Tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác “chống chuyển giá”

PV. (T/h)

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được mong đợi sẽ bổ sung những nội dung cần thiết, luật hoá một số nguyên tắc cơ bản nhằm tăng cường quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác “chống chuyển giá”. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế quan tâm. Tapchitaichinh.vn giới thiệu ý kiến của TS. Đặng Văn Hải, Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (Kiểm toán nhà nước)bàn về nội dung này.

Hội thảo “Sự thay đổi về chuyển giá trên thế giới”, diễn ra tại Hà Nội, sáng 9/11 do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tổ chức.
Hội thảo “Sự thay đổi về chuyển giá trên thế giới”, diễn ra tại Hà Nội, sáng 9/11 do Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tổ chức.

Chuyển giá luôn là vấn đề nóng, phức tạp diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, hành vi chuyển giá xuất hiện cùng với sự gia tăng các DN FDI.Đáng chú ý, trên thực tế, chuyển giá không chỉ được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, mà nó còn được thực hiện bởi các công ty có nhiều công ty con chỉ hoạt động kinh doanh trong nước hoặc thậm chí được thực hiện bởi các công ty là các chủ thể kinh tế độc lập song chủ sở hữu của chúng lại có mối quan hệ thân nhân với nhau.

Do vậy, cần hiểu hành vi chuyển giá theo một nghĩa rộng hơn, theo đó, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện bằng cách thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết nhằm tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của các đối tác liên kết.

Khuôn khổ pháp lý về hoạt động chuyển giá ở Việt Nam chưa hoàn thiện

Văn bản pháp lý đầu tiên đề cập đến vấn đề chuyển giá là Thông tư 74/1997/TT-BTC ngày 20/10/1997 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài; sau đó là Thông tư 89/1999/TT-BTC ngày 16/7/1999 và Thông tư 13/2001/TT-BTC ngày 08/3/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư nước ngoài ở Việt Nam (Thông tư 128/2003/TT- BTC ngày 22/12/2003 thay thế Thông tư 13/2001/TT-BTC của Bộ Tài chính).

Tiếp theo là Thông tư 117/2005/TT-BTC ngày 19/12/2005 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thực hiện xác định giá thị trường trong các giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết quy định đầy đủ hơn và ít nhiều đã có sự tương đồng với hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD). Các văn bản nói trên đã thể hiện tinh thần cơ bản xử lý vấn đề chuyển giá là xác định lại giá chuyển giao theo nguyên tắc giá thị trường.

Tuy nhiên, các văn bản nói trên chỉ dừng lại ở đối tượng áp dụng là các DN FDI mà chưa áp dụng đối với các DN trong nước, tức là mới chú trọng vấn đề chống chuyển giá quốc tế, chứ chưa có giải pháp chống chuyển giá nội địa.

Với sự ra đời của Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22/4/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, lần đầu tiên ở Việt Nam một văn bản pháp lý về chống chuyển giá được áp dụng cho tất cả các loại hình DN, cả DN FDI và các DN khác.

Ngày 24/02/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CPquy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Đây được coi là văn bản pháp lý cao nhất để xử lý các DN sử dụng biện pháp này để chuyển giá, trốn thuế. Nghị định 20/2017/NĐ-CP nằm trong khuôn khổ kế hoạch cải cách thuế của Việt Nam nhằm phù hợp với bối cảnh toàn cầu đòi hỏi gia tăng tính minh bạch và nỗ lực chống né thuế.

Như vậy, có thể thấy, nỗ lực đáng ghi nhận của các cơ quan quản lý nhà nước thời gian qua là việc đã thiết lập và dần dần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chống chuyển giá, tạo những cơ sở pháp lý nhất định cho hoạt động của ngành Thuế trong đấu tranh chống chuyển giá của các DN, đặc biệt là các DN FDI.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam chưa hoàn thiện. Xét ở cấp độ văn bản pháp luật thì quy định về chuyển giá và chống chuyển giá chưa thực sự đầy đủ và rõ ràng. Như đã phân tích trên, ở cấp độ luật mới chỉ có Điểm e Khoản 1 Điều 37 của Luật Quản lý thuế quy định một nội dung có liên quan có thể được vận dụng làm cơ sở để đấu tranh chống chuyển giá.

Ngoài ra, các quy định về định giá chuyển giao chỉ mới dừng ở cấp thông tư và gần đây là Nghị định nên hiệu lực pháp lý chưa cao, gây khó khăn cho quá trình thực hiện.

Hiện nay, cũng chưa có quy định rõ ràng về các khoản chi ngân sách phục vụ chống chuyển giá (chi phí để mua thông tin, chi phí điều tra, xác minh...); chưa có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có liên quan (công an, tham tán kinh tế) để giúp ngành Thuế thu thập thông tin phục vụ công tác chống chuyển giá; chưa có cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp Trung ương nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt công tác chống chuyển giá ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ về người nộp thuế nói chung và phục vụ cho hoạt động chống chuyển giá nói riêng, chưa có được nguồn thông tin đa dạng và cập nhật kịp thời từ các cơ quan quản lý nhà nước và các nguồn cung cấp thông tin khác.

 

Một số giải pháp hoàn thiện

Việt Nam đang kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhiều công ty nước ngoài đã và đang mở chi nhánh hoạt động tại nước ta. Ngược lại, nhiều DN Việt Nam đã và sẽ mở chi nhánh hoạt động tại nước ngoài. Các DN này lựa chọn giá chuyển giao dựa trên cơ sở nào là vấn đề đáng quan tâm, vì chúng không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của DN, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Trên cơ sở phân tích những bất cập trong hoạt động chống chuyển giá thời gian qua và thông qua kinh nghiệm của một số nước trong khu vực ASEAN, để nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, cần nghiên cứu hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và môi trường kinh doanh tại Việt Nam trong công tác quản lý và chống chuyển giá, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về lâu dài, cần xây dựng Luật Chống chuyển giá – đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá, không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập DN mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên... đồng thời sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan như: Luật DN, Luật Ðầu tư, Luật Thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Thuế TNDN, Luật Dân sự…

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã có luật về chống chuyển giá và có hội đồng quốc gia về quản lý chống chuyển giá để ngăn chặn các hành vi chuyển giá. Tại khu vực Đông Nam Á, một số nước đã xây dựng và thực hiện Luật Chống chuyển giá từ nhiều năm nay (Malaysia, Thái Lan, Indonesia…). Những quy định trong Luật chống chuyển giá của một số nước đã bám sát được các quy định chung của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và áp dụng cho cả công ty trong nước và nước ngoài phù hợp với đặc điểm riêng.

Thứ hai, hình thành cơ quan chuyên trách chống chuyển giá ở cấp Trung ương nhằm chỉ đạo thực hiện thông suốt công tác chống chuyển giá ở tầm quốc gia và trực tiếp xử lý các vấn đề về thông tin ở tầm quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống chuyển giá, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm thu đúng, thu đủ các khoản thu của DN vào ngân sách nhà nước.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá; trong đó, tập trung vào những nội dung chủ yếu sau đây:

Trước mắt cần bổ sung một điều luật về chống chuyển giá vào Luật Quản lý thuế, tạo cơ sở pháp lý ở cấp độ cao cho hoạt động chống chuyển giá.Có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước phục vụ công tác chống chuyển giá (chi phí để mua thông tin, chi phí điều tra, xác minh...).

Quy định cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài nhằm thu thập đầy đủ và kịp thời thông tin, dữ liệu về người nộp thuế. Thực tiễn công tác chống chuyển giá cho thấy muốn xác định giá chuyển giao theo các nguyên tắc chống chuyển giá mà pháp luật quy định thì phải thu thập đầy đủ thông tin, nếu không có thông tin thì không thể xác định được giá chuyển giao.

Có biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý đối với hành vi chuyển giá, trốn lậu thuế. Pháp luật của các nước trong khu vực đều quy định các biện pháp, chế tài mạnh đối với hành vi chuyển giá, như: Singapore quy định mức phạt chung cho các vi phạm về thuế nằm từ khoảng 100% đến 400% khoản thuế phải trả; Indonesia áp dụng mức phạt từ 2% đến 48% một tháng tính trên số thuế nộp thiếu bị phát hiện do gian lận qua chuyển giá; Malaysia quy định mức phat dao động từ 100-300% số thuế bị phát hiện gian lận, đồng thời, công khai danh tính những DN thực hiện chuyển giá chiếm đoạt tiền thuế nhà nước.