Tập trung đánh vào những ổ nhóm buôn lậu lớn
Cuối năm, giáp Tết chính là thời kỳ cao điểm các loại hàng giả, hàng nhái hoành hành. Đặc biệt, nhiều mặt hàng phục vụ cho sản xuất tiêu dùng từ thấp đến cao cấp đều bị làm giả, gây ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Trong khi đó, doanh nghiệp sản xuất chân chính bị thiệt hại, mất thị phần, nhà nước thì thất thu ngân sách.
Mặt hàng nào cũng có thể làm giả
Theo ông Lê Thế Bảo - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu (VATAP), vấn nạn hàng nhái, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) diễn ra ngày càng phức tạp và có xu hướng gia tăng. “Có đến 32 nhóm ngành hàng bị làm giả gồm điện lạnh, rượu bia, nước giải khát, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, nuôi trồng thủy sản... Đây là vấn đề không thể chấp nhận được” - ông Bảo nhấn mạnh.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, 10 tháng đầu năm nay, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra trên 145.000 vụ; phát hiện, xử lý gần 88.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước trên 523 tỉ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm: kiểm tra, xử lý 13.893 vụ việc vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 29,6 tỉ đồng, trị giá tang vật thu giữ 20,4 tỉ đồng.
Đặc biệt, phía VATAP nhấn mạnh cần ngăn chặn cho được tình trạng hàng Trung Quốc chất lượng kém, mua về Việt Nam dập lại bán rẻ hơn cạnh tranh quyết liệt với hàng nội địa. Hiệp hội dẫn chứng, hiện nhiều doanh nghiệp (DN) nhập thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y hàng ngàn chủng loại, 90% trong số đó nhập từ Trung Quốc, nhiều loại chứa hàm lượng độc tố cao (ngay ở Trung Quốc cũng chỉ cho phép sử dụng vài trăm hoạt chất) gây hại cho nền nông nghiệp trong nước. Việc tổ chức thực hiện kiểm tra trong nội địa và kiểm soát ở biên giới chưa gắn kết với nhau.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, hiện nay thị trường nói chung và DN, người tiêu dùng (NTD) nói riêng vẫn phải đối mặt với những nguy cơ từ vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, hàng kém chất lượng, đặc biệt là đối với các mặt hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khoẻ, môi sinh môi trường, nuôi trồng trong nông nghiệp.
Đánh mạnh vào các “ổ” hàng giả, hàng nhái
Dự báo về tình hình hàng giả, hàng nhái trong thời gian tới, ông Bảo cho rằng: “Việt Nam có đường biên giới rộng với đất nước chuyên làm giả hàng đầu thế giới, chính vì vậy khó kiểm soát được hàng giả, hàng nhái. Ở những khu công nghiệp hay khu nông nghiệp ở miền Tây, hàng giả vào rất nhiều. Sắp tới thủ đoạn sẽ ngày càng tinh vi hơn nữa”.
Ông Bảo dẫn chứng, với mặt hàng mũ bảo hiểm, đối tượng thường làm giả quai, mũ, miếng lắp ở cằm… mỗi thứ một nơi, sau đó mới đem đến một địa điểm ráp lại và tuồn ra thị trường, không ai kiểm soát được.
“Trước đây làm hàng giả phải mất từ 8-9 tháng mới xong một mẫu thì bây giờ chỉ cần tháng trước đến tháng sau đã làm được rồi. Chúng ta có nguy cơ không theo kịp độ tinh vi và nham hiểm của những đối tượng làm hàng giả hàng nhái, dẫn đến việc thua trận ngay trên sân nhà trước khi ngăn chặn được” - ông Bảo cảnh báo.
Theo đó, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị các cơ quan chức năng thực thi cần tập trung, bố trí tối đa nguồn lực, trong đó cần tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, mặt hàng trọng điểm như: phân bón, thực phẩm chức năng, tân dược, mỹ phẩm...
Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia đặc biệt nhấn mạnh, vấn đề ATTP đang diễn ra phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân trên cả nước, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón kém chất lượng… ảnh hưởng đến chất lượng của vật nuôi, cây trồng và nền nông nghiệp của nước ta.
Do vậy, các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc nhập khẩu các mặt hàng này để những mặt hàng kém chất lượng, có tồn dư chất độc hại được nhập khẩu bằng đường chính ngạch, tiểu ngạch cũng như buôn lậu vào Việt Nam.
Trong thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường, công an và Thanh tra NNPTNT tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để những mặt hàng kém chất lượng lưu thông trên thị trường. Lực lượng công an tập trung phá những đường dây, ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả, đặc biệt đối với những mặt hàng, nhóm hàng ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế đất nước.