Giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020
Sau 5 năm triển khai thực hiện quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước từng bước được nâng cao; số lượng doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán liên tục gia tăng qua từng năm… Tuy nhiên, quá trình triển khai tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước diễn ra còn chậm so với yêu cầu, cần phải rút ra các bài học kinh nghiệm, từ đó đưa ra các giải pháp đẩy mạnh quá trình này trong giai đoạn tới.
Quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015
Những kết quả đạt được
Thứ nhất, về cơ chế, chính sách
Đến nay về cơ bản đã hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách có liên quan đến quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn. Theo đó, chúng ta đã hoàn thiện Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (DN) và Luật DN năm 2014. Về quản lý tài chính và giám sát doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã hoàn thiện trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định, bao gồm: Nghị định số 61/2013/ NĐ-CP ngày 25/6/2013 (về giám sát tài chính DN); Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 6/10/2015 (về giám sát tài chính DN); Nghị định số 71/2013/ NĐ-CP ngày 11/7/2013 (về quản lý tài chính DN); Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 (về quản lý tài chính DN).
Về cơ chế chính sách liên quan đến CPH đã trình Thủ tướng Chính phủ 4 Nghị định và 1 Quyết định, cụ thể: Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 (CPH DNNN); Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 (CPH DNNN); Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 (sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả các công ty nông, lâm nghiệp); Nghị định số 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 (CPH DNNN, Nghị định được ban hành theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01/6/2015 của Chính phủ với 9 nội dung theo phụ lục kèm theo); Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 (CPH đơn vị sự nghiệp).
Về thoái vốn có 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bao gồm Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 (về thoái vốn); Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 (về thoái vốn theo lô, Quyết định được ban hành theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01/6/2015 của Chính phủ).
Thứ hai, về cổ phần hóa
Muc tiêu, kế hoạch CPH DNNN giai đoạn 2011 – 2015 đặt ra: dự kiến thực hiện CPH 538 DN, riêng giai đoạn 2014 – 2015 CPH 432 DN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện CPH đã đạt được những kết quả ban đầu, cụ thể từ năm 2011 – 2013 CPH được 106 DN; năm 2014 CPH được 143 DN; năm 2015 (tính đến ngày 12/11/2015) CPH được 159 DN. Lũy kế giai đoạn 2011 đến ngày 12/11/2015 đã CPH được 408/538 DN (đạt 76% kế hoạch giai đoạn 2011 – 2015); giai đoạn 2014 đến ngày 12/11/2015 đã CPH đạt 302/432 DN (đạt 70% kế hoạch giai đoạn 2014 - 2015). Dự kiến, năm 2015 sẽ CPH được 210 DN, như vậy số DN CPH giai đoạn 2011 – 2015 sẽ là 459 DN, đạt 90% kế hoạch. Riêng 2 năm 2014 – 2015 CPH được 353 DN.
Thứ ba, về thoái vốn nhà nước
Đối với việc thoái vốn trong 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, quỹ đầu tư). Số phải thoái cuối năm 2011 là 23.325 tỷ đồng. Giai đoạn từ 2012 – 31/10/2015 đã thoái được 9.866 tỷ đồng, thu về 9.496 tỷ đồng (bao gồm cả Ngân hàng Nhà nước mua lại 0 đồng khoản đầu từ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) với giá trị sổ sách 800 tỷ đồng và Tổng công ty Lương thực miền Nam tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam với giá trị sổ sách là 1,3 tỷ đồng). Đầu tư thêm (từ nguồn cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại DN) là 2.734 tỷ đồng.
Quan trọng hơn là, số vốn đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm cần phải thoái tiếp trong 2 tháng cuối năm 2015 là 16.193 tỷ đồng, trong đó: chứng khoán là 233 tỷ đồng, tài chính - ngân hàng là 9.112 tỷ đồng, bảo hiểm là 553 tỷ đồng, bất động sản là 6.078 tỷ đồng và quỹ đầu tư là 215 tỷ đồng.
Đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC: Từ khi thành lập đến ngày 31/10/2015 đã tiếp nhận vốn tại 980 DN với giá trị sổ sách là 8.518 tỷ đồng (giai đoạn 2011 – 2015 tiếp nhận 57 DN với giá trị sổ sách 1.327 tỷ đồng). SCIC đã thoái vốn tại 823 DN với giá trị sổ sách 4.048 tỷ đồng, thu về 9.699 tỷ đồng, thặng dư 5.651 tỷ đồng, gấp 2,4 lần (giai đoạn 2011 – 2015 đã bán tại 377 DN, giá trị sổ sách 3.065 tỷ đồng, thu về 7.473 tỷ đồng, thặng dư 4.048 tỷ đồng).
Thứ tư, về đổi mới quản trị DN
Mục tiêu của tái cơ cấu DNNN là nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì vậy, việc đổi mới quản trị DN là giải pháp cơ bản để đạt được mục tiêu đó, cụ thể:
- Đổi mới quản trị về tài chính: Điều chỉnh mối quan hệ tín dụng của các DNNN theo hướng công ty mẹ không bảo lãnh cho các công ty con trong hoạt động tín dụng, nhằm tăng cường tính chủ động và trách nhiệm về tài chính của các công ty con trong cơ chế tự vay, tự trả. Nâng cao công tác giám sát tài chính đối với các DNNN.
- Đổi mới quản trị về lao động: Qua tái cơ cấu DNNN, thực hiện việc tinh giản biên chế, xử lý lao động dôi dư, thực hiện đào tạo, đào tạo lại để nâng cao chất lượng lao động.
- Đổi mới quản trị về tổ chức: Thực hiện sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, thu gọn các phòng ban, đơn vị đầu mối tại công ty mẹ, ban hành các quy định mới về quyền hạn, trách nhiệm và tiêu chuẩn của các vị trí điều hành góp phần kiện toàn, nâng cao năng lực quản trị, điều hành DN. Ví dụ như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, sau khi tái cơ cấu, số lượng phòng ban giảm từ 29 xuống 23 phòng ban, giảm 10 công ty thành viên thành các chi nhánh…
- Đổi mới quản trị về khoa học và công nghệ: Thực hiện xử lý các tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, lạc hậu về kỹ thuật, tập trung vốn để đầu tư những tài sản, dây chuyền công nghệ tiên tiến tạo điều kiện tăng cường năng suất lao động của DN.
- Kết quả hoạt động của các DN sau khi CPH được cải thiện đáng kể. Trong giai đoạn 2011 – 2015, số lượng DNNN niêm yết sau CPH liên tục gia tăng, trong đó, tổng tài sản tăng bình quân 12%/ năm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân 16%/năm, tổng vốn đầu tư chủsởhữu tăng khoảng 18%/năm. Hầu hết các DN này hoạt động kinh doanh cólãi qua các năm vàcósựtăng trưởng cảvềdoanh thu cũng như lợi nhuận. Trong giai đoạn 2011 – 2014, tổng doanh thu tăng bình quân hàng năm khoảng 3,5%, lợi nhuận tăng bình quân khoảng 8,6% năm. 6 tháng đầu năm 2015, tình hình hoạt động của các DN này cũng đạt kết quả tốt, tổng doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với cùng kỳ 2014 và đạt gần 50% so với cả năm 2014 (Theo Báo cáo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tại Công văn số 6538/UBCK-QLPH ngày 16/10/2015)
Bài học từ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Về cơ bản, thời gian qua các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, DNNN đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các cơ chế chính sách về tái cơ cấu, sắp xếp, CPH DNNN tiếp tục được hoàn thiện theo hướng tạo thuận lợi cho các DN thực hiện. Hiệu quả hoạt động của DNNN sau CPH từng bước được nâng cao. Số lượng DNNN sau CPH thực hiện niêm yết trên thị trường chứng khoán liên tục gia tăng qua từng năm, tạo thêm hàng hóa cho thị trường chứng khoán và tăng thêm sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Lao động dôi dư ở các đơn vị CPH tiếp tục được hưởng chính sách trợ cấp, được hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nghề để bố trí việc làm mới tại DN CPH hoặc tự thu xếp công việc mới đã góp phần đẩy nhanh tiến trình CPH, duy trì ổn định xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình tái cơ cấu, tiến độ CPH DNNN trong thời gian qua còn chậm so với kế hoạch đề ra vì một số nguyên nhân sau:
Một là, quá trình CPH và thoái vốn nhà nước giai đoạn 2011 – 2015 chịu tác động từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt là giai đoạn 2011-2013 là giai đoạn Việt Nam chịu tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới dẫn tới sự suy giảm của thị trường tài chính, chứng khoán, do đó cũng tác động đến tiến độ CPH và thoái vốn.
Hai là, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa chỉ đạo quyết liệt và tích cực tổ chức triển khai phương án sắp xếp, CPH và thoái vốn.
Ba là, nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các DN về chủ trương tái cơ cấu DN tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu DN đối với phát triển kinh tế - xã hội; còn tư tưởng e ngại, lo lắng về vị trí và vai trò lãnh đạo sau CPH.
Bốn là, đối tượng sắp xếp, CPH hiện nay hầu hết là các DN có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý. Mặt khác, việc thực hiện CPH, tái cơ cấu và thoái vốn nhà nước đối với các DN có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.
Các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới
Thứ nhất, nhóm giải pháp ngắn hạn giai đoạn 2015-2016
- Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh các bước hoàn thành việc xác định giá trị DN, phê duyệt phương án CPH để chuyển các DN sang công ty cổ phần (khoảng 50 DN).
- Lĩnh vực tài chính - ngân hàng: Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chỉ đạo thực hiện việc thoái vốn của các DN đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng theo Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg ngày 15/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
- Lĩnh vực bất động sản: Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty phân loại các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản theo nguồn vốn để phối hợp với các tổ chức tín dụng thực hiện thoái vốn khi thị trường cho phép.
- Lĩnh vực chứng khoán: Thị trường chứng khoán hiện nay đang rất trầm lắng, nhất là từ khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, mặt khác do chủ trương đẩy nhanh CPH các DN nên lượng cổ phiếu bán ra thị trường nhiều, nếu cứ bán ồ ạt ra thị trường bằng mọi giá thì DN sẽ mất vốn, các nhà đầu cơ có cơ hội để thâu tóm DN. Vì vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước lập kế hoạch, lộ trình để thoái vốn đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán khi thị trường chứng khoán ấm lên, có điều kiện là thoái ngay, đảm bảo hiệu quả cao nhất, tránh thất thoát vốn cho DN.
- Lĩnh vực bảo hiểm, quỹ đầu tư: Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty lập kế hoạch thoái vốn ngay trong các tháng còn lại của năm nay và tích cực tìm đối tác để thoái vốn, đảm bảo theo giá thị truờng, đạt hiệu quả cao nhất.
- Đối với các đơn vị thuộc đối tượng thực hiện thoái vốn theo lô theo quy định tại Quyết định số 41/2015/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc bán cổ phần theo lô thì khẩn trương lập phương án bán cổ phần theo lô trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.
Thứ hai, nhóm giải pháp trong giai đoạn 2016 - 2020
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển DN đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước báo cáo tổng kết tình hình tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 – 2015 (Công văn số 142/BĐMDN ngày 15/9/2015) để tổng hợp, xây dựng nhiệm vụ, giải pháp cho giai đoạn 2016 – 2020. Sau khi thực hiện tổng kết, đánh giá, Ban cán sự Đảng Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn tới theo hướng:
- Hoàn thiện cơ chế chính sách về CPH và thoái vốn bằng cách ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định số 116/2015/NĐ-CP.
- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Xây dựng danh mục phân loại DNNN theo tiêu chí được ban hành kèm theo Quyết định sửa đổi Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg (Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ).
- Hoàn chỉnh bổ sung chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty theo Nghị định sửa đổi Nghị định số 99/2012/ NĐ-CP (Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện).
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình CPH và thoái vốn của DN đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí trong quá trình thoái vốn.