Tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế giúp tăng trưởng tốt hơn


Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2019.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 7/2019.
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 7/2019.

Những triển vọng trong phát triển kinh tế Việt Nam

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu bật những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong tháng 7 và 7 tháng năm 2019; theo đó, trong tháng 7/2019 có nhiều sự kiện lớn diễn ra như tổ chức kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ với nhiều hoạt động ý nghĩa trên cả nước; tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay “tốt hơn, nền nếp hơn, chất lượng hơn”; 4 ngân hàng lớn của Việt Nam đồng loạt hạ lãi suất, qua đó sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, tạo điều kiện cho kinh doanh, giúp tăng trưởng tốt hơn.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, các tổ chức quốc tế vẫn có đánh giá tích cực về tình hình, triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và các năm tới, trong đó ADB dự báo năm 2019 Việt Nam tăng trưởng 6,8%, IMF dự báo tăng 6,5%, WB là 6,6%, HSBC là 6,7%...

Thảo luận tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định tình hình kinh tế-xã hội của đất nước tiếp tục xu hướng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,18% so với tháng trước, bình quân 7 tháng năm 2019 tăng 2,61% so với cùng kỳ, đây là mức tăng bình quân 7 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng khá. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 145 tỷ USD, tăng 7,5%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của khu vực trong nước 12,2%, cao hơn tốc độ tăng của khu vực FDI là 5,6%. Xuất siêu 1,8 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 10,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Ngành nông nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Công nghiệp tăng khá, trong đó ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại sau 3 năm giảm liên tục; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm. Công tác an sinh xã hội được tập trung chỉ đạo thực hiện. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; an ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường.

Những hạn chế cơ bản cần sớm khắc phục để đảm bảo tăng trưởng

Bên cạnh kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng còn những hạn chế, tồn tại cần tập trung giải quyết như giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa được cải thiện; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó dịch tả lợn châu Phi diễn biến rất phức tạp, lây lan hầu hết các tỉnh, thành phố; thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân; diện tích rừng bị cháy lớn; một số ngành công nghiệp có xu hướng tăng trưởng chậm lại, chi phí tăng cao; xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, thủy sản có thế mạnh giảm. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn. Còn nhiều vấn đề xã hội gây bức xúc dư luận…

Quan điểm chỉ đạo, điều hành là không lùi bước trước khó khăn, thách thức; phải biến thách thức thành cơ hội, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Quyết tâm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019, trong đó tăng trưởng phấn đấu đạt 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4%.

Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng; vận dụng các chính sách vĩ mô linh hoạt để ứng phó với diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, đồng thời bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế..."

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ những khó khăn liên quan đến thể chế pháp luật, cơ chế chính sách để tạo môi trường đầu tư thuận lợi hơn nữa, tốt hơn nữa. Trong đó về đầu tư, cần quyết liệt trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án mới; tăng cường phân cấp cho địa phương trong đầu tư trên tinh thần các địa phương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Có phương án khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu nhất quán, không rõ ràng của một số văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách. Quan tâm rà soát các điều kiện kinh doanh, các giấy phép con núp bóng gây cản trở; thực hiện tốt việc đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; không hình sự hóa trong hoạt động kinh tế nhằm tạo điều kiện cho thúc đẩy đầu tư, kinh doanh phát triển.

Tăng cường năng lực ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý tài sản ảo, tiền ảo, các mô hình kinh doanh điện tử mới... Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, chủ động tăng năng lực tiếp cận, khai thác hiệu quả những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực công việc của mình một cách cụ thể.

Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết số 01, 02 của Chính phủ, báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ thường kỳ.