Sự ra đời của tài chính vi mô
Khái niệm tài chính vi mô (TCVM) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976, khi ông Muhammad Yunus thành lập nên Ngân hàng Grameen, như là một thử nghiệm, ở vùng ngoại ô của Bangladesh. Kể từ khi đó, một vài tổ chức TCVM đã ra đời và đạt được thành công khi đến gần với những người nghèo nhất trong xã hội. Tuy nhiên, phải đến khi Ủy ban Nobel trao cho Ngân hàng Grameen Bank và người sáng lập Muhammad Yunus Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2006 “Vì những nỗ lực của họ trong việc tạo ra sự phát triển kinh tế và xã hội”, TCVM mới thực sự thu hút được sự chú ý của thế giới và niềm tin vào khả năng chống lại đói nghèo.
Trong những thập kỷ qua, TCVM đã chứng minh rằng người nghèo là những khách hàng khả thi của dịch vụ tài chính (DVTC). Kết quả là, biên giới giữa TCVM truyền thống và hệ thống tài chính lớn đang trở nên mờ dần. Ở cấp cơ sở, các tổ chức TCVM đang mở rộng tầm với của họ, trong khi các ngân hàng thương mại và các tổ chức TCVM chính thức khác đang ngày càng di chuyển vào khu vực nông thôn để tiếp cận được nhiều khách hàng nghèo hơn và ở xa hơn nữa.
Ví dụ, Ngân hàng ICICI - ngân hàng lớn thứ hai của Ấn Độ, đã mở hơn 2.000 ki-ốt Internet nông thôn nhằm cung cấp DVTC trên khắp Ấn Độ. Ngân hàng Caixa Economica của Brazil đang mở rộng thương hiệu DVTC gần 14.000 cửa hàng bao gồm quầy xổ số, siêu thị và các nhà cung cấp địa phương. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam đã sử dụng hơn 300 xe “ngân hàng lưu động”, xe chở tiền lưu động của ngân hàng, định kỳ đến các địa điểm nhất định vùng sâu, vùng xa nhằm phục vụ cho nhân dân vùng nông thôn, miền núi - những nơi người dân không có điều kiện tiếp xúc với dịch vụ ngân hàng.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể nhưng TCVM vẫn còn cả một chặng đường dài mới có thể lấp đầy khoảng cách cung – cầu, đặc biệt ở những khu vực nông thôn, khi mà tình hình cung cấp các DVTC còn gặp nhiều thách thức và khó khăn như hiện nay.
Người nghèo và khả năng tiếp cận vốn vay
Theo một điều tra gần đây do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiến hành tại các nước châu Á và khu vực Thái Bình Dương, hiện nay có khoảng 90% trong tổng số 180 triệu hộ nghèo tại hai khu vực này gần như không thể tiếp cận được các DVTC như tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm hay chuyển tiền. Cuộc nghiên cứu cũng chỉ ra một vài lí do chính lý giải tại sao phần lớn các tổ chức tài chính chính thức từ chối cung cấp DVTC cho người nghèo. Theo đó, các tổ chức tài chính này lập luận rằng người nghèo thuộc nhóm đối tượng không có tài sản đảm bảo, thu nhập lại bấp bênh nên việc cho họ vay sẽ khiến tổ chức gặp rủi ro cao trong việc thu hồi vốn vay. Bên cạnh đó, việc cung cấp các DVTC cho người nghèo rất tốn kém, đặc biệt khi so sánh với quy mô cho vay nợ. Đây cũng là một trong các lý do cốt lõi khiến các ngân hàng chính thức không thực hiện các khoản cho vay nhỏ. Thực tế cho thấy, cho khách hàng vay một khoản 100 USD, chi phí về nhân sự và các nguồn lực khác của tổ chức cũng tương đương với khoản cho vay 3.000 USD. Điều này dẫn đến chỉ số chi phí giao dịch so với tổng tiền vay của các món cho vay nhỏ thường khá cao và khiến ngân hàng phải đặt mức lãi suất cho vay cao để trang trải các chi phí thực hiện cho khách hàng vay. Đồng thời, cũng giải thích tại sao các tổ chức TCVM phải tính lãi suất cao đối với người nghèo vay vốn.
Điều này khiến họ bị đẩy sâu thêm vào cảnh nợ nần, tình trạng nghèo cùng cực hơn và phải mất nhiều năm để khắc phục vượt qua. Những yếu tố trên bắt nguồn từ những yếu tố sau:
Thứ nhất, nếu đi vay từ khu vực không chính thức, họ phải trả mức lãi suất cao hơn rất nhiều so với thị trường, điều này vượt ngoài khả năng chi trả của họ.
Thứ hai, nếu không đi vay, người nghèo sẽ không nắm bắt được cơ hội làm ăn do thiếu vốn. Vì thế, nếu người nghèo được tiếp cận vốn vay kịp thời, họ sẽ nắm bắt được cơ hội làm ăn, cải thiện thu nhập, tăng khả năng chi trả và nâng cao chất lượng cuộc sống. Có thể thấy, lợi ích của việc nắm giữ được các cơ hội đầu tư dựa vào tiếp cận vốn vay này lớn hơn nhiều so với lãi suất họ phải trả cho món vay.
Để vượt qua đói nghèo, họ cần được cho vay, cần tiết kiệm, tích lũy tài sản và tự bảo vệ gia đình trước những rủi ro. Các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ khả năng dễ bị tổn thương của những người nghèo trước những cú sốc như ốm đau, thiên tai, mất cắp và các sự cố khác. Nguồn tài chính eo hẹp của các hộ gia đình là nguyên nhân chủ yếu gây ra sự tổn thương trước những cú sốc này, đồng thời do không thể tiếp cận các DVTC, các gia đình ngày càng bị đẩy sâu thêm vào cảnh nợ nần và đói nghèo. Vì thế, việc được tiếp cận trực tiếp DVTC sẽ có thể giúp người nghèo tránh được chuyện chạy ăn từng bữa, có những kế hoạch dài hơn trong tương lai, cũng như có được tài sản giá trị và điều kiện đầu tư vào sức khỏe, giáo dục, nâng cao chất lượng cuộc sống hơn.
Thông qua các tổ chức TCVM như là quỹ tín dụng và một số tổ chức phi chính phủ, người nghèo có thể có được các khoản vay nhỏ, được hướng dẫn cách sử dụng nguồn vay hiệu quả và bảo vệ số tiền tiết kiệm của họ. Việc được tiếp cận món vay nhỏ với lãi suất hợp lý sẽ giúp người nghèo có thể tiến hành sản xuất hoặc khởi tạo hoạt động kinh doanh nhỏ.
Đơn cử như tổ chức tín dụng và tiết kiệm Amhara, phía Bắc Ethiopia, xếp thứ 6 trong danh sách các tổ chức TCVM hàng đầu của tổ chức Forbes năm 2011, tỷ lệ hoàn trả của các khoản vay luôn ở mức trên 98%, trong khi danh mục đầu tư có nguy cơ rủi ro ít hơn 3%. Phạm vi hoạt động của tổ chức này hiện nay được mở rộng, với hơn 530.000 người đi vay và 225.000 người đang sử dụng dịch vụ tiết kiệm của tổ chức. Một ví dụ khác tại Việt Nam, như trường hợp của tổ chức TCVM TNHH Một thành viên Tình thương (TYM) là tổ chức TCVM chính thức đầu tiên ở Việt Nam do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập năm 2010, nhắm tới đối tượng là những phụ nữ nghèo, yếu thế trong xã hội. Chỉ tính riêng năm 2012, TYM đã tiếp cận và cung cấp DVTC và phi tài chính cho gần 95.000 khách hàng tại 10 tỉnh thành, nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm. Tính đến hết tháng 11/2013, TYM có dư nợ vốn vay 56 tỷ đồng, tỷ lệ hoàn trả khoản vay vẫn đạt 99,96%.
Không chỉ là tín dụng
Người nghèo cần được tiếp cận tới hàng loạt các dịch vụ tài chính, không chỉ riêng tín dụng. Họ cần một loạt các dịch vụ bao gồm tín dụng, tiết kiệm, chuyển tiền và bảo hiểm. Người nghèo thậm chí là người rất nghèo cũng cần tiết kiệm. Họ cần dịch vụ tiền gửi an toàn, thuận tiện cho phép duy trì số dư nhỏ, dễ dàng tiến hành những giao dịch nhỏ và tiếp cận với nguồn vốn.
Các hình thức tiết kiệm truyền thống như chuyển đổi tiền mặt thành vàng, động vật nuôi, vật liệu xây dựng, giấu tiền trong nhà hay tham gia vòng tròn tiết kiệm “họ” thường có chi phí ẩn và rủi ro cao. Ví dụ: Tiền mặt hay vàng giấu trong nhà có thể bị đánh cắp, vật nuôi có thể bị bệnh hoặc chết, tham gia chơi “họ” có thể bị người cầm họ cầm lấy mất.
Tính đến tháng 12/2013, cả nước có khoảng 50 chương trình, tổ chức tài chính vi mô với khoảng 500 ngàn khách hàng. Trong số đó chỉ có 2 tổ chức là chính thức được “hợp pháp hóa” dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước là TYM và M7. Thực tế cho thấy, nhu cầu người nghèo mong muốn được tiếp cận với dịch vụ tài chính vi mô là rất lớn, nhưng phạm vi hoạt động của các tổ chức này lại chưa cao.
Bên cạnh đó, người nghèo cũng phải đối mặt với các vấn đề đột xuất và cần đến tiền mặt để chi tiêu hàng ngày (việc hiếu hỷ, khám chữa bệnh, nộp tiền học…) với cách thức tiết kiệm như trên có thể gây trở ngại cho họ. Họ không thể cắt một bên con lợn và coi đó là nguồn tiết kiệm của gia đình mỗi khi cần tiền đột xuất. Hoặc tham gia chơi “họ” cùng mọi người trong làng, họ cũng không thể có ngay tiền mặt khi cần. Người nghèo cần loại hình tiết kiệm vừa an toàn, vừa thanh khoản cao. Thực tế, họ ít quan tâm lãi suất thu được từ tiền gửi tiết kiệm, vì phần lớn họ vẫn chưa quen với loại hình tiết kiệm dưới dạng các giấy tờ có giá, họ chú trọng đến loại hình tiết kiệm có tính thanh khoản cao để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp và mua sắm tài sản khi cần thiết. Vì thế, bằng cách tiếp cận với dịch vụ tiết kiệm tiền tệ an toàn và linh hoạt của tổ chức TCVM, người nghèo có thể lập kế hoạch cho tương lai của họ, đồng thời có một chiếc đệm chống lại những cú sốc và tận dụng những cơ hội kinh doanh dù là rất nhỏ.
Cánh cửa thoát nghèo ở Việt Nam
Theo một báo cáo Đánh giá Nghèo Việt Nam 2012 của Ngân hàng Thế giới (WB) thì “Khởi đầu tốt, nhưng chưa phải đã hoàn thành: Thành tựu ấn tượng của Việt Nam về giảm nghèo và những thách thức mới”, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% hồi đầu những năm 1990 xuống 20,7% năm 2010. Đây là con số thực sự ấn tượng, có sự đóng góp không nhỏ của chính sách TCVM, đưa Việt Nam trở thành một tấm gương trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống người dân.
Gần đây, vào năm 2011, WB đã tiến hành nghiên cứu và công bố trên trang Global Findex – cơ sở dữ liệu tài chính toàn cầu, ở Việt Nam có khoảng 79% người dân không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức. Hầu hết họ không thể hoặc không được tiếp cận dịch vụ ngân hàng nhưng cần có nhu cầu rất lớn về tiết kiệm và vay mượn. Nhiều khi để giải quyết nhu cầu tài chính của mình họ phải tự xoay sở từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Trong phần lớn trường hợp, nhiều người nghèo buộc phải vay nặng lãi với lãi suất cao hơn khoảng 100%/năm. Chính vì vậy, các tổ chức cung cấp TCVM như: ngân hàng chính sách, hợp tác xã, Quỹ tín dụng trung ương, các tổ chức TCVM… cung cấp dịch vụ tín dụng, tiết kiệm, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác và các dịch vụ phi tài chính: quản lý tài chính và rủi ro, hướng dẫn chăn nuôi, chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường… đã mở ra cánh cửa thoát nghèo cho người dân và được người nghèo đánh giá cao.
Một khảo sát mới đây được Nhóm công tác TCVM Việt Nam tiến hành nhằm đánh giá mức độ bền vững của các tổ chức TCVM Việt Nam cho thấy: 90% đối tượng khảo sát bày tỏ sự hài lòng của mình khi vay vốn tại các tổ chức TCVM vì sự thuận tiện và phù hợp với nhu cầu bản thân họ; 95,30% người được hỏi nói rằng muốn được vay vốn từ tổ chức này. Những con số ấy dù chưa thể nói lên nhiều điều nhưng phần nào chứng tỏ được nhu cầu rất lớn của nhiều dân nghèo từ nguồn vốn vay của các tổ chức TCVM.
Đa số người nghèo Việt Nam sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp với năng suất lao động thấy và ít được tiếp cận với các dịch vụ tài chính và kiến thức. TCVM có khả năng cung cấp các loại hình dịch vụ và sản phẩm tài chính cho cộng đồng người nghèo nhằm giúp họ cải thiện đời sống, phát triển kinh tế và đóng góp cho xã hội. Mặc dù vốn vay của TCVM không lớn như ngân hàng thương mại hay ngân hàng chính sách nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi những khoản vay này đến được với người nghèo và nghèo nhất vào đúng thời điểm cần thiết nhất, giúp họ khởi tạo sản xuất kinh doanh, tạo dựng tài sản, ổn định chỉ tiêu và bảo vệ họ khỏi nghèo đói mặc dù việc này cần thời gian.
Tăng thu nhập hộ gia đình
Hiện nay, tại Việt Nam, TCVM cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng (cho vay, tiết kiệm, bảo hiểm), (giáo dục tài chính cho khách hàng lập ngân sách và tiết kiệm, hỗ trợ tài chính kịp thời cho khách hàng gặp khó khăn…), giúp người nghèo tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng các khoản thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp, có các khoản thu nhập khác từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại, kinh doanh doanh nhỏ. Đồng thời, góp phần giúp người nghèo tránh, giảm rủi ro về kinh tể và cuộc sống, từ đó, tăng thu nhập hộ gia đình. Trong khi thu nhập không tự động tăng lên, nguồn vốn vay đáng tin cậy không cần tài sản thế chấp ban đầu là cơ sở nền tảng cho việc lên kế hoạch khởi động sản xuất, mở rộng kinh doanh, cộng thêm tổ chức cung cấp vốn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng đồng vốn vay hiệu quả, tiết kiệm và không phải bán hay cầm cố tài sản khi gặp rủi ro thất bại. Hơn nữa, cán bộ tín dụng của tổ chức luôn gần gũi với dân, có những sự giúp đỡ kịp thời để người dân nghèo luôn phát huy được hết khả năng sản xuất kinh doanh nhằm cải thiện thu nhập và cuộc sống của chính họ.
Điển hình như tại huyện Uông Bí (Quảng Ninh), tổ chức TCVM nằm trong mạng lưới M7 với tên gọi “Quỹ khuyến khích phụ nữ phát triển” đã thu hút được sự tham gia của 7.000 thành viên là phụ nữ. Tham gia tổ chức, chị em phụ nữ không chỉ được vay vốn làm kinh tế với lãi suất thấp mà còn được hướng dẫn cách tiết kiệm tín dụng, làm kinh tế cải thiện thu nhập. Trong số đó, có gần 1.000 thành viên thoát nghèo. Nhiều chị em ban đầu từ hai bàn tay trắng, sau khi tham gia chương trình, đến nay đã trở thành các hộ khá giả ở địa phương.
Tạo dựng tài sản, cải thiện sức khỏe và đầu tư nhiều hơn cho giáo dục
Nhờ tăng thu nhập, người nghèo có tích lũy tài sản, tiết kiệm và khả năng vay vốn, để tái đầu tư mở rộng sản xuất, nhà xưởng, thuê thêm nhân công tạo công ăn việc làm cho lao động tại địa phương; mua đất đai xây dựng hoặc cải tạo nhà ở, vật nuôi. Đơn cử như chị Huyền, thành viên của tổ chức TCVM trách nhiệm hữu hạn M7 Chi nhánh Đông Triều. Trước khi bắt đầu vay vốn năm 2004 với số tiền 1.000.000 đồng, gia đình chị thuộc hộ nghèo có thu nhập thấp, với số vốn ít ỏi hai vợ chồng chị đầu tư phát triển mô hình trang trại vườn – ao - chuồng. Sau nhiều năm phấn đấu dành dụm, hiện tại trang trại ngoài việc đảm bảo công việc ổn định cho 2 vợ chồng còn tạo thêm công ăn việc làm cho 6 lao động có việc làm thường xuyên và 12 lao động thời vụ. Thu nhập hàng năm của gia đình chị là 250 triệu đồng/năm, với tổng tài sản trị giá trên 3 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhờ tiết kiệm và tài sản được tích lũy, người nghèo thay vì phải chạy ăn từng bữa, tồn tại từ ngày này sang ngày khác, sẽ có những kế hoạch dài lâu và định hướng cho tương lai. Hộ gia đình có nhiều điều kiện để quan tâm đến dinh dưỡng, cải thiện điều kiện sống, chủ động tìm kiếm và chi trả cho dịch vụ y tế thay vì đến các cơ sở y tế khi tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ. Tăng thu nhập đồng nghĩa với việc hộ gia đình có thể cho nhiều con của họ tiếp cận dịch vụ giáo dục với thời gian dài hơn và đầu tư nhiều hơn vào giáo dục cho con cái.
Tăng quyền cho người phụ nữ
Trong rất nhiều chương trình TCVM, phụ nữ nghèo là đối tượng khách hàng tuyệt vời, chủ yếu của các sản phẩm tài chính. Bởi phụ nữ là những người tiết kiệm tích cực và có tỉ lệ hoàn trả các khoản vay cao hơn đàn ông. Đồng thời, phần lớn trong các hộ gia đình nghèo, họ là trụ cột chính kiếm tiền nuôi cả gia đình. Tuy nhiên, phụ nữ nghèo cũng chính là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi và dễ bị tổn thương ngay tại gia đình mình. Tham gia chương trình của tổ chức TCVM, phụ nữ sẽ được quản lý tiền, tiếp cận với tri thức dẫn tới nhiều lựa chọn hơn đã có thể khiến họ có quyền nhiều hơn trong các vấn đề của gia đình và xã hội, họ và chồng đã cùng nhau ra quyết định trong những khía cạnh quan trọng của đời sống. Bằng cách này hay cách khác, họ đang đóng góp đáng kể vào tài chính gia đình và thực tế này giúp họ giành thêm sự tôn trọng từ phía chồng con, có thể thương lượng với chồng giúp đỡ việc nhà, tránh các cãi vã về tiền bạc, và được họ hàng, gia đình nhà chồng coi trọng hơn.
Tính đến tháng 12/2013, cả nước có khoảng 50 chương trình, tổ chức TCVM với khoảng 500 ngàn khách hàng, trong số đó chỉ có 2 tổ chức TCVM là chính thức được “hợp pháp hóa” dưới sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước là TYM và M7. Thực tế cho thấy, nhu cầu người nghèo mong muốn được tiếp cận với dịch vụ TCVM là rất lớn, nhưng phạm vi hoạt động của các tổ chức này lại chưa cao. Một trong những rào cản làm chậm quá trình phát triển các tổ chức là chưa có một khuôn khổ pháp lý pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp với hoạt động TCVM, ví dụ như: quy định về vốn khi muốn mở thêm dịch vụ bảo hiểm vi mô, thông tư về xây dựng mạng lưới chi nhánh tổ chức; hệ thống văn phòng, kho quỹ; chính sách thuế… Bên cạnh đó, mức độ bền vững của các tổ chức TCVM chưa được đảm bảo, quy mô tương đối nhỏ, lãi suất cho vay thực tế còn cao hơn các ngân hàng thương mại; các dịch vụ tài chính còn đơn điệu; nhiều cán bộ, quản lý cũng chưa hiểu hết về TCVM.
Trước thực tế này, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, Chính phủ nên sớm xây dựng khung pháp lý phù hợp nhằm tạo cơ chế để thúc đẩy TCVM phát triển rộng khắp, dỡ bỏ cơ chế ưu đãi về lãi suất để tạo sân chơi bình đẳng cho các tổ chức TCVM. Đồng thời, các tổ chức TCVM cần không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ quản lý, từng bước áp dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng nghèo.
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.adb.org/sectors/finance/microfinance;
2. Nhóm công tác TCVM Việt Nam (2011), Báo cáo nghiên cứu “ TCVM với giảm nghèo tại Việt Nam- Kiểm định và so sánh”;
3. Gielmnik, M,. & Gui Deng, S,.(2012), “ Tác động của TYM đối với phụ nữ có thu nhập thấp và gia đình họ”, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Tạo cơ chế để thúc đẩy tài chính vi mô phát triển
(Tài chính) Tài chính vi mô cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng cùng các dịch vụ phi tài chính giúp người nghèo tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng các khoản thu nhập ngoài sản xuất nông nghiệp, có các khoản thu nhập khác từ tiểu thủ công nghiệp, thương mại, kinh doanh doanh nhỏ. Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, Chính phủ nên sớm xây dựng khung pháp lý phù hợp nhằm tạo cơ chế để thúc đẩy tài chính vi mô phát triển rộng khắp, dỡ bỏ cơ chế ưu đãi về lãi suất để tạo sân chơi bình đẳng cho các tổ chức tài chính vi mô.
Xem thêm