Xuất, nhập khẩu 2019: Những tín hiệu tích cực từ các FTA thế hệ mới
Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam dự báo lần đầu tiên cán đích 500 tỷ USD (đúng 2 năm sau khi đạt thành tích 400 tỷ USD). Thành tích này càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới suy giảm xuất nhập khẩu. Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy sự tăng trưởng và phát triển bền vững của thương mại quốc tế trong cơ cấu kinh tế Việt Nam.
Nghiên cứu đánh giá về tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cho thấy, tất cả các FTA đều có tác động tích cực tới tăng trưởng, xuất nhập khẩu, đầu tư… của Việt Nam. Tùy từng mức độ mở cửa (mức độ giảm thuế quan so với mức hiện tại) tác động tích cực của mỗi FTA cũng khác nhau...
1. Mốc lịch sử trong phát triển thương mại Việt Nam
1.1. Tăng trưởng và chuyển dịch kim ngạch xuất nhập khẩu
Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cán đích 500 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tính trong 11 tháng năm 2019 ước đạt 473,73 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính xuất siêu 9,1 tỷ USD.
- Xuất khẩu hàng hóa: 11 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 241,42 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 74,72 tỷ USD, tăng 18,1%, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 166,7 tỷ USD, tăng 3,8%, chiếm 69% (tỷ trọng giảm 2,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).
Về mặt hàng xuất khẩu: Trong 11 tháng năm 2019, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 59,6%), trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 48,7 tỷ USD, chiếm 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 32,4 tỷ USD, tăng 19,4%; hàng dệt may đạt 29,9 tỷ USD, tăng 7,8%; giày dép đạt 16,5 tỷ USD, tăng 12,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 9,8%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu: Trong 11 tháng năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%
- Nhập khẩu hàng hóa: Đến hết tháng 11/2019, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 230,71 tỷ USD, tăng 6,6% (tương ứng tăng 14,38 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.
- Về thị trường xuất nhập khẩu: Trong 10 tháng đầu năm 2019, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với châu Mỹ đạt 79,43 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2018. Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (65,4%) trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trị giá xuất nhập khẩu trong 10 tháng/2019 với thị trường này đạt 280,35 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó trị giá xuất khẩu là 111,93 tỷ USD, tăng 2,8% và trị giá nhập khẩu là 168,42 tỷ USD, tăng 7,8%. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Âu 54,81 tỷ USD, tăng 3,3%; châu Đại Dương 8,05 tỷ USD, tăng 5,4% và châu Phi gần 6 tỷ USD, giảm nhẹ 1% so với 10 tháng/2018.
1.2. Đánh giá chung
Thứ nhất, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam 11 tháng năm 2019 ước tính đạt 473,73 tỷ USD, dự báo cả năm có thể đạt trên 500 tỷ USD. Đây có thể nói là mốc lịch sử trong phát triển thương mại của Việt Nam trong thời gian qua.
Thứ hai, nghiên cứu đánh giá về tác động của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó điển hình là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cho thấy, tất cả các FTA đều có tác động tích cực tới tăng trưởng, xuất nhập khẩu, đầu tư… của Việt Nam. Tùy từng mức độ mở cửa (mức độ giảm thuế quan so với mức hiện tại) tác động tích cực của mỗi FTA cũng khác nhau. Nhìn chung, tất cả các thị trường mà Việt Nam ký kết FTA đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng (xuất nhập khẩu, đầu tư...) cao so với thời điểm trước khi có FTA. Trong đó, nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng rất cao sau khi thực thi Hiệp định như Chilê (tăng gấp 3,6 lần sau 5 năm, tốc độ tăng bình quân 28,9%/năm), Ấn Độ (tăng gấp 15,6 lần sau 9 năm, tốc độ tăng bình quân đạt 35,6%/năm), Hàn Quốc (tăng gấp 21,6 lần sau 12 năm, tốc độ tăng bình quân là 29,2%/năm), Trung Quốc (tăng gấp 14,3 lần sau 14 năm, tốc độ tăng bình quân là 20,9%/năm). Riêng đối với CPTPP, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, Canada tăng 32,9% (đạt 1,83 tỷ USD), trong đó, dệt may tăng 22,6%, giày dép tăng 21,9%, túi xách, vali mũ ô dù tăng 16,5%. Mexico tăng 23,4% (đạt 1,31 tỷ USD), trong đó, thủy sản tăng 21,3%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,8%, dệt may tăng 24,6%, giày dép tăng 11,2%.
CPTPP và EVFTA đều có lĩnh vực cam kết tương đối rộng so với các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác, không chỉ nằm trong lĩnh vực trao đổi, xuất nhập khẩu mà còn liên quan đến cách thức sản xuất ra hàng hóa để trao đổi. Cả 2 hiệp định này đều có ảnh hưởng tích cực tới tăng trưởng, xuất khẩu, đặc biệt trong thị trường các nước nội khối. EVFTA dự báo sẽ có tác động lớn hơn CPTPP, do CPTPP đã có nhiều thành viên tham gia các FTA khác với Việt Nam trước đó. Cụ thể, EVFTA và CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm lần lượt 4,3% và 1,3% vào năm 2030. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đến năm 2030 dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 44,4%; xuất khẩu sang các nước trong CPTPP đến năm 2035 tăng 14,3%.
Thứ ba, tỷ lệ tận dụng các loại C/O ưu đãi theo FTA tăng dần trong thời gian qua. Năm 2018, tỷ lệ sử dụng C/O đạt 46,2 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường Việt Nam ký FTA. Những con số này phản ánh DN và hàng hóa xuất khẩu Việt Nam đang dần nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan tại các thị trường có FTA với Việt Nam trong những năm qua. Đây cũng chỉ là tỷ lệ bình quân của các mẫu C/O. Nếu xét theo từng mẫu thì có nhiều thị trường có tỷ lệ sử dụng C/O để xuất khẩu rất cao như Hàn Quốc (60%), Nhật Bản (37,8%)... Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số lượng C/O CPTPP được cấp là 8.265 bộ với trị giá 188,4 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 18,93 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 15,44% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Thứ tư, các FTA thế hệ mới đều sẽ có tác động khá tích cực tạo sức ép gián tiếp và trực tiếp nhằm cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh. Cụ thể, do EVFTA và CPTPP đều là những hiệp định thế hệ mới, nên những cam kết đối với môi trường đầu tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm, cạnh tranh bình đẳng, phát triển bền vững, điều kiện lao động… sẽ tạo sức ép cải cách thể chế và chính sách trong trung và dài hạn… Đồng thời, kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện hiệp định cũng sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, giúp gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới
2. Triển vọng và giải pháp phát triển xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam
2.1. Triển vọng xuất khẩu năm 2020
Xem xét tác động của các FTA thế hệ mới đối với tăng trưởng cho thấy, các FTA sẽ mang lại tác động rất tích cực tới GDP, tăng thêm lũy tiến 2,5%, 4,6% và 4,3% tương ứng vào năm 2020, 2025 và 2030 (giả định EVFTA sẽ có hiệu lực từ 2020) so với trường hợp không có hiệp định. Tính trung bình, GDP của Việt Nam tăng thêm mỗi năm 5,3 tỷ USD, tương đương với 0,34 điểm %. Tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ được cải thiện cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về thương mại, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước mà Việt Nam ký kết FTA mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh, do đó FTA có tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam sang các thị trường này. Cụ thể:
Đối với EVFTA, dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm lũy tiến khoảng 20% vào năm 2020 và 42,7% vào 2025 và 44,37% vào năm 2030, so với kịch bản không có EVFTA. Điểm đáng chú ý là do năng lực xuất khẩu của Việt Nam không thể tăng tương ứng, tăng xuất khẩu sang thị trường EU sẽ có một phần lớn là do chuyển hướng thương mại từ các thị trường khác (tác động chuyển hướng thương mại). Do đó, tác động của hiệp định với tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng lần lượt là 3,1%, 5,7% và 5,6% tới các năm 2020, 2025, 2030. Như vậy, có đến 74 - 76% kim ngạch xuất khẩu tăng thêm sang EU là do việc chuyển hướng từ các thị trường khác.
Đối với CPTPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD vào năm 2030. Về thương mại, nhờ cắt giảm thuế quan, Việt Nam sẽ đạt được lợi ích từ xuất khẩu với tổng mức tăng thêm về kim ngạch xuất khẩu trên 4% (tương đương 4,09 tỷ USD) vào năm 2030, so với trường hợp không có CPTPP. Việc tăng xuất khẩu sẽ chủ yếu là sang các nước trong CPTPP, với tốc độ xuất khẩu tăng thêm ở mức 14,3%, tương đương 2,61 tỷ USD, trong khi xuất khẩu sang các nước ngoài CPTPP tăng thêm 1,7% (tương đương hơn 1,4 tỷ USD) vào năm 2030…
Dự báo tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2020 đạt khoảng 8 - 10%, tăng cao hơn so với dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khoảng 6 - 7% và dự báo có thể có nhập siêu trong năm 2020, nhưng lượng nhập siêu không lớn.
2.2. Giải pháp phát triển xuất khẩu hàng hóa
Thứ nhất, đối với Nhà nước
- Chú trọng đến các thị trường xuất khẩu mà hàng hóa Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Trong đó, xuất khẩu tăng dự kiến sẽ đạt cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác.
- Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác xúc tiến thương mại, thông tin và dự báo thị trường.
- Tăng cường, phổ biến, hướng dẫn, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả tại những thị trường đã thực hiện cam kết các FTA...
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các FTA thế hệ mới, với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị. Đơn giản hóa, hiện đại hóa hoạt động cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O): tổ chức thực hiện và theo dõi triển khai việc phân luồng DN trong quy trình cấp C/O ưu đãi; đẩy mạnh cấp C/O qua internet.
- Tăng cường giám sát, quản lý trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cụ thể: (1) Xây dựng chính sách và quản lý đầu tư; (2) Trong đăng ký và hoạt động đầu tư, các DN cần lưu ý, những nước có cơ chế thứ ba sẽ có chế độ ưu đãi nhất đối với DN nên DN có quyền lựa chọn nước để đầu tư; (3) Với đàm phán hợp đồng với các nhà đầu tư, DN lưu ý khi đàm phán hợp đồng có một số nguyên tắc phải loại trừ, hoặc một số nguyên tắc cần phải lựa chọn xem có nên đưa ra hay không.
- Xây dựng vườn ươm DN trọng điểm với quy mô hiện đại để ươm tạo các DN…
- Chuẩn bị kỹ càng và kịp thời để tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam tham gia, cụ thể:
(i) Do nguyên tắc đàm phán trong CPTPP là đàm phán kín, vì vậy khả năng tiếp cận thông tin sớm, để từ đó có nghiên cứu, đánh giá tác động (tốt/xấu) đối với từng ngành/lĩnh vực của Việt Nam thường là bị chậm (có độ trễ tương đối cao) so với các quốc gia thành viên khác. Ngoài ra, trong các FTA thế hệ mới nguyên tắc đàm phán CPTPP là ngang bằng, không có ngoại lệ (mọi quốc gia thành viên là đều ngồi vào đàm phán ở vị trí như nhau, không có sự phân biệt đối xử, nghĩa vụ và trách nhiệm là giống nhau)… Chính vì vậy, đòi hỏi mọi sự chuẩn bị từ các cấp chính quyền, DN của nước ta phải gấp rút và nhanh chóng hơn.
(ii) Tăng cường đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức cho các DN và tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, hội thảo hội nghị, diễn đàn trao đổi.
(iii) Xác định rõ vai trò chính và quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu cho hàng hóa xuất khẩu.
(iv) Tăng cường công tác nghiên cứu và dự báo thị trường; Xây dựng hệ thống cơ sở và cập nhật dữ liệu thị trường để từ đó đưa ra cảnh báo sớm cho DN và các nhà sản xuất, kinh doanh, từ đó đưa gia những giải pháp ứng phó kịp thời.
(v) Thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đây là giải pháp gốc rễ cho Việt Nam nhằm thay đổi cấu trúc nền kinh tế.
(vi) Tăng cường các chính sách hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ, tháo gỡ những khó khăn về logictics hỗ trợ phát triển thương mại.
(vii) Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các Bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh.
(viii) Xây dựng các biện pháp bảo vệ DN nội địa theo hướng trọng tâm vào việc tạo lập các “hàng rào kỹ thuật”, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của DN nước ngoài, không để DN nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn DN nội địa.
- Động thái trong thời gian gần đây cho thấy, những nguy cơ tiềm ẩn khiến Việt Nam bị các quốc gia áp dụng các biện pháp về thuế và phi thuế liên quan đến quy tắc xuất sứ là rất hiện hữu. Có thể nói, nguyên liệu đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia châu Á khác. Những nước này lại không thuộc thành viên CPTPP hay EVFTA, nên khi xét theo quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế từ Hiệp định thì đây sẽ là thách thức cho DN Việt Nam.
Do vậy, Chính phủ và DN cần: Tăng cường các chính sách hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ, tháo gỡ những khó khăn về logictics hỗ trợ phát triển thương mại; Đẩy mạnh cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo sự liên thông giữa các bộ, ngành để nâng cao tính cạnh tranh của môi trường kinh doanh; Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu quả của thu hút đầu tư nước… không chỉ đơn thuần là mua nguyên liệu từ một nước, sau đó đưa vào Việt Nam để gia công rồi xuất đi để hưởng ưu đãi thuế quan như các dự án FDI thời gian qua; Xây dựng các biện pháp bảo vệ DN nội địa theo hướng trọng tâm vào việc tạo lập các “hàng rào kỹ thuật”, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của DN nước ngoài, không để DN nước ngoài có lợi thế tiếp cận nguồn lực kinh doanh nhiều hơn DN nội địa; Tăng cường công tác quản lý thị trường, xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm có liên quan nhằm hạn chế tối đa những nguy cơ gian lận thương mại xuất phát từ quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Thứ hai, đối với các DN
- Tăng cường đầu tư nhập khẩu công nghệ nguồn cho hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó nâng cao năng cực cạnh tranh cho hàng hóa của DN.
- Nâng cao khả năng hội nhập, mở rộng mạng lưới và tăng cường kết nối DN trong nước, trong khu vực và trên thế giới thông qua việc hình thành các bộ phận về hội nhập quốc tế trong DN, nhằm: Chuẩn bị và nâng cao khả năng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, DNNN; Tăng cường kết nối và hợp tác với các DN nước ngoài để tận dụng công nghệ, quản lý và cả thị trường để tăng cường khả năng tham gia vào chuỗi giá trị; Chuẩn bị sẵn sàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch, môi trường, an toàn thực phẩm…; Nhanh chóng triển khai thực hiện việc xác định và hoàn thiện chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu; DN cần có sự chuẩn bị sẵn sàng cho các vấn đề phát sinh liên quan đến phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ và các phát sinh khác liên quan đến những cam kết mới, phi truyền thống. DN cần lưu ý tới những cam kết mới như: lao động, công đoàn; môi trường; truy xuất nguồn gốc xuất xứ; sở hữu trí tuệ và phát triển bền vững… trong các FTA thế hệ mới.
- Chủ động nghiên cứu sâu nội dung các cam kết FTA nhằm xây dựng mô hình hoạt động, chiến lược kinh doanh, xúc tiến đầu tư thương mại, quản lý rủi ro của DN một cách hiệu quả.
- DN muốn có cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế thì cần phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình, hướng tới đạt được một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những bộ Qui tắc ứng xử (Code of Conduct hay gọi tắt là CoC). Chuẩn bị và nâng cao khả năng xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, DNNN...
- Nghiên cứu kỹ những nội dung, các quy tắc nội khối để có sự chuẩn bị sẵn sàng trong việc tận dụng những cơ hội từ CPTPP và EVFTA để có thể tận dụng tốt được những cơ hội này.
- Nhanh chóng triển khai thực hiện việc xác định và hoàn thiện chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam để tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP.
Tài liệu tham khảo:
- Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam;
- Thông tin về Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia;
- Thông tin từ các website: mof.gov.vn, moit.gov.vn, tapchitaichinh.vn, tapchicongthuong.vn