Thách thức đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam khi thực thi FTA thế hệ mới
Việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam nhưng đi kèm với đó cũng là những thách thức đối với lĩnh vực tài chính-ngân hàng.
Nhiều thách thức từ việc hội nhập sâu rộng
Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).
Theo các chuyên gia kinh tế, đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ tạo ra những cơ hội mới nhưng đi kèm với đó là những thách thức
Theo nghiên cứu của ThS. Nguyễn Thị Hải Bình, ThS. Lưu Ánh Nguyệt, việc tham gia CPTPP đòi hỏi Việt Nam phải mở rộng ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng với mức độ sâu hơn, xóa bỏ dần các điều kiện khác biệt trong tiếp cận tài chính - ngân hàng giữa định chế tài chính Việt Nam và định chế tài chính của các bên tham gia ký kết khác.
Trong bối cảnh hành lang pháp lý thanh tra, giám sát tài chính của Việt Nam chưa đủ mạnh, việc cho phép các giao dịch tài chính xuyên biên giới (như các cam kết trong CPTPP), phát triển và mở rộng các phương thức thanh toán mới, sản phẩm tài chính đa dạng… sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro thanh toán, rủi ro tài chính và tội phạm tài chính tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các định chế tài chính của Việt Nam đứng trước áp lực tăng cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế, gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các tổ chức tài chính Việt Nam, áp lực nâng cao chất lượng và dịch chuyển nguồn nhân lực tài chính - ngân hàng.
Năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính Việt Nam trước khi tham gia CPTPP và EVFTA còn tương đối thấp so với đối tác. Áp lực cạnh tranh đòi hỏi các định chế tài chính Việt Nam phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh chủ động ứng phó với những tác động từ môi trường kinh tế quốc tế, cải tổ về năng lực quản trị, điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế.
Một trong những thách thức khác của Việt Nam khi thực thi các FTA thế hệ mới là các tổ chức tài chính trong nước chưa chuẩn hóa và chưa tiếp cận chuẩn mực quốc tế về an toàn tài chính; công tác kiểm tra, giám sát tài chính còn chưa theo kịp với tình hình mới.
Thế giới đang chứng kiến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc áp dụng ngày càng nhiều các tiến bộ khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Bối cảnh này đặt ra thách thức phát triển cơ sở hạ tầng đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng của Việt Nam. Nếu không có cơ sở hạ tầng ngân hàng và tài chính phù hợp, việc tiếp cận các dịch vụ tài chính cho người dân sẽ vẫn ở mức thấp.
Ngoài những thách thức trên, các FTA thế hệ mới cũng sẽ tạo ra sức ép cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao tính minh bạch, tính tự chịu trách nhiệm...
Thúc đẩy hội nhập tài chính trong thực thi các FTA thế hệ mới
Nhằm thúc đẩy hội nhập tài chính trong thực thi các FTA thế hệ mới, Việt Nam cần tập trung thực hiện các giải pháp gồm:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, rà soát hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong bối cảnh hội nhập nhằm tạo hành lang pháp lý thanh tra, giám sát tài chính của Việt Nam đủ mạnh, phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam khi thực thi các FTA thế hệ mới.
Hai là, tăng cường thanh tra, kiểm tra và giám sát các giao dịch tài chính xuyên biên giới (trong CPTPP), đồng thời đổi mới các phương thức thanh toán, đa dạng hóa các sản phẩm tài chính thông qua ứng dụng công nghệ tài chính để đảm bảo các giao dịch thực hiện an toàn, ổn định.
Ba là, các tổ chức tài chính Việt Nam cần có các chính sách ưu đãi, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc để tăng khả năng cạnh tranh với các định chế tài chính quốc tế trong bối cảnh hội nhập.
Bốn là, các ngân hàng trong nước cần nâng cao năng lực quản trị, khắc phục những nhược điểm còn tồn tại; Tăng cường năng lực cạnh tranh trên cơ sở nâng cao trình độ quản trị, điều hành và phát triển đa dạng các dịch vụ mới.
Năm là, các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao tính minh bạch, tính tự chịu trách nhiệm khi thực thi các FTA thế hệ mới.
Sáu là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật và tham vấn các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong tiến trình ký kết, thực thi các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới nhằm nắm bắt cơ hội, nhận diện những rủi ro và thực hiện đầy đủ các cam kết trong các hiệp định mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.