Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Phù hợp với xu thế dịch chuyển lao động

Theo Hoa Quỳnh/congthuong.vn

Việc quy định người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc được khẳng định là sẽ mở ra cơ hội tiếp cận các chế độ bảo hiểm cho người thụ hưởng tại quốc gia đến làm việc.

Ssố lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ tiếp tục tăng cao. Nguồn: Internet
Ssố lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ tiếp tục tăng cao. Nguồn: Internet

Quy định cần thiết

Thống kê từ Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện cả nước có trên 87.000 người lao động (NLĐ) nước ngoài, trong đó đa số đã được cấp giấy phép lao động. Vì vậy, kể từ tháng 12/2018 theo quy định tại Nghị định số 143/2018/NÐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ, NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Việc thực hiện BHXH bắt buộc đối với nhóm đối tượng được ngành BHXH nhấn mạnh là bước đi cần thiết trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng; đồng thời phù hợp thông lệ quốc tế và quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Hiện trên thế giới có nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðức... đã áp dụng loại hình BHXH bắt buộc đối với NLĐ nước ngoài.

Đối với Việt Nam, trong bối cảnh tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do, xu hướng hội nhập khu vực, phát triển kinh tế, đô thị hóa, biến đổi khí hậu và dòng chảy tự do của lao động có tay nghề giữa các nước thành viên ASEAN… số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam cũng như lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ tiếp tục tăng cao.

Trước thực tế này, việc thực hiện quy định về BHXH bắt buộc đối với NLĐ là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không chỉ bảo đảm quyền lợi cho nhóm lao động này theo những khuyến nghị và thông lệ quốc tế mà còn mở ra cơ hội cho NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được tiếp cận thêm các chế độ BHXH của quốc gia mà người lao động đến làm việc, nhất là khi Việt Nam đã hoàn tất đàm phán hiệp định song phương về BHXH với Ðức, Hàn Quốc và hiện nay đang triển khai đàm phán với Nhật Bản.

Mặt khác, theo ông Đinh Duy Hùng, Phó Trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam nhận định, trước xu thế hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, thực hiện BHXH bắt buộc cho NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam còn góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút lao động nhân lực cao đến Việt Nam.

Điều kiện tham gia

Tuy nhiên, ông Đinh Duy Hùng cho hay, do chính sách mới triển khai nên việc thu nộp BHXH cho NLĐ nước ngoài còn một số vướng mắc, khó khăn, như, do NLĐ là công dân nước ngoài đến Việt Nam làm việc từ rất nhiều quốc gia với nhiều ngôn ngữ khác nhau, trên hồ sơ, giấy tờ tùy thân chỉ có chữ viết nước ngoài dẫn đến khó khăn trong giao dịch BHXH; NLĐ nước ngoài sang Việt Nam làm việc có thể đã tham gia BHXH tại nước sở tại và ngược lại…

Bên cạnh đó, sau một thời gian triển khai Nghị định số 143/2018/NÐ-CP, Bộ LĐ-TB&XH đã nhận được văn bản của một số địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đề nghị làm rõ đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc theo quy định.

Thông tin về vấn đề này, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP thì “Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam”.

Ngoài ra, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có quy định các trường hợp loại trừ, cụ thể: “Người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định tại nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp sau: Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động”.

Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 3/2/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về NLĐ nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì: “NLĐ nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng”.

Đại diện Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh, qua đối chiếu với các quy định trên thì NLĐ nước ngoài thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có đủ các điều kiện: Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam; chưa đủ 60 tuổi đối với nam và chưa đủ 55 tuổi đối với nữ; không thuộc đối tượng di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, bao gồm: NLĐ là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật đang làm việc tại một doanh nghiệp nước ngoài đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng và được cử sang làm việc tại hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài đó trên lãnh thổ Việt Nam.

Thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 28/2/2019 (sau 3 tháng kể từ khi Nghị định số 143/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), tổng số đơn vị tham gia BHXH cho người nước ngoài trên toàn quốc là 8.730 đơn vị với số lao động là 51.524 người.