Tạo lập những nền tảng quan trọng cho thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam
Sau 4 năm vận hành, đến nay, chúng ta đã tạo lập những nền tảng quan trọng cho thị trường chứng khoán (TTCK) phái sinh phát triển. Qua đó, đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc quản lý và vận hành một thị trường giao dịch sản phẩm mới cũng như cung cấp công cụ đầu tư, phòng ngừa rủi ro hiệu quả đối với chứng khoán trên thị trường cơ sở.
Phát triển TTCK phái sinh được xem là xu thế tất yếu đối với thị trường Việt Nam, góp phần hoàn thiện cơ cấu thị trường cũng như cấu trúc hoạt động theo thông lệ quốc tế. Đây cũng là xu thế phát triển chung của TTCK thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, trong số hơn 100 TTCK trên thế giới và trong khu vực, hiện có khoảng 40 TTCK phái sinh được đưa vào vận hành và có tốc độ tăng trưởng ổn định qua nhiều năm.
Tại Việt Nam, ngày 10/8/2017, TTCK phái sinh chính thức khai trương hoạt động, đánh dấu bước phát triển quan trọng của TTCK Việt Nam trong việc quản lý và vận hành một thị trường giao dịch sản phẩm mới, một kênh đầu tư mới, đồng thời cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả đối với chứng khoán trên thị trường cơ sở.
Có thể nói, sự ra đời của TTCK phái sinh với một hệ thống cơ sở pháp lý được xây dựng chặt chẽ từ Luật Chứng khoán, Nghị định về TTCK phái sinh, Thông tư, và hệ thống Quy chế, Quy trình hướng dẫn tại các đơn vị vận hành thị trường là Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đã và đang đặt những nền móng quan trọng, tạo đà cho việc củng cố và hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý cho thị trường về dài hạn.
Trong 4 năm qua, hoạt động vận hành hệ thống (giao dịch, bù trừ, thanh toán), công bố thông tin, giám sát (liên) hiệu quả và thông suốt. Khái niệm về sản phẩm phái sinh và cách thức ký quỹ, giao dịch, thanh toán phái sinh giờ đây đã không còn quá xa lạ với công chúng đầu tư trên thị trường. Nói cách khác, người đầu tư đã quen với cơ chế vận hành của thị trường chứng khoán phái sinh, đặc biệt cơ chế bù trừ đối tác trung tâm (CCP), vốn rất khác biệt với thị trường cơ sở.
Bên cạnh đó, TTCK phái sinh Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng đầu tư, giới nghiên cứu, cơ quan truyền thông trong nước và thế giới. Năm 2019-2020, nhiều công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng đến từ Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, và Đài Loan đã đề xuất các hình thức xúc tiến đầu tư cho sản phẩm Hợp đồng tương lai VN30 với HNX.
Hiện HNX đang trình Bộ Tài chính cho phép thực hiện các thủ tục để Hợp đồng tương lai VN30 sớm được cơ quan nước sở tại cho phép các công ty môi giới được giới thiệu rộng rãi sản phẩm này tới cộng đồng các nhà đầu tư tại Đài Loan.
Theo HNX, trên đà hội nhập toàn cầu, TTCK phái sinh Việt Nam đang có xu hướng vận động ổn định cùng chiều với TTCK phái sinh thế giới, đặc biệt dưới ảnh hưởng diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 từ cuối năm 2019 đến nay.
Trong năm 2020, khi TTCK phái sinh thế giới tăng trưởng 35% so với 2019 (đạt 46 tỷ hợp đồng), thì TTCK phái sinh của Việt Nam cũng đạt mức tăng trưởng gần 80% (đạt gần 40 triệu hợp đồng). Trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng của TTCK phái sinh trong nước đạt hơn 16%, trong khi con số này trên thế giới là khoảng 33%.
Theo các chuyên gia chứng khoán, với những thành tựu đáng khích lệ, TTCK phái sinh Việt Nam đã và đang ngày càng thể hiện rõ vai trò phòng vệ rủi ro đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động mạnh, đồng thời là công cụ đầu tư kiếm lời hữu hiệu dựa trên biến động thị trường cơ sở.
Kể từ khi TTCK phái sinh ra đời, những “cú sốc trên TTCK” do các thông tin cơ bản không tích cực gây nên đã giảm đáng kể cả về số lượng và mức độ tác động, đồng thời nhà đầu tư cũng không ồ ạt rút tiền khỏi TTCK như trước đây.