Tạo đột phá mới trong cải cách điều kiện kinh doanh
Môi trường kinh doanh của Việt Nam mặc dù đã có rất nhiều cải tiến, cải thiện, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn đặt ra cho doanh nghiệp. Do đó, cần có những giải pháp cắt giảm những điều kiện kinh doanh tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Đây là nhận định của TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo “Chất lượng điều kiện kinh doanh: vấn đề và kiến nghị”, diễn ra sáng ngày 27/2, do CIEM tổ chức. Hội thảo năm trong khuôn khổ Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).
Nhiều nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, năm 2019, lần đầu tiên Việt Nam lọt vào top 30 nước có kim ngạch xuất, nhập khẩu cao nhất thế giới, cùng với đó là một loạt các cải cách tạo điều kiện cho môi trường đầu tư kinh doanh, tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng. Liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh, trong năm 2019, tiếp nối những năm trước đã có rất nhiều cải tiến, cải thiện để tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia nhập cũng như vận hành trong nền kinh tế. Đồng thời, 2019 cũng là một năm Việt Nam chứng kiến số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường ở mức kỷ lục với khoảng 138 ngàn doanh nghiệp cùng với những thành tích đáng khích lệ khác.
Bà Trần Thị Hồng Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Minh Trang
Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, thời gian qua, đã có 29 văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành đã được đưa ra liên quan đến cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh ở các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ngành. Quan rà soát của các cơ quan liên quan, con số đạt được khá ấn tượng, cụ thể vào thời điểm thàng 5/2019 chúng ta đã bãi bỏ tất cả gần 3.500 điều kiện kinh doanh trên tổng số gần 6.000 điều kiện kinh doanh, con số này đã vượt chỉ tiêu mà Chính phủ giao khoảng hơn 110%.
Báo cáo về kết quả cải cách điều kiện kinh doanh giai đoạn 2017-2019, Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực Cạnh tranh, CIEM cho biết, trong giai đoạn 2017-2019 đã có tới gần 40 văn bản của Chính phủ chỉ đạo về nội dung cải cách. Đặc biệt là trong năm 2018, liên tục các tháng Chính phủ đều ban hành văn bản chỉ đạo liên quan (20 văn bản).
“Có lẽ, khó có nội dung cải cách nào được Chính phủ quan tâm và chỉ đạo sát sao, liên tục như về điều kiện kinh doanh. Bởi vậy, xác định đúng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và cải cách đầu tư kinh doanh là căn bản nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tại Việt Nam”, bà Thảo nhận định.
Về một số kết quả cải cách điều kiện kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo cho biết, về cơ bản, đến hết năm 2019 đã cắt giảm hơn 50% số điều kiện kinh doanh. Các điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc dễ tạo sự tùy ý trong thực thi đều đã được cắt bỏ. Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh trùng lặp cũng đã được cắt bỏ, như: điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch, điều kiện khinh doanh đối với việc thành lập một số loại hình đào tạo và chuyển sang quản lý theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và Tiêu chuẩn quốc gia. Một số điều kiện kinh doanh cũng đã được sửa đổi theo hướng giảm bớt yêu cầu, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Về phía các đơn vị thực hiện cải cách, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Đàm Thị Thanh Xuân, Vụ pháp chế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã bám sát các nghị quyết của Chính phủ, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực nông nghiệp, cũng như rà soát các quy định thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư về lĩnh vực nông nghiệp, cắt giảm và đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ xác định, công việc rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh là việc làm thường xuyên, lâu dài nên cần sự phối hợp bên trong và bên ngoài, VCCI, các nhà đầu tư, tổ công tác của Chính phủ.
Song, thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn đặt ra cho doanh nghiệp
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, TS. Trần Thị Hồng Minh cho rằng, năm 2019 khép lại vẫn còn rất nhiều trăn trở với những người làm công tác nghiên cứu nghiên cứu, hoạch định chính sách, cũng như các tổ chức, cơ quan liên quan, khi mà các doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh, đặc biệt môi trường kinh doanh của Việt Nam mặc dù đã có rất nhiều cải tiến, cải thiện, nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều khó khăn đặt ra cho doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo.
Theo báo cáo Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam tăng về điểm tuyệt đối trong cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng lại tụt một hạng so với năm trước.
“Điều đó cho thấy rằng, sự cố gắng vào cuộc của tất cả các bộ ngành mặc dù đã được ghi nhận, tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế cần phải có sự cố gắng nhiều hơn”, TS. Minh nhấn mạnh.
“Tại sao chúng ta tụt hạng khi mà chúng ta vẫn có điểm số tuyệt đối tăng, đó là do các nước trong khu vực và trên thế giới đang cải cách nhanh hơn. Chính vì vậy, yêu cầu phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng cường sự thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động, đặc biệt, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là trong năm 2020 phải đạt được sự tăng bậc trong các chỉ số liên quan tới môi trường đầu tư kinh doanh. Đó là thách thức thức rất lớn đặt ra đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, các bộ, ngành liên quan”, người đứng đầu CIEM cho hay.
Đánh giá về mức độ cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, bà Nguyễn Minh Thảo cũng cho rằng, điều kiện kinh doanh được cắt bỏ chủ yếu dưới hình thức đơn giản hóa, ít cắt bỏ, giảm mức độ yêu cầu về số lượng nhân sự hoặc giảm yêu cầu về quy mô diện tích của cơ sở vật chất, thể hiện dưới hình thức sửa đổi.
Điều kiện kinh doanh cắt bỏ chủ yếu dưới hình thức những đăng ký kinh doanh quy định theo pháp luật chuyên ngành, như: đảm bảo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường… không nêu cụ thể mà dẫn theo pháp luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, không đạt hiệu quả quản lý, thiếu rõ ràng. Điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức quy định về chứng chỉ do cơ quan quản lý nhà nước đào tạo và cấp khá phổ biến trong tất cả các lĩnh vực; việc quy định về chứng chỉ đôi khi mang tính hình thức hơn là năng lực thực chất.
Mặc dù các bộ báo cáo đã hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng chưa có báo cáo đánh giá nào của các bộ về hiệu quả và tác động của cách điều kiện kinh doanh, thiếu giám sát việc tổ chức thực hiện.
“Dù đã đạt được một số hiệu quả nhất định, song những vướng mắc về rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn phổ biến. Đặc biệt, thực tiễn thực thi cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách điều kiện kinh doanh vẫn còn hạn chế”, bà Thảo nhấn mạnh.
Cần thay đổi cách thức quản lý nhà nước
Để tạo đột phá mới về cải cách điều kiện kinh doanh, bà Thảo cho rằng, trong thời gian tới, các bộ, ban, ngành cần thay đổi cách thức quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Cơ quan quản lý nhà nước thực hiện kiểm tra hậu kiểm trên cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh khi đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh, chỉ cần thông báo mà không cần phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước; doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng các yêu cầu đăng ký kinh doanh.
Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá sự cần thiết của việc yêu cầu về đào tạo và cấp chứng chỉ, thực hiện xã hội hóa các hoạt động này, hạn chế tình trạng đổ dồn về cơ quan cấp bộ thực hiện đào tạo và cấp chứng chỉ.
Đồng thời, thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc quản lý doanh nghiệp tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, để cải cách điều kiện kinh doanh có hiệu quả, các bộ, ngành cần đánh giá hiệu quả cải cách trong từng lĩnh vực, ước tính lợi ích từ hoạt động cải cách trong thời gian qua. Tiếp tục rà soát, đề xuất, bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Giám sát việc tổ chức, xử lý nghiêm những hành vi cố tình gây khó cho doanh nghiệp. Đồng thời, thiết lập cơ chế đối thoại và phản hồi cho doanh nghiệp.
TS. Trần Thị Hồng Minh khẳng định, trong thời gian tới, CIEM cùng với các bộ ngành, các hiệp hội, VCCI sẽ rà soát, nhận diện ra những điều kiện nào là bất hợp lý, thực sự là rào cản cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh tế. Từ đó, có những đề xuất giải pháp cắt giảm những điều kiện kinh doanh này tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp để đáp ứng được mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.