Dấu hiệu và tác hại của chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Hành vi chuyển giá trong hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam gây hậu quả xấu về nhiều mặt, như: gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước, làm suy giảm hiệu lực quản lý nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế… Bài viết dưới đây phân tích những dấu hiệu và tác hại của chuyển giá, từ đó đề xuất một số giải pháp ngăn chặn chuyển giá tại các doanh nghiệp (DN) FDI.
Những dấu hiệu chuyển giá
Chuyển giá là sự kết cấu về giá cả xuyên quốc gia và chỉ có thể thực hiện được khi có cấu kết giữa các công ty độc lập giữa các quốc gia đầu tư và tiếp nhận đầu tư để đưa ra mức giá hàng hóa, dịch vụ cao hơn nhiều giá trị thực và cao hơn giá bình thường, nhằm tránh thuế thu nhập DN, tránh quy định về chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thu hồi vốn đầu tư nhanh…
Để thực hiện được các mục tiêu này, DN FDI thực hiện chuyển giá thông qua việc định giá cao khi nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… và giá bán thấp khi xuất khẩu sản phẩm bất chấp DN tại nước tiếp nhận đầu tư, dù là có vốn của họ, không có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ, để sau khi thu hồi vốn đầu tư, đạt được mục tiêu lợi nhuận, có thể dừng hoạt động, bán lại DN, hoặc giải thể, phá sản.
Một hiện tượng phổ biến khác của chuyển giá là việc các DN trong quá trình sản xuất - kinh doanh kê khai giá nguyên liệu đầu vào rất cao, đồng thời tìm mọi cách khai tăng các chi phí khác (chi phí quảng cáo, khuyến mại), nhằm triệt tiêu lợi nhuận.
So với các DN khác cùng ngành nghề, có thể thấy, chi phí của các DN FDI thường cao hơn bất thường; còn có DN lợi dụng ưu đãi của Việt Nam cho giảm trừ phần chi phí của hoạt động quảng cáo, khuyến mại, nên đã tận dụng việc này, tuyên truyền quảng cáo cho cả công ty mẹ.
Đối với các nhà đầu tư đã có ý đồ chuyển giá, ngay từ đầu, trong luận chứng kinh tế - kỹ thuật của dự án, họ đã chủ động tăng giá đầu vào (máy móc, thiết bị, bí quyết kỹ thuật, sáng chế phát minh…) để tạo giá trị khủng về tài sản cố định của DN.
Trong quá trình sản xuất và kinh doanh sau này, giá cả máy móc thiết bị mới khi cần bổ sung, thay thế (kể cả trong các trường hợp tăng vốn mở rộng sản xuất) đều được khai vống giá, tạo nên giá trị ảo về vốn (giá trị đầu tư thật của một nhà máy, dự án tất nhiên sẽ thấp hơn nhiều giá trị ảo được đăng ký). Mức khấu hao được tăng lên, do vậy giá thành cũng cao lên, lợi nhuận thấp, hoặc không có lợi nhuận và DN sẽ bị lỗ.
Dấu hiệu khác để nhận biết hiện tượng chuyển giá là DN lỗ liên tục nhiều năm, nhưng doanh thu tăng, hoạt động sản xuất mở rộng. Có thể có các DN đã chủ động để lỗ 3 năm, sau đó 1 - 2 năm có lãi ít, để rồi lũy kế vẫn lỗ. Cách biến lãi thành lỗ, hoặc sắp đặt mức lãi thấp, các DN FDI không thể làm việc riêng lẻ, mà thường phối hợp, liên kết trong cùng tập đoàn, hoặc từng nhóm.
Các DN này tự dàn xếp giá với nhau thông qua các giao dịch liên kết. Thông qua các giao dịch liên kết này, các công ty trong nhóm cùng giảm được tổng nghĩa vụ thuế trên phạm vi toàn cầu, tăng được lợi nhuận sau thuế.
Sử dụng chi phí trả lãi tiền vay cũng là một cách làm khác mà các DN FDI sử dụng. Công ty mẹ đưa nguyên vật liệu, vật tư linh kiện đầu vào mà ở Việt Nam chưa sản xuất được hoặc chất lượng chưa đảm bảo, công ty ở Việt Nam báo cáo không có tiền lấy hàng, công ty mẹ cho trả chậm để sau khi bán sẽ trả, thời gian trả chậm đó phải có lãi.
Việc này được DN coi là trả lãi tiền vay. Do đó khi DN bán hàng ra có lãi đều tính vào chi phí trả lãi tiền vay, dẫn tới hết lãi. Phần lãi thực, thông qua trả lãi, đã chuyển hết ra ngoài cho công ty mẹ.
Định giá cao khi nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu… và khai giá bán thấp khi xuất khẩu sản phẩm cũng là một dấu hiệu của chuyển giá. Đối với các nhà đầu tư có ý đồ chuyển giá họ đã chủ động tăng giá đầu vào ngay từ khi lập FS (báo cáo khả thi) và tiếp tục cả trong quá trình tăng vốn mở rộng sản xuất sau này, thổi phồng giá trị tài sản cố định, khấu hao tăng lên, DN không có lợi nhuận…
Một hình thức chuyển giá khác được các DN FDI áp dụng là bán hàng hóa, nguyên vật liệu cho các bên có quan hệ liên kết với giá thấp hơn nhiều so với giá bán cho các bên không có quan hệ liên kết.
Đây là hành vi phổ biến nhất. Bởi với lợi thế nắm giữ phần vốn lớn tại các DN Việt Nam, bên liên kết nước ngoài có quyền định đoạt giá chuyển giao hàng hóa, nguyên liệu để chuyển được nhiều lợi nhuận trước thuế ra nước ngoài.
Các tập đoàn, công ty mẹ tại nước ngoài ký hợp đồng sản xuất kinh doanh và dịch vụ với các công ty của các nước với đơn giá gia công sản xuất dịch vụ rất cao.
Sau đó, các tập đoàn này giao lại cho các công ty con lập tại Việt Nam thực hiện sản xuất gia công dịch vụ và xuất thẳng cho các đơn vị mà công ty mẹ đã ký hợp đồng. Tuy nhiên, tiền không thu được trực tiếp từ các công ty đã xuất hàng mà chỉ thu được theo đơn giá gia công, sản xuất dịch vụ do công ty mẹ quy định, đơn giá này rất thấp.
Một khả năng khác để các DN FDI thực hiện hành vi chuyển giá là lựa chọn một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới có mức thuế suất thu nhập DN thấp để làm địa điểm đặt trụ sở đăng ký đầu tư vào Việt Nam.
Họ lợi dụng sự khác biệt thuế suất giữa các quốc gia, khu vực để trốn thuế. Ở nhiều quốc gia tiếp nhận đầu tư có thuế suất cao, như Việt Nam hiện nay, có thuế suất thuế thu nhập DN là 25%, trong khi nhiều quốc gia khác mức thuế này chỉ trên dưới 10%, thậm chí nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Anh quốc, UAE…, thuế suất chỉ bằng 0%.
Các chủ đầu tư sẽ lấy địa chỉ đăng ký đầu tư vào Việt Nam tại các quốc gia, khu vực có thuế suất thấp, công ty tại Việt Nam sẽ bán sản phẩm cho công ty mẹ tại các quốc gia này với giá bằng giá gốc để tránh nộp thuế tại Việt Nam.
Sau đó, bên mua sẽ bán lại cho bên thứ ba thu lãi. Do thuế thu nhập DN tại những quốc gia nơi nhà đầu tư đăng ký đầu tư vào Việt Nam bằng 0, hoặc ở mức rất thấp, nên DN không phải đóng thuế hoặc đóng thuế rất thấp.
Những hậu quả của hành vi chuyển giá
Hành vi chuyển giá của một số DN FDI tại Việt Nam sẽ để lại các hậu quả xấu trong hoạt động của khu vực FDI, như làm thất thu ngân sách, cạnh tranh không lành mạnh, tạo sức ép lên các DN tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế…, nhưng từ việc xác định có hiện tượng, có hành vi chuyển giá để đi đến một quyết định có tính pháp lý là một việc cực kỳ khó.
Vì vậy, cần có sự phối hợp hành động chặt chẽ của nhiều cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, thuế, thương mại, hải quan… ở Trung ương và địa phương; đồng thời nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của DN FDI, mới có thể ngăn chặn hiệu quả hành vi chuyển giá tại một số DN FDI.
Theo đánh giá của đại diện ngành Thuế, thời gian qua có tình trạng một số tập đoàn đa quốc gia kinh doanh tại Việt Nam mặc dù báo cáo thua lỗ kéo dài nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20 năm 2017 về quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết (hiệu lực từ ngày 1/5/2017).
Nghị định này hướng tới kiểm soát các giao dịch liên kết giữa giữa các DN trong cùng tập đoàn, qua đó ngăn chặn hành vi chuyển giá để trốn thuế tại Việt Nam. Thời gian qua, một loạt các “ông lớn” đa quốc gia như Coca-Cola, Big C, Metro đều “dính” nghi án chuyển giá vì liên tục báo lỗ hoặc báo lãi khiêm tốn trong khi vẫn phình to hoạt động đầu tư.
Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục thuế các địa phương làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương để rà soát, xác định các thương hiệu bán lẻ trên địa bàn và xác định chủ sở hữu. Từ đó phân tích, đánh giá rủi ro về thuế để lựa chọn, bổ sung vào kế hoạch thanh tra của cơ quan thuế.
Đề xuất một số giải pháp ngăn chặn chuyển giá của các DN FDI
Một là, hoàn thiện hành lang pháp lý về chống chuyển giá.
- Củng cố lại cơ sở pháp lý về quản lý hoạt động chuyển giá, ban hành và hướng dẫn đầy đủ các phương pháp xác định giá chuyển giao phù hợp với trình độ phát triển kinh doanh trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phải nâng cao tính pháp lý của hoạt động chuyển giá để có thể quy định các chế tài và hình thức xử phạt cũng như quy định các “ngưỡng an toàn” cho hoạt động chuyển giá, tạo thuận lợi cho DN khi áp dụng, nhưng cũng xử lý nghiêm khắc khi có vi phạm.
Trước mắt cần quan tâm thực hiện một số điều luật về chống chuyển giá, cụ thể là:
+ Biện pháp mạnh mẽ nhất được đề xuất là ấn định số thuế trên doanh số khi DN kê khai không hợp lý. Theo đó, khi phát hiện DN có dấu hiệu chuyển giá, cơ quan thuế phải chứng minh được dấu hiệu đó để ấn định mức thuế.
Tỷ lệ ấn định dựa trên so sánh giá giao dịch với giá tương đương ngoài thị trường; nếu không có giá tương đương thì áp dụng phương pháp ấn định giá mua hay giá bán trên tỷ lệ lợi nhuận trung bình của các DN tương tự.
+ Cách thứ hai là làm tốt thuế nhà thầu. Đối với DN nước ngoài sang Việt Nam, đầu tư không ở dạng tư cách pháp nhân có thể quy định thuế khoán ấn để nhà đầu tư biết trước để đấu thầu.
+ Cách thứ ba để hỗ trợ chống chuyển giá được đề xuất là áp dụng là “thỏa thuận trước về giá giao dịch liên kết” (advance pricing agreement - APA). Thỏa thuận này được thiết lập trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan thuế và DN đầu tư vào nước sở tại và có mối quan hệ liên kết với các DN khác.
- Cần ban hành quy chế xử phạt cụ thể cho các trường hợp phát hiện hành vi chuyển giá. Việc cụ thể hóa hình thức phạt và mức phạt sẽ tạo nên sự công bằng và hiệu quả trong công tác kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời giảm các tiêu cực có thể xảy ra.
Dựa vào kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, Việt Nam có thể xây dựng các mức phạt sao cho phù hợp, nhưng phải đảm bảo tính răn đe. Chẳng hạn, Việt Nam nên quy định khoản phạt có thể từ 20% đến 100% số thuế truy thu, thời hiệu truy thu thuế nên tăng lên từ 5-10 năm trờ về trước tùy theo mức độ vi phạm.
- Về lâu dài, nên ban hành Luật Chống chuyển giá, vì đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho hoạt động chống chuyển giá, không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập DN còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên...
Có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra và điều tra chống chuyển giá; hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong hoạt động chống chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
Hai là, thiết lập cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá theo nguyên tắc giá thị trường (advance pricing agreement - APA) để chống chuyển giá.
Đây là một biện pháp hiệu quả cho quản lý chống chuyển giá bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra, vì đây là một cách thỏa thuận giữa cơ quan thuế và người nộp thuế về phương pháp xác định giá giao dịch, chỉ cần DN giao dịch dưới giá thỏa thuận, Cục thuế sẽ phát hiện ngay.
Ba là, nghiên cứu giao quyền điều tra cho cơ quan thuế. Trước mắt, có thể chỉ giao quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp Tổng cục. Về lâu dài, khi lực lượng công chức thuế đã được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng đòi hỏi của chức năng điều tra thì có thể mở rộng quyền điều tra cho cơ quan thuế cấp tỉnh.
Việc giao quyền điều tra không chỉ giúp cơ quan thuế có điều kiện làm tốt hoạt động chống chuyển giá, mà còn tạo điều kiện làm tốt hiệu quả quản lý thuế nói chung.
Bốn là, thu hẹp các ưu đãi thuế. Chênh lệch thuế thu nhập DN giữa các quốc gia, chênh lệch thuế suất thuế thu nhập DN trong một quốc gia do áp dụng thuế suất ưu đãi và các ưu đãi khác như miễn, giảm thuế là tiền đề để các DN thực hiện hành vi chuyển giá.
Hiển nhiên, vì những mục tiêu nhất định, cần phải thực hiện ưu đãi thuế, song cần cân nhắc các cách thức khác để điều tiết các vấn đề kinh tế, chỉ sử dụng ưu đãi thuế trong những trường hợp có lợi nhất so với các hình thức ưu đãi khác, chẳng hạn như trợ cấp, trợ giá, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng... Do đó, nên hạn chế tối đa các chính sách xã hội trong ưu đãi thuế.
Năm là, thành lập bộ phận chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá tại cơ quan thuế. Đây chính là bộ phận có chức năng chuyên thu thập thông tin phục vụ quản lý thuế ở cả trong nước và quốc tế.
Đội ngũ chuyên viên này cần được đào tạo về chuyên môn, kỹ năng, ngoại ngữ, trang bị phương tiện làm việc tốt nhằm nắm bắt và cập nhật kịp thời giá cả thị trường thế giới. Công việc kiểm soát giá cả phải được thực hiện thường xuyên, nhằm tránh tình trạng các DN FDI lách luật.
Tài liệu tham khảo:
1. Tổng cục Thuế: Báo cáo tổng kết công tác các năm từ 2005 đến 2010;
2. Thông tư số 66/2010/TT-BT, Hướng dẫn thực hiện việc xác định giá trị thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết;
3. Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính www.mof.gov.vn;
4. Website ngành Thuế www.gdt.gov.vn;
5. http://www.scribd.com/hoang_lam_3/d/37290851-mnc-chuy%E1%BB%83n-gia.