Đã có 88,5% dân số tham gia bảo hiểm y tế
Đó là thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN) về “việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách giai đoạn 2013-2018” diễn ra ngày 20/3 tại Hà Nội.
Theo BHXHVN, các quỹ tài chính ngoài ngân sách do BHXHVN quản lý gồm quỹ BHXH, quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, đối với BHXH, năm 2013 có 11 triệu người tham gia, đến năm 2018 có 14,7 triệu, bằng 30,3% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, bình quân tăng 5,9%/năm. Tổng số người hưởng các chế độ BHXH hàng tháng năm 2013 là 2,6 triệu người, đến năm 2018 là 3,2 triệu người, bình quân tăng 3,6%/năm.
Đối với bảo hiểm thất nghiệp, năm 2013 có 8,7 triệu người tham gia, đến năm 2018 là 12,7 triệu người, bằng 26,1% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, bình quân tăng 7,9%/năm. Số lượt người hưởng chế độ trợ cấp một lần năm 2013 là 7 triệu người, năm 2018 là 11,2 triệu người, bình quân tăng 9,8%/năm.
Số người tham gia BHYT năm 2013 là 61,8 triệu người (bằng 68,8% dân số) đến năm 2018 là 83,5 triệu người (chiếm 88,5% dân số). Số lượt người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh năm 2013 là 130 triệu lượt và năm 2018 là 176,5 triệu lượt người, bình quân tăng 6,5%/năm.
Đánh giá hiệu quả của cơ chế huy động vốn, đầu tư và quản lý tài chính, đại diện BHXHVN cho biết, từ năm 2013 đến nay, hoạt động đầu tư quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp an toàn, hiệu quả, không rủi ro, lãi suất đầu tư cao hơn so với chỉ số giá tiêu dùng, bảo đảm nguyên tắc bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Chi phí quản lý quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp quy định nội dung, định mức chi tương đối đầy đủ, rõ ràng phù hợp với tình chất đặc thù của ngành.
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như, hiện còn trên 34 triệu người trong độ tuổi lao động chưa tham gia BHXH; còn khoảng 1,3 triệu học sinh, sinh viên chưa tham gia BHYT, nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình mới đạt tỷ lệ khoảng 63%, trong đó có khoảng 10-20% người có thu nhập cao chưa sẵn sàng tham gia BHYT mà lựa chọn khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ngoài ra, mặc dù số nợ bảo hiểm có giảm, nhưng vẫn tồn tại tình trạng nợ không còn khả năng thu hồi, nợ tại các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn.
Trên cơ sở đó, BHXHVN kiến nghị Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm thống nhất giữa Luật BHXH, BHYT và Luật Việc làm, đồng thời sớm ban hành nghị định quy định về quản lý thu nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường giám sát tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý sử dụng quỹ, đặc biệt đối với các địa phương, các cơ sở khám chữa bệnh; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm các trường hợp doanh nghiệp chủ bỏ trốn, mất tích.
Để có thêm thông tin trong quá trình giám sát, Đoàn giám sát yêu cầu BHXHVN bổ sung thêm thông tin theo phản ánh về hoạt động của BHYT thời gian qua thu không đủ chi, phân tích nguyên nhân chính của tình trạng này và có giải pháp trong quản lý, kiến nghị về chính sách. Đồng thời, bổ sung dự báo về tình hình cân đối quỹ bảo hiểm trong dài hạn; đề xuất các giải pháp cụ thể xử lý khoản nợ BHXH khó đòi, xử lý các chủ doanh nghiệp bỏ trốn mà vẫn nợ BHXH.