Thận trọng với xu hướng nhập siêu

Theo Chinhphu.vn

Sau 8 tháng kể từ tháng 6/2012, bắt đầu tháng 2/2013 đến nay, Việt Nam đã chuyển sang nhập siêu và có xu hướng tăng nhanh qua các tháng. Tình hình này đã làm xuất hiện hai ý kiến trái ngược mừng và lo.

Thận trọng với xu hướng nhập siêu
Việt Nam đã chuyển sang nhập siêu và có xu hướng tăng nhanh qua các tháng. Nguồn: Internet

Mừng vì nhập khẩu tăng trở lại, chứng tỏ nhu cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh và tiêu dùng có dấu hiệu phục hồi. Cụ thể, nhập khẩu các mặt hàng như: Máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và hàng tiêu dùng tăng khá so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 3,5 lần, điện thoại và linh kiện tăng 95,7%, điện tử máy tính và linh kiện tăng 53,8%, bông tăng 34,4%, nguyên phụ liệu dệt may và giày dép tăng 18,7%, vải tăng 17,8%, sắt thép tăng 18,7%, thức ăn gia súc tăng 38,6%...

Điều đáng quan tâm là chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng cao hơn của 4 tháng (5,2% so với 5%). Trong đó, công nghiệp chế biến có mức tăng cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp (5,5% so với 5,2%).

Nhập khẩu gia tăng trong thời điểm giá nhập khẩu thế giới thấp, tỷ giá ngoại tệ ổn định là cơ hội tốt để tăng nguồn dự trữ cho sản xuất mà không làm tăng chi phí đẩy. Còn nếu nhập khẩu tăng mạnh trong khi giá nhập khẩu tăng sẽ tạo ra sức ép đối với lạm phát trong nước.

Tuy vậy, nhập siêu cao trở lại cũng gây ra sự lo lắng, cho thấy xuất siêu chưa bền vững. Nguyên nhân nhập siêu một phần do xuất khẩu có xu hướng chậm lại (2 tháng đầu năm tăng 22%, 3 tháng tăng 19,8%, 4 tháng tăng 16%, 5 tháng tăng 15,1%), trong khi nhập khẩu có mức tăng cao hơn (4 tháng tăng 17%, 5 tháng tăng 16,8%).

Về mặt hàng, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sụt giảm tương đối mạnh (5 tháng giảm 8,5%), do tác động của giảm giá, giảm cầu ở một số thị trường.

Nhập siêu gia tăng sẽ hạn chế cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, tỷ giá… Nếu mức nhập siêu trong những tháng tới vẫn như tháng 5 hoặc cao hơn, nhập siêu cả năm lên mức 2 chữ số. Do đó, nhập siêu như vừa qua là một sự cảnh báo.