Nguyên tắc thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư

PV.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 58/2021/TT-BTC ngày 12/7/2021 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 158/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh. Thông tư này quy định rõ nguyên tắc thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Điều 9, Thông tư số 58/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính, kể từ ngày 27/8/2021, hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư bao gồm thanh toán lãi lỗ vị thế và thanh toán khi thực hiện hợp đồng.

Cụ thể, đối với trường hợp thanh toán lãi lỗ vị thế, tại các ngày giao dịch trước ngày giao dịch cuối cùng, giá trị khoản thanh toán lãi lỗ vị thế được xác định hàng ngày trên cơ sở các vị thế mở trên tài khoản giao dịch của nhà đầu tư và chênh lệch giữa giá thanh toán cuối ngày so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước; hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán cuối ngày so với giá thanh toán (đối với vị thế vừa mở trong ngày); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với trường hợp đóng vị thế trước hạn); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán đóng vị thế so với giá thanh toán mở vị thế (đối với trường hợp mở và đóng vị thế trong cùng ngày giao dịch).

Tại ngày giao dịch cuối cùng, giá trị khoản thanh toán lãi lỗ vị thế được xác định trên cơ sở các vị thế mở trên tài khoản giao dịch của nhà đầu tư và chênh lệch giữa giá thanh toán cuối cùng so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước; hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán cuối cùng so với giá thanh toán (đối với vị thế vừa mở trong ngày); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán so với giá thanh toán cuối ngày của ngày giao dịch liền trước (đối với trường hợp đóng vị thế trước hạn); hoặc chênh lệch giữa giá thanh toán đóng vị thế so với giá thanh toán mở vị thế (đối với trường hợp mở và đóng vị thế trong cùng ngày giao dịch cuối cùng).

Cần lưu ý rằng, giá thanh toán cuối ngày, giá thanh toán cuối cùng được công bố trên trang thông tin điện tử của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam.

Trong trường hợp thanh toán khi thực hiện hợp đồng, đối với hợp đồng thanh toán dưới hình thức bằng tiền thì việc thực hiện hợp đồng được hoàn tất khi hoàn tất thanh toán lãi lỗ vị thế của ngày giao dịch cuối cùng.

Đối với hợp đồng thanh toán dưới hình thức chuyển giao tài sản cơ sở, thì việc thực hiện hợp đồng được hoàn tất khi nhà đầu tư bên bán phải chuyển giao tài sản cơ sở hoặc tài sản có thể chuyển giao theo quy định và nhà đầu tư bên mua phải thực hiện thanh toán tiền theo các điều khoản tại hợp đồng và quy chế của Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam; hoặc nhà đầu tư hoàn tất việc thanh toán khoản tiền bồi thường (nếu có) theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 11 Thông tư số 58/2021/TT-BTC.

Việc thanh toán được thực hiện trên tài khoản tiền gửi ký quỹ, tài khoản chứng khoán ký quỹ của nhà đầu tư. Hoạt động thanh toán được Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam, thành viên bù trừ phối hợp thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 Điều 11 Thông tư số 58/2021/TT-BTC.

Liên quan đến thị trường chứng khoán phái sinh, theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng khối lượng giao dịch trên thị trường phái sinh đạt 22.664.678 hợp đồng, tương ứng khối lượng giao dịch bình quân 190.318 hợp đồng/phiên, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tháng 6 có khối lượng giao dịch bình quân lớn nhất đạt 212.145 hợp đồng/phiên.

Về thị phần môi giới chứng khoán phái sinh, tính đến hết ngày 30/6/2021, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam có 22 CTCK thành viên. Trong quý II/2021, thị phần môi giới trên thị trường chứng khoán phái sinh biến động không đáng kể so với quý I/2021, chủ yếu tập trung ở top 5 công ty chứng khoán: VPS, HSC, VnDirect, SSI, và MBS.