Tham gia chuỗi giá trị: Vui hay buồn?

Theo daibieunhandan.vn

Sự thay đổi trong chuỗi sản xuất toàn cầu thời gian gần đây đã và đang đưa Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn. Nhiều chuỗi sản xuất toàn cầu đang dần dịch chuyển đầu tư sản xuất một số khâu trong chuỗi giá trị từ một số quốc gia trong khu vực sang Việt Nam.

Sự thay đổi trong chuỗi sản xuất toàn cầu thời gian gần đây đã và đang đưa Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn. Nguồn: internet
Sự thay đổi trong chuỗi sản xuất toàn cầu thời gian gần đây đã và đang đưa Việt Nam vào vị trí cơ sở sản xuất quan trọng hơn. Nguồn: internet

Các công ty đa quốc gia đang theo đuổi xu hướng tìm một nước ngoài Trung Quốc, Thái Lan để tránh xu hướng tiền công lao động đang gia tăng nhanh chóng tại đây, nhưng vẫn đủ gần để có thể xuất khẩu ngược trở lại. Với tiêu chí này cùng với việc đã tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại, nước ta đang là lựa chọn ưu tiên hàng đầu. Theo đó, doanh nghiệp trong nước chủ yếu thực hiện khâu lắp ráp, gia công từ các đầu vào nguyên liệu và bán thành phẩm nhập khẩu, sau đó xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản...

Tuy nhiên, chuyên gia của Đại học Kinh tế quốc dân PGS., TS. Tô Trung Thành đặt vấn đề, dường như mô thức tham gia vào chuỗi của Việt Nam hiện nay khác so với nhiều quốc gia. Trong khi họ tham gia gần như toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thiết kế, sản xuất các chi tiết, đến lắp ráp và phân phối thì Việt Nam chỉ tham gia một khâu cụ thể và dường như chỉ mới ở điểm cuối cùng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đó là lắp ráp các chi tiết nhập khẩu từ những nước khác và phụ thuộc vào sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia mà thiếu đi sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước.

Cụ thể, có hơn 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình, 14% thấp và lạc hậu, chỉ có 5-6% sử dụng công nghệ cao. Các doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao ít tạo được hiệu ứng lan tỏa về công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước do khoảng cách về công nghệ làm giảm khả năng tiếp thu những tiến bộ công nghệ. Đồng thời, sự thiếu vắng lực lượng lao động có trình độ cao cũng là nguyên nhân khiến hiệu ứng lan tỏa công nghệ không cao.

Tuy không thể phủ nhận bước đầu các doanh nghiệp trong nước cần thực hiện gia công và sản xuất sản phẩm công nghiệp phụ trợ cùng với các tập đoàn hay các doanh nghiệp FDI. Song, nếu cứ tiếp tục ở vị trí hiện tại, Việt Nam khó tạo được giá trị gia tăng cao, hiệu ứng lan tỏa công nghệ và tiến bộ khoa học công nghệ đến các doanh nghiệp trong nước cũng sẽ bị hạn chế. Đây là băn khoăn của nhiều chuyên gia về tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt. Do vậy, vai trò của Chính phủ trong việc điều chỉnh, đưa ra các chính sách phù hợp về thể chế, hạ tầng rất quan trọng để Việt Nam tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh việc phát triển nguồn nhân lực và gia tăng khả năng chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI đến doanh nghiệp trong nước, điểm mấu chốt là phải xây dựng được các ngành công nghiệp phụ trợ hiện đại, đáp ứng được nhu cầu, mở rộng cơ hội kết nối vào mạng sản xuất toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Có thể có những cơ chế đặc thù để hình thành nhanh chóng một số khu cụm công nghiệp phụ trợ cho một số ngành quan trọng như linh kiện điện tử và cơ khí tại một số địa phương có gắn với các ngành công nghiệp chế tạo và điện tử đang có. Và hơn hết, cần đổi mới tư duy để tạo nên một khu vực kinh tế tư nhân mạnh mẽ, trong đó các nguồn lực có thể dịch chuyển nhanh chóng về phía những doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao hơn.

Ngoài ra, tuy các doanh nghiệp FDI hiện có đóng góp lớn trong chuỗi giá trị, nhưng vẫn còn những khoảng trống để nước ta có thể phát triển các ngành thượng tầng trong nhiều lĩnh vực. Sự phát triển của những ngành này không chỉ củng cố kết nối giữa chuỗi giá trị với nền kinh tế với sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà còn thể hiện sự vươn lên đến với các hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn trong các chuỗi giá trị khác nhau.