Thận trọng nới room khối ngoại
(Tài chính) Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) và nhà đầu tư nước ngoài đã có những đề xuất, kiến nghị nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là vấn đề nhạy cảm cần cân nhắc kỹ.
Kỳ vọng đối tác ngoại
Đề án tái cơ cấu NHTM đang được toàn hệ thống triển khai thực hiện mạnh mẽ. Cụ thể, SCB, TinNghiaBank và FicomBank hợp nhất thành SCB; Habubank sáp nhập SHB; nhà đầu tư mới từ DOJI tham gia TienPhongBank và đổi tên thành TPBank. Mới đây, WesternBank hợp nhất với Tổng công ty Tài chính cổ phần dầu khí (PVFC) trở thành NHTMCP Đại chúng (PVComBank); TrustBank đổi tên thành NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).Trước đó, Navibank cũng thực hiện tái cơ cấu thông qua hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và đổi tên thành NHTMCP Quốc Dân; GPBank đón nhận đối tác UOB của Singapore đến tìm hiểu và khảo sát; HDBank mua lại Công ty TNHH một thành viên Tài chính Việt - Societe (SGVF) trực thuộc Tập đoàn Societé Générale (Pháp) để trở thành công ty con của HDBank, đổi tên thành HDFinance, đồng thời sáp nhập DaiABank vào HDBank. Hiện Southernbank đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đề án trình Ngân hàng Nhà nước về việc sáp nhập vào Sacombank.
Cùng với việc sáp nhập, phương án tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài hỗ trợ tái cơ cấu cũng được nhiều ngân hàng đẩy mạnh. HDBank sau khi hoàn tất 2 thương vụ mua bán trên cho biết đang lựa chọn tổ chức tư vấn, đồng thời tiếp cận một số ngân hàng quốc tế từ Nhật Bản, châu Âu để tìm kiếm đối tác tốt.
Trong Nghị quyết của Hội đồng quản trị Sacombank trình Đại hội cổ đông sắp tới cũng thông báo việc mở lại room cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 30% vốn điều lệ, thay vì 10% như hiện nay. Với VPBank, khi đối tác Singapore Oversea-Chinese Banking Corporation Limited thoái vốn, lãnh đạo ngân hàng này cho biết đây là cơ hội tìm kiếm các đối tác chiến lược mới phù hợp hơn và một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng đã tiếp xúc với VPBank.
Sau khi hợp tác suôn sẻ với BNP Paribas để xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2015 và đạt được những mục tiêu ban đầu tăng trưởng về quy mô, lợi nhuận, trích lập dự phòng, OCB cũng tính đến phương án sáp nhập hoặc tìm kiếm thêm đối tác ngoại khác.
Trong khi đó, các NHTM nằm trong diện yếu kém sau bước đầu tái cơ cấu đã chủ động đàm phán bán nợ xấu cho VAMC nhằm thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại.
Theo tổng giám đốc một NHTMCP có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, tìm kiếm đối tác ngoại đang là xu hướng chung của nhiều ngân hàng, nhất là ngân hàng nhỏ bởi hiện nay sức đầu tư trong nước khá yếu, nếu có sự tham gia của các cổ đông nước ngoài các ngân hàng trong nước sẽ được hỗ trợ về thanh khoản, cơ cấu lại bộ máy, hệ thống quản trị rủi ro cộng với những công nghệ kỹ thuật mới, giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Cân nhắc kích bằng room
Ngày 3/1/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 01/2014/NĐ-CP quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của 1 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại 1 TCTD trong nước được nâng lên 20% vốn điều lệ, thay vì 15% như trước.
Tuy nhiên, tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của tất cả nhà đầu tư nước ngoài tại 1 TCTD trong nước không được vượt quá 30%, không thay đổi so với trước đây. Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của 1 tổ chức hoặc 1 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài đối với từng trường hợp cụ thể.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư 100% vốn là dạng đầu tư trực tiếp, nhưng khi tham gia thị trường đầu tư tài chính sẽ rất nhạy cảm. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ, không vì muốn kích cổ phiếu lên phải mở room cho khối ngoại. Giá trị cổ phiếu tùy thuộc vào chất lượng hoạt động, hiệu quả của NH, không phải do ngân hàng quá yếu kém nên cho nhà đầu tư nước ngoài vào để kích lên.
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Mới đây Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cùng một số ngân hàng nước ngoài cho rằng quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD quá nhỏ. Với tỷ lệ đó các nhà đầu tư không thể can thiệp và tham gia các quyết định quan trọng để hỗ trợ NHTM Việt Nam thực hiện tái cơ cấu toàn diện.
Theo Eurocham, thời gian qua các NHTM Việt Nam chủ yếu tái cơ cấu thông qua giải pháp sáp nhập, tức chỉ tạo ra ngân hàng lớn hơn về quy mô, chưa thể tái cơ cấu toàn diện bởi nợ xấu vẫn là gánh nặng, cơ cấu cổ đông chưa hoàn thiện với tình trạng sở hữu gia đình, sở hữu chéo còn cao.
Trong khi đó, nếu room cho nhà đầu tư nước ngoài cởi mở hơn, quá trình này sẽ được thúc đẩy nhanh. Trước đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng đề xuất Chính phủ tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại tại các TCTD lên mức tối đa 49% thay vì 30% như quy định hiện nay đang khiến nhà đầu tư nước ngoài ít mặn mà đầu tư.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Du lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 49%, thậm chí 100% là vấn đề tế nhị. Bởi với những NHTM đã niêm yết trên sàn chứng khoán, khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia sở hữu cổ phần với tỷ lệ cao cần phải dự phòng trường hợp họ rút vốn ồ ạt.