Tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2022
Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được nêu ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội yêu cầu cần tập trung nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2022; Không sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho đầu tư xây dựng cơ bản và các mục đích khác, trừ trường hợp Nghị quyết của Quốc hội cho phép.
Chính phủ chịu trách nhiệm về việc các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương thực hiện đúng quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cho các mục đích khác, bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Số tăng thu, tiết kiệm chi hàng năm ưu tiên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), giảm bội chi, trả nợ gốc, sử dụng cho đầu tư phải tập trung cho các dự án lớn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Liên quan đến cải cách tiền lương, tại phiên họp chiều 17/8/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến thời điểm ngày 1/7/2022 phải thực hiện cải cách tiền lương theo yêu cầu của Bộ Chính trị. Theo Chủ tịch Quốc hội, dù có nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song nếu quyết tâm sẽ làm được.
Tại phiên họp này, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022, đồng thời khẳng định, dù có nhiều khó khăn, song nguồn để thực hiện cải cách tiền lương vào năm 2022 theo yêu cầu của Bộ Chính trị đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, hiện ngân sách các địa phương còn khoảng 252.000 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương còn dư. Một số địa phương kiến nghị cho sử dụng một phần nguồn này để thực hiện các giải pháp phòng chống dịch COVID-19, song theo yêu cầu của Bộ Chính trị, nguồn này dứt khoát để dùng cho cải cách tiền lương.
“Trường hợp cần nguồn để chi cho phòng chống dịch thì xác định dùng các nguồn khác như dự phòng, tiết kiệm chi… Nếu không đủ thì phải điều hành tài khóa linh hoạt, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa cần thiết...", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Về mục tiêu cụ thể, đối với khu vực công, từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị. Năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Định kỳ thực hiện nâng mức tiền lương phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng, mức tăng trưởng kinh tế và khả năng của ngân sách nhà nước.
Đến năm 2025, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức cao hơn mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp. Đến năm 2030, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất của khu vực doanh nghiệp.