Thách thức phát triển doanh nghiệp 2015

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại Hội thảo Thách thức phát triển doanh nghiệp năm 2015, nhiều chuyên gia cho rằng tiến trình các Hiệp định AFTA, TPP và cộng đồng kinh tế ASEAN đang mở ra những cơ hội to lớn cũng như đang đặt ra những thách thức mới buộc các doanh nghiệp nước ta cần tiếp tục đổi mới, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế và hội nhập nhanh chóng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, việc trợ giúp cho các doanh nghiệp nước ta phát triển cũng cần có những bước tiến mới và thiết thực.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Năm 2014 được đánh giá là một năm nhiều đầy biến động và thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Tình hình sản xuất kinh doanh trong nước chịu áp lực từ những bất ổn về kinh tế và chính trị của thị trường thế giới, cùng với những khó khăn từ những năm trước chưa được giải quyết triệt để như áp lực về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao; sức ép nợ xấu còn nặng nề; hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn, năng lực quản lý và cạnh tranh của doanh nghiệp thấp, tồn kho hàng hóa vẫn ở mức cao... Bên cạnh đó, đây cũng là năm chứng kiến hàng loạt các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân lực, thậm chí là ngừng hoạt động khiến nền kinh tế bị tác động không nhỏ, ngân sách thất thu, xã hội bất ổn. Trong năm 2014, cả nước có 67.823 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể và đăng ký tạm ngừng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp nước ta chủ yếu hoạt động kinh doanh phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu; khi nền kinh tế thế giới gặp khó khăn, các doanh nghiệp này dễ bị ảnh hưởng.

Theo Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành, doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta cũng giống như mọi doanh nghiệp nhỏ và vừa của các nước. Tuy nhiên các doanh nghiệp của nước ta có hai điểm yếu hơn so với các nước. Mặc dù có số lượng như nhau nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa lại đóng góp cho GDP thấp hơn các nước. Nếu nhìn chung trong nền kinh tế thế giới, ở nước ta, doanh nghiệp nhỏ và vừa rất ít, doanh nghiệp lớn lại càng ít hơn. Chính vì vậy, chúng ta không có nhiều lợi thế để tham gia vào chuỗi hội nhập và hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp nước ta rất thấp cả về mặt công nghệ và kỹ năng quản trị. Ông Võ Trí Thành cũng nhận định, trong năm 2015 tiền tệ, lạm pháp sẽ thấp, sẽ linh hoạt hơn, nhưng đây cũng là một năm khó khăn trong bối cảnh USD rớt giá mạnh. Ngoài ra, còn nhiều khó khăn trong chính sách tài khóa, phát hành trái phiếu. Bên cạnh việc cụ thể hóa Luật Doanh nghiệp, năm nay chúng ta sẽ đẩy mạnh hơn nữa kỷ luật thị trường thông qua các chế tài chống hàng giả, hàng nhái… Cùng với đó, việc thực hiện Luật Cạnh tranh cũng sẽ được đẩy mạnh hơn...

Theo Phó cục trưởng Cục phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bùi Thu Thủy, trong thời gian tới cần có những giải pháp cơ bản hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể cần tái cơ cấu thị trường tài chính, cải thiện khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp bằng cách đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận vốn với lãi suất và điều kiện cho vay phù hợp...

Đồng thời, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải có cơ chế để các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia các dự án đầu tư lớn của Nhà nước và mua sắm của Chính phủ. Tuy nhiên cũng cần phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nhau; cũng như với các doanh nghiệp lớn. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mô hình cụm, nhóm doanh nghiệp có ngành nghề chung hoặc ngành nghề bổ trợ cho nhau nhằm phát triển liên kết giữa các doanh nghiệp nhằm tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng và tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp này.