Thận trọng với kỳ vọng lãi suất thấp hơn vào năm tới


Triển vọng lạm phát và lãi suất ở các nền kinh tế lớn trong thời gian tới vẫn là dấu hỏi với thị trường. Các nhà đầu tư nếu đang đặt cược vào việc giảm chi phí đi vay vào năm tới thì nên thận trọng.

Sự không chắc chắn khiến các nhà đầu tư trở nên nhạy cảm với những dấu hiệu nhỏ nhất về sự thay đổi chính sách. Ảnh: Reuters
Sự không chắc chắn khiến các nhà đầu tư trở nên nhạy cảm với những dấu hiệu nhỏ nhất về sự thay đổi chính sách. Ảnh: Reuters

Theo dữ liệu của JPMorgan, ngay cả sau chu kỳ thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ, thì tỷ lệ lạm phát cơ bản trung bình (trừ giá thực phẩm và năng lượng) ở các nền kinh tế phát triển vẫn ở mức 4,3%. Con số này chỉ thấp hơn 1% so với mức cuối năm ngoái khi lo ngại về tình trạng lạm phát đình trệ đang lan tràn. Nó cũng cao hơn gấp đôi mục tiêu 2% của nhiều ngân hàng trung ương.

Điều đáng lo ngại hơn là thông điệp của các ngân hàng trung ương về đường hướng chính sách tiền tệ trong tương lai còn gây tranh cãi. Điều này một phần là do sự không chắc chắn về triển vọng lạm phát và lãi suất, nhưng cũng đến từ việc các ngân hàng trung ương dường như chưa thực sự kiểm soát được tình hình.

Chia sẻ trên SCMP, chuyên gia kinh tế Nicholas Spiro tại công ty tư vấn Lauressa Advisory cho rằng, mặc dù các nhà hoạch định chính sách khẳng định các quyết định của họ phụ thuộc vào dữ liệu, nhưng thực tế là họ không mấy tin tưởng vào dự báo của chính mình. Các ngân hàng trung ương không chỉ đánh giá thấp sức mạnh kéo dài của lạm phát, mà còn không lường trước được thị trường lao động sẽ kiên cường như vậy, ngay cả khi các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí đi vay tăng mạnh, là yếu tố chính khiến giá cả hàng hoá tăng cao.

Không nơi nào hiểu rõ điều này hơn ở Hoa Kỳ, nơi có nền kinh tế bất chấp mọi tác động. Khoản tiền tiết kiệm mà các hộ gia đình tích lũy được trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng, giữ cho mức tăng trưởng tương đối khởi sắc.

“Đối với thị trường tài chính, thông điệp không mấy rõ ràng của các ngân hàng trung ương về triển vọng chính sách, cùng với cuộc tranh luận gay gắt về việc lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong bao lâu, đã gây ra biến động mạnh về giá tài sản. Hơn nữa, sự không chắc chắn còn khiến các nhà đầu tư trở nên nhạy cảm với những dấu hiệu nhỏ nhất về sự thay đổi chính sách.

Kỳ vọng các ngân hàng trung ương hàng đầu phương Tây sẽ cắt giảm lãi suất vào năm tới đã lên đến đỉnh điểm trong tháng qua. Các thị trường đang định giá việc giảm chi phí đi vay ở Mỹ, khu vực đồng Euro và Anh sớm nhất là vào tháng 5/2024, mặc dù cả ba ngân hàng trung ương đều khẳng định còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát”, ông Nicholas Spiro phân tích.

Số liệu khảo sát mới nhất do JPMorgan và S&P Global tổng hợp cho thấy, tỷ lệ lạm phát toàn phần đã giảm mạnh trong khi hoạt động của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ toàn cầu vẫn đang trên đà suy giảm. Điều này sẽ gây áp lực buộc các ngân hàng trung ương phải nới lỏng chính sách.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên thị trường định giá việc cắt giảm lãi suất vì lo ngại về việc thắt chặt chính sách quá mức có thể gây ra suy thoái kinh tế. Theo một báo cáo do Deutsche Bank công bố vào ngày 15/11, các nhà đầu tư đã bảy lần dự đoán chính sách xoay trục ôn hòa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kể từ khi chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu, nhưng hy vọng của họ đã bị tiêu tan bởi tốc độ tăng trưởng và lạm phát mạnh hơn dự kiến.

Vị chuyên gia tại Lauressa Advisory đánh giá, những động thái như vậy có thể gây bất ổn cho thị trường và để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tài sản nhạy cảm với tỷ giá.

Ví dụ tại Hồng Kông, nơi áp dụng chính sách tiền tệ của Mỹ thông qua việc neo tỷ giá đồng tiền với đồng đô la Mỹ, tác động đã rất nghiêm trọng. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng của Hồng Kông (lãi suất Hibor) - tỷ lệ tham chiếu chính cho các khoản vay thế chấp - đã tăng từ 2,8% vào giữa tháng 4 lên 5,3% vào giữa tháng 8, đẩy lãi suất thế chấp lên cao và khiến giá cả cũng như doanh số bán hàng giảm mạnh. Thị trường thế chấp của Anh cũng bị ảnh hưởng nặng nề do định giá sai trên thị trường nợ.

Với diễn biến như vậy, triển vọng lạm phát và lãi suất trong thời gian tới vẫn là dấu hỏi với thị trường. Chuyên gia cho rằng các nhà đầu tư nếu đang đặt cược vào việc giảm chi phí đi vay vào năm tới thì nên chú ý hơn đến ba yếu tố quan trọng sau:

Thứ nhất, lạm phát cơ bản mới là vấn đề quan trọng. Tăng trưởng tiền lương và giá dịch vụ vẫn ở mức quá cao, nên việc cắt giảm lãi suất có thể sớm được đưa ra.

Thứ hai, việc tạm dừng tăng lãi suất không có nghĩa là một đợt cắt giảm sắp xảy ra. Ngân hàng Dự trữ Úc đã tăng lãi suất vào đầu tháng này sau khi chiến dịch thắt chặt tiền tệ ngừng lại và kéo dài 4 tháng. Tỷ lệ lạm phát của Úc từng thấp hơn đáng kể so với ở châu Âu và Mỹ, nhưng hiện nay lạm phát cơ bản cao hơn và tăng trưởng tiền lương đang tăng tốc.

Thứ ba, việc cắt giảm lãi suất có nhiều khả năng thành hiện thực hơn nếu xảy ra suy thoái kinh tế hoặc một cú sốc lớn khác đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhưng cả hai kịch bản đều sẽ dập tắt hy vọng về một cuộc hạ cánh mềm. Các nhà đầu tư nên cẩn thận với những gì đang kỳ vọng.

Theo Diễm Ngọc/Diendandoanhnghiep.vn