Thách thức xử lý cạnh tranh trong thương mại điện tử

Theo Nguyễn Minh/enternews.vn

Thương mại điện tử đang phát triển mạnh và đặt ra nhiều thách thức với nhà quản lý, trong đó có vấn đề xử lý cạnh tranh trong lĩnh vực này đang ngày càng phức tạp.

Theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương thì, trong thời gian gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng. Nhưng đi liền với đó, các vấn đề quan ngại về cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Thương mại điện tử - Việt Nam đã hội tụ đủ

Để giảm áp lực cạnh tranh, một số doanh nghiệp đã thực hiện những hành vi hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đồng thời, tạo ra thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh và thương mại điện tử.

Bà Phạm Quế Anh, chuyên gia tư vấn độc lập nhấn mạnh, mô hình kinh doanh mới trong thương mại điện tử hiện nay đó là giữa người bán và người mua là nền tảng cung cấp dịch vụ trung gian kết nối (aggregator platform). Bản thân các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian kết nối họ không trực tiếp sản xuất sản phẩm hàng hóa hay dịch vụ, nhưng họ kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng.

Điển hình như Grab, GoViet, Agoda, Airbnb… Hiện 5 lĩnh vực thương mại điện tử cạnh tranh năng động nhất thế giới đã có ở Việt Nam: lĩnh vực đặt phòng, đặt vé máy bay, vận chuyển hành khách bằng đường bộ, mỹ phẩm và các sản phẩm làm đẹp, thời trang.

Cần áp dụng Luật linh hoạt

Mặc dù vậy, bà Quế Anh cũng thừa nhận, những vấn đề cạnh tranh trong thương mại điện tử giống như những vấn đề cạnh tranh trong hàng hóa bình thường, song nó có những đặc điểm mới cần lưu ý, xem xét một cách cẩn trọng để áp dụng Luật cạnh tranh một cách hiệu quả nhất.

Đó là thỏa thuận theo chiều dọc. Thỏa thuận này giúp tăng hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh. Song một số dạng thỏa thuận theo chiều dọc trong thương mại điện tử có thể tác động hạn chế cạnh tranh: thỏa thuận phân phối có chọn lọc, thỏa thuận duy trì giá bán, điều khoản đảm bảo ngang giá – giết chết cạnh tranh về giá trên thị trường.

Bên cạnh đó, thỏa thuận theo chiều ngang giữa các đối thủ cạnh tranh với nhau về giá, sản lượng, thị trường hay trong đấu thầu được coi là luôn có tác động hạn chế cạnh tranh và bị cấm tuyệt đối bởi Luật cạnh tranh hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Một số dạng thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang trong thương mại điện tử được bà Quế Anh đưa ra như việc sử dụng các công cụ, phần mềm giám sát giá và các thuật toán định giá; thỏa thuận ấn định giá thông qua các nền tảng thương mại điện tử… theo đó, các doanh nghiệp biết được ngay giá của đối thủ cạnh tranh thế nào để điều chỉnh phù hợp dẫn tới triệt tiêu cạnh tranh về giá trên thị trường.

Thách thức xử lý cạnh tranh trong thương mại điện tử - Ảnh 1

Thách thức lớn nhất với cơ quan quản lý cạnh tranh là có thể vụ tập trung kinh tế không phải tạo ra vị trí hay doanh nghiệp thống lĩnh trong thị trường hiện tại mà có thể thị trường thống lĩnh đó chưa xuất hiện ngay bây giờ mà nó xuất hiện trong tương lai.

Ngoài ra là hành vi lạm dụng vụ trí thống lĩnh, vị trí độc quyền. Theo bà Quế Anh, việc xác định sức mạnh thị trường và vị trí thống lĩnh thị trường trong thương mại điện tử có nhiều điểm mới đối với cơ quan cạnh tranh. Như xác định thị trường liên quan thế nào với các thị trường nhiều bên; vai trò của dữ liệu trong xác định vị trí thống lĩnh thị trường; vấn đề hiệu ứng mạng lưới. Những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh trong thương mại điện tử như hành vi bán kèm, cung ứng hàng hóa, dịch vụ theo gói; hành vi bán dưới giá thành toàn bộ để loại bỏ đối thủ cạnh tranh; hành vi định giá phân biệt với các đối tượng khách hàng, người tiêu dùng khác nhau; dùng các chương trình khuyến mại đối với khách hàng trung thành để hạn chế cạnh tranh, duy trì vị trí thống lĩnh.

Không thể không nói tới vấn đề tập trung kinh tế trong thương mại điện tử, vì phức tạp hơn nhiều so với giao dịch thông thường. Theo chuyên gia Quế Anh, thách thức lớn nhất với cơ quan quản lý cạnh tranh là có thể vụ tập trung kinh tế đó không phải tạo ra vị trí hay doanh nghiệp thống lĩnh trong thị trường hiện tại mà có thể thị trường thống lĩnh đó chưa xuất hiện ngay bây giờ mà nó xuất hiện trong tương lai.

Do đó, cơ quan cạnh tranh phải đoán định được đường hướng phát triển của đổi mới sáng tạo để biết được trong tương lai liệu có thể có một thị trường mới hay không, vụ tập trung kinh tế hiện tại liệu có tạo ra một doanh nghiệp lớn trong tương lai hay không? Điển hình, một số vụ đặt ra những thách thức với cơ quan cạnh tranh trên thế giới như vụ Microsoft mua lại Skype, Facebook mua lại WhatsApp – đây là những vụ Ủy ban cạnh tranh châu Âu cho phép họ mua nhưng không nghĩ rằng một thời gian sau đó xuất hiện thị trường mới, xuất hiện những vấn đề cạnh tranh mới không lường trước được.

Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng, Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam có thể xử lý được những cạnh tranh này nhưng thách thức với cơ quan cạnh tranh là làm thế nào để áp dụng Luật đó một cách linh hoạt nhất, cân nhắc tới tác động phát huy hiệu quả kinh tế của các thỏa thuận ngang và dọc. Đồng thời, đánh giá được tác động của các hành vi đơn phương, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường…