Tập trung nguồn lực cho giai đoạn “nước rút”
Những tháng đầu năm 2021, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Đắk Nông vẫn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu cho cả năm 2021, nhiều giải pháp đã, đang được tỉnh tập trung thực hiện.
Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch
Theo đánh giá, trong 10 tháng đầu năm 2021, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh Đắk Nông đạt, vượt kế hoạch đề ra. Kết quả này đến từ sự nỗ lực vào cuộc của các sở, ngành, địa phương, đơn vị.
Một trong những lĩnh vực có kết quả vượt chỉ tiêu đề ra khá sớm đó là thu ngân sách Nhà nước. Tính đến hết tháng 10/2021, tổng thu ngân sách toàn tỉnh thực hiện được 2.697 tỷ đồng, đạt 98% dự toán HĐND, tăng 34% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa hơn 2.100 tỷ đồng và thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu 583 tỷ đồng.
Tại phiên họp thành viên UBND tỉnh Đắk Nông ngày 17/11, ông Nghiêm Hồng Quang - Giám đốc Sở Tài chính Đắk Nông cho biết, ngoài những lĩnh vực có số thu đột biến, ngành Tài chính đã đẩy mạnh nhiều giải pháp từ đầu năm để tăng thu. Hàng loạt chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cũng được toàn ngành đẩy mạnh.
Ở lĩnh vực bán lẻ, doanh thu dịch vụ cũng có sự tăng trưởng ổn định. Trong 10 tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động này thực hiện trên 13.840 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu trong 10 tháng đạt trên 726 triệu USD.
Theo ông Trần Đình Ninh - Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Đắk Nông, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, nhiều chỉ tiêu của tỉnh vẫn đạt kế hoạch. Dự kiến, những tháng cuối năm, dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh đi vào hoạt động. Điều này sẽ tác động tích cực nhiều hơn đến các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh.
“Với những gì đạt được từ đầu năm đến nay, sự vào cuộc thực sự quyết liệt của các đơn vị, địa phương, trong năm 2021, dự kiến GRDP toàn tỉnh phấn đấu đạt mức 7,22% (kế hoạch 7,18%). Đây là điều hoàn toàn có cơ sở để khẳng định”, ông Ninh cho biết.
Tập trung nguồn lực vào lĩnh vực trọng điểm
Năm 2021 là năm đầu thực hiện các chỉ tiêu kinh tế trong toàn nhiệm kỳ. Việc hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra không những góp phần đạt mục tiêu của năm 2021, mà còn tạo tiền đề cho cả giai đoạn 2021-2025.
Một trong những lĩnh vực UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo quyết liệt đến các sở, ngành, địa phương là tập trung giải ngân vốn đầu tư công. Tính đến hết tháng 10/2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư được 1.476 tỷ đồng, đạt 69,8%, cao hơn 14,5% so với cùng kỳ 2020. Để đến hết năm 2021, tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% theo quy định của Chính phủ, trong 2 tháng cuối năm, các sở, ngành, địa phương phải vào cuộc ráo riết.
Tại phiên họp thành viên UBND tỉnh ngày 17/11, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Hồ Văn Mười nhấn mạnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố, phải vào cuộc quyết liệt. Đến cuối năm 2021, vốn đầu tư công giải ngân trên 95%. Đây không chỉ vấn đề hoàn thành mục tiêu trong năm 2021, mà còn là cơ hội để Đắk Nông đề nghị Trung ương ưu tiên phân bổ vốn trong năm 2022.
“Có công trình hiện giờ vẫn chưa đấu thầu được. Một số vướng mắc trong quá trình triển khai, các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý ngay. Đề nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư kiểm tra rõ ràng và “chốt” vấn đề vướng mắc hiện nay là gì để xử lý dứt điểm chứ không kéo dài như vậy được”, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười yêu cầu.
Song song giải ngân vốn, lĩnh vực kêu gọi, thu hút đầu tư đang được đẩy mạnh. Trong 10 tháng đầu năm, Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư 16 dự án ngoài ngân sách. Tổng mức đầu tư đăng ký 2.750 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là lĩnh vực nông nghiệp.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông, so với trước đó, nhất là sau Chương trình “Khát vọng Đắk Nông” được tổ chức vào ngày 13/10/2021, nhiều nhà đầu tư chủ động đến tìm hiểu Đắk Nông. Về phía các sở, ngành, địa phương đã tiếp thị rất tốt. Việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu đầy đủ để cung cấp cho các nhà đầu tư đã được các đơn vị chủ động thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Mười nhấn mạnh thêm: “Thời gian tới, UBND tỉnh Đắk Nông sẽ nâng cao chất lượng Trung tâm Xúc tiến đầu tư để phát huy hiệu quả trong hoạt động. Về thủ tục hành chính, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện đơn giản hóa. Tránh tình trạng gây mất thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư”.