Chỉ quyết định chủ trương đầu tư công đối với các dự án có hiệu quả

Huyền Thu

Để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, Bộ Tài chính xác định thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tiết kiệm từ chủ trương đầu tư

Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công được Bộ Tài chính xác định là một trong những nội dung chủ chốt nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 của Bộ.

Theo đó, trong năm 2021, Bộ Tài chính chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn Luật. Đặc biệt, thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; Đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công. 

Cùng với đó, đảm bảo phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp với thứ tự ưu tiên đã được quy định; Ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước; vốn đối ứng cho dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư. Bố trí vốn để hoàn thành dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn bảo đảm thời gian theo quy định, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án quan trọng quốc gia. Sau khi bố trí vốn đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án, nếu còn nguồn mới bố trí cho các dự án khởi công mới. 

Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng đối với 100% các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh thuộc lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng và thuộc lĩnh vực xây lắp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, trừ trường hợp đối với các gói thầu chưa thể tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng hoặc gói thầu có tính đặc thù. 

Việc tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm phải đảm bảo tổng số lượng các gói thầu đạt tối thiểu 70% số lượng gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh và tổng giá trị gói thầu tối thiểu 35% tổng giá trị các gói thầu áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh. 

Bộ Tài chính lưu ý các đơn vị thực hiện tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định của nhà nước đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và thời hạn giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Rà soát các dự án kéo dài nhiều năm, hiệu quả đầu tư thấp để có hướng xử lý; có biện pháp hoàn tạm ứng đối với các khoản tạm ứng quá hạn, kéo dài nhiều năm, đơn vị quản lý đã giải thể.

Đồng thời, thực hiện đúng quy định về hoàn trả tạm ứng đối với các dự án mới thực hiện. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán, có chế tài xử lý đối với các cơ quan, đơn vị chậm quyết toán dự án hoàn thành. Đảm bảo tiến độ giải ngân vốn theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền. 

Đổi mới cơ bản cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn đầu tư

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn Luật về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm; triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư công năm 2021; Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 04/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước và Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước để góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư. 

Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp Hệ thống thông tin về đầu tư sử dụng vốn nhà nước để cập nhật, lưu trữ các thông tin, dữ liệu liên quan đến việc lập, theo dõi và đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; lập, thẩm định, phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ. 

Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chuẩn bị các điều kiện, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hiệu quả, theo đúng quy định tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 29/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Nghị Quyết số 128/2020/QH14 ngày 12/11/2020 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021. Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. 

Bộ Tài chính xác định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thông qua đổi mới cơ bản cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. Tiếp tục rà soát, sắp xếp các dự án đầu tư công theo thứ tự ưu tiên, giãn tiến độ các công trình chưa cấp bách, cắt giảm các công trình chưa cần thiết. Việc phân bổ vốn đầu tư công tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công và thứ tự ưu tiên theo quy định tại Luật Đầu tư công và quy định của cấp có thẩm quyền quyết định.

Đồng thời, tập trung vốn để hoàn thành các công trình trọng điểm, các công trình hoàn thành quyết toán và xây dựng xong; đối với các dự án mới chỉ tập trung những công trình thực sự cần thiết, cấp bách phải đầu tư đã đủ hồ sơ thủ tục và điều kiện để thực hiện đầu tư và bố trí vốn thực hiện đầu tư cho dự án, bảo đảm 100% các dự án bố trí trong kế hoạch đầu tư công phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công. 

Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phải chuẩn bị tốt, lựa chọn dự án bảo đảm thủ tục đầu tư xây dựng để khi dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn có thể triển khai ngay, khắc phục tình trạng dự án giao vốn nhưng không triển khai được trong khi một số dự án có nhu cầu thì không được bố trí vốn.

Đồng thời, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án; hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thi công, hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các giải pháp thiết kế, thi công áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và hạn chế khí thải, góp phần pháp triển bền vững và bảo vệ môi trường. 

Song song với đó là tăng cường đấu thầu rộng rãi, công khai theo quy định của Luật Đấu thầu. Tập trung chỉ đạo, xử lý ngay các dự án có sử dụng vốn nhà nước đầu tư lãng phí, kém hiệu quả, làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan. Bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu; hạn chế tối đa việc chỉ định thầu các dự án đầu tư. 

Một giải pháp khác được Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị thực hiện là tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình; dự án, công trình thực hiện không đúng tiến độ phải kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh.

Năm 2021 ưu tiên tập trung nguồn lực để đẩy nhanh hoàn thành các công trình trọng điểm chuyển tiếp từ năm 2020; tập trung bố trí cho các dự án thực sự cấp bách khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định; không bố trí vốn cho các công trình, dự án không đúng quy định tại các Chỉ thị và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ.