Thách thức kinh tế Nga nhìn từ cây xúc xích

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Giá nửa cây xúc xích braunschweiger - món ăn yêu thích của chồng Galina Mityaeva gần đây trở nên quá đắt, khiến bà giờ chỉ dám mua một phần tư.

Thách thức kinh tế Nga nhìn từ cây xúc xích
Có rất nhiều cách để đánh giá độ trầm trọng của biến động tài chính đang bao trùm cả nước Nga. Nguồn: internet

Có rất nhiều cách để đánh giá độ trầm trọng của biến động tài chính đang bao trùm cả nước Nga. Đồng ruble mất giá nhanh nhất thế giới, nhà cầm quyền đã chi hơn 55 tỷ USD dự trữ ngoại hối và nền kinh tế đang dần tiến tới suy thoái.

Nhưng với Galina Mityaeva - bà nội trợ 69 tuổi tại Moscow, khó khăn này còn có thể đo bằng centimet. Nửa cây xúc xích braunschweiger - món ăn yêu thích hàng tuần của chồng bà gần đây trở nên quá đắt đỏ. Vì thế, mỗi lần đi siêu thị, bà lại phải yêu cầu nhân viên chỉ cắt cho mình một phần tư.

"Mỗi lần đi mua đồ, tôi lại thấy hàng hóa đắt đỏ hơn. Mọi người đều tỏ ra giận dữ. Trong siêu thị, lúc nào cũng có người phàn nàn thế này: ‘1.000 ruble thì mua được cái gì bây giờ?’", Mityaeva cho biết trên Bloomberg.

7 tháng sau khi Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập Crimea, châm ngòi cho làn sóng trừng phạt từ phương Tây và sự rút vốn ào ạt của nhà đầu tư khiến đồng rouble mất giá trầm trọng, tất cả người tiêu dùng trên khắp nước Nga đều đã cảm nhận được sự khó khăn. Lạm phát tháng trước đã lên 8%, cao nhất trong 3 năm gần đây, do giá thịt và gia cầm tăng 17%, thuốc lá tăng 28% và vé máy bay - các dịch vụ du lịch tăng 13%.

Cô sinh viên 20 tuổi Natalya Lomteva đã phải hủy dự định du lịch nước ngoài vì "không đủ tiền". Lomteva cho biết với ngân sách hiện tại, cô đã phải rất chật vật với thói quen đi ăn hàng và hút thuốc mỗi ngày. Khi mùa đông tới gần, việc tìm nơi tụ tập bạn bè cũng càng trở nên tốn kém. "Vào mùa hè, ít ra chúng tôi còn có thể đi công viên", cô nói.

Giá thực phẩm đã tăng vọt sau khi ông Putin đặt lệnh cấm nhập khẩu từ Mỹ và phương Tây hồi tháng 8, nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế vào nước này. Giá thịt ở đây tăng 17% tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với 11% hồi tháng 7 và -3% cuối năm ngoái. Tổng lạm phát thực phẩm gần như gấp đôi với 11%, so với chỉ 6% năm ngoái.

Ngân hàng trung ương Nga đã phải nâng lãi suất cơ bản 3 lần trong năm nay, lên 8% hiện tại. Họ cũng đã bán ra hàng chục tỷ USD để cứu đồng rouble và kiềm chế lạm phát. Ruble Nga đã mất giá 18% năm nay, càng đẩy giá hàng nhập khẩu đi lên.

Một số sản phẩm thậm chí còn dần biến mất tại nước này. Sự khan hiếm khiến giá cả cũng tăng vọt theo. Một khảo sát công bố đầu tuần của ngân hàng Sberbank cho biết 17% người tham gia nhận xét họ đã không thể tìm thấy món hàng yêu thích trên kệ.

Marina Khomenko - một giáo viên 56 tuổi cho biết bà ngày càng khó tìm được các mỹ phẩm của Nivea, hay quần áo C&A đã quen dùng. Những cái thấy thì giá đã tăng gấp 3. "Quần áo đắt thế này thì ai mà mua được", bà cho biết.

Mityaeva đã ghi lại một danh sách các mặt hàng tăng giá thời gian gần đây, như bánh mỳ, sữa, bơ, kem chua, cánh gà. Bà cũng vừa phải chi tới 4.000 ruble (100 USD) cho tiền thuốc tim tháng này. Trong khi lương hưu hiện chỉ là 11.000 ruble.

"Tôi có thể không ăn trứng cá muối, nhưng không thể bỏ thuốc được. Cuộc sống đang ngày càng trở nên khó khăn", bà than thở.