Trước đây Thái Lan giữ giá gạo ở mức cao để ủng hộ nông dân. Nhưng nay không thể tích lũy thêm nữa nên chắc chắn sẽ phải bán ra. Mới đây, Thủ tướng Thái Lan đã cách chức Bộ trưởng Thương mại do chính sách mua tạm trữ của ông này khiến giá gạo của Thái Lan cao hơn so với Việt Nam và Ấn Độ, dẫn đến việc Thái Lan mất danh hiệu nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới”.
Trong khi đó, với mặt hàng thủy sản, PGS., TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản, cho biết nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường chính đã sụt giảm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, cộng với các rào cản kỹ thuật và thuế quan tại các thị trường nhập khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô sản xuất do đơn đặt hàng thấp, thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng.
Trong bối cảnh như vậy, TS. Võ Trí Thành cho rằng tận dụng ưu đãi cũng như khai thác có hiệu quả các FTA đã hoặc sẽ ký là việc làm cần thiết trong công tác phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Trong các giải pháp đề ra trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công Thương xác định tập trung tuyên truyền, phổ biến các FTA đã ký kết để gia tăng xuất khẩu, khai thác tốt hơn các thị trường truyền thống cùng với phát triển các thị trường mới, nhất là các thị trường tiềm năng Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi, Mỹ Latin...
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cũng đề xuất với các thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, ngoài sản phẩm xuất khẩu truyền thống cần hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng mới, vì đây là những thị trường lớn, nhu cầu đa dạng và phổ hàng hóa rất rộng.
“Việc nghiên cứu phát triển những sản phẩm xuất khẩu mới cũng là sự chuẩn bị để khai thác có hiệu quả các FTA đã hoặc sẽ ký nếu đàm phán có kết quả” - ông Tuyển nói.