Tết 2015 không lo thiếu hàng, "sốt" giá

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Hiện lượng hàng hóa được các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh tại các địa phương chủ động chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết năm trước.

 Tết 2015 không lo thiếu hàng, "sốt" giá
Dự báo, nhu cầu mua trữ hàng hóa của người dân dịp này sẽ không quá cao. Nguồn: internet

Cung dồi dào

Còn khoảng hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, cũng là thời điểm giá cả hàng hóa có thể tăng đột biến. Đây chính là lúc các chương trình bình ổn giá phát huy hiệu quả.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, đến thời điểm này thành phố đã giao nhiệm vụ cho các hộ kinh doanh và DN chuẩn bị lượng hàng hóa lên tới 16 nghìn tỷ đồng phục vụ Tết.

Trong đó, sẽ tập trung khai thác, dự trữ và tố chức bán ra thị trường 7 nhóm hàng thiết yếu, với 4.000 tấn gạo trắng thường; 900 tấn thịt lợn; 450 tấn thịt gà, vịt; 5,5 triệu quả trứng gia cầm; 200 tấn thủy hải sản đông lạnh; 1.500 nghìn lít dầu ăn; 1.500 tấn rau củ với tổng giá tiền hàng 276,75 tỷ đồng.

Đồng thời, bằng nguồn vốn tự có của mình, các DN chủ động dự trữ số lượng hàng gấp đôi so với số lượng hàng hóa thiết yếu giao dự trữ bằng số tiền được Thành phố cho tạm ứng vốn, triến khai bán tại các điếm bình ổn giá.

Hiện các DN đã đăng ký bán hàng tại trên 600 điểm bán hàng bình ổn giá cố định đăng ký treo biển nhận diện theo mẫu quy định của thành phố với giá bán được Sở Tài chính chấp thuận.

Ngoài ra, còn có 1.600 điểm bán hàng là đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, công ty trên địa bàn nhưng không treo biển nhận diện với giá bán ổn định và chất lượng đảm bảo. Cùng với đó là khoảng 200 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng thiết yếu bình ổn giá kết hợp với các nhóm hàng khác về khu vực nông thôn.

“Cung hàng hóa bảo đảm ổn định, khẳng định sự biến động giá trong dịp Tết là không có”, bà Lan cho biết.

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Sở Công thương thành phố cho biết cũng đã chuẩn bị cho sản xuất, dự trữ cung ứng trước và sau Tết Ất Mùi 2015 là 15.849,4 tỷ đồng, tăng 8.267,7 tỷ đồng (109%) so với Tết Giáp Ngọ 2014.

Trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 8.304 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết Ất Mùi 2015 (từ ngày 20/1/2015 đến ngày 18/2/2015, tức từ ngày 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 9.262,8 tỷ đồng, trong đó hàng bình ổn thị trường là 4.861,8 tỷ đồng.

Khả năng cung ứng hàng hóa của các DN cũng tăng bình quân 62,92% so kế hoạch thành phố giao và tăng 79,51% so với Tết Giáp Ngọ 2014. Nhiều mặt hàng bình ổn được chuẩn bị với số lượng lớn, khả năng chi phối từ 30% - 60% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (63,4%), dầu ăn (65,5%), đường (57,7%), trứng gia cầm (42,3%), thực phẩm chế biến (52,7%), rau củ quả tăng trên 121,1%.

Với lượng hàng hóa này, Sở Công thương thành phố hoàn toàn tin tưởng giá cả dịp Tết năm nay sẽ không có chuyện  tăng đột biến. Vấn đề đáng lo lại là ở sức mua của người dân. Hiện thành phố đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi để kích sức mua trước và sau tết.

Người dân không lo trữ hàng dịp Tết

Không chỉ có hai “đầu tàu” kinh tế lớn nhất cả nước, theo Bộ Công thương, qua tổng hợp từ các địa phương và thực tế làm việc tại các địa phương cho thấy, nhiều địa phương đã chủ động và triển khai sớm các kế hoạch công tác chuẩn bị Tết.

Đến nay đã có 54/63 tỉnh, thành phố có báo cáo kế hoạch bình ổn thị trường các tháng cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Trong đó có 38/54 địa phương có kế hoạch chuẩn bị thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.

23/38 địa phương trong số này có kế hoạch không hỗ trợ vốn vay cho các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, tham gia chương trình mà kêu gọi doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường hoặc kết nối doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng. Chỉ còn 15/38 địa phương tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho DN dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường.

Do các địa phương đều đã có kế hoạch chủ động chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết từ rất sớm nên Bộ Công thương dự báo, nhu cầu mua trữ hàng hóa của người dân dịp này sẽ không quá cao.

Theo báo cáo của các Sở Công thương, dự kiến sức mua trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ước tăng khoảng 15% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 5 – 8% so với Tết năm trước.

Hiện lượng hàng hóa được các DN, hộ kinh doanh tại các địa phương chủ động chuẩn bị cho dịp Tết ước đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với Tết năm trước.

Riêng các mặt hàng nông sản, thực phẩm phục vụ Tết, do nguồn cung phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, chịu nhiều tác động của thời tiết, dịch bệnh nên giá cả có thể có biến động, một số mặt hàng tươi sống giá có thể gia tăng trong dịp cận Tết.

Dự kiến trong thời gian tới đây, Bộ Công thương sẽ làm việc với một số địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về công tác chuẩn bị Tết và việc đảm bảo cân đối cung cầu một số mặt hàng lương thực, thực phẩm.