Tháng 12/2018, FED có thể không tăng lãi suất đồng USD?
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ quyết định thế nào vào cuộc họp chính sách diễn ra 2 ngày 19 và 20/12, khi mà có 2 luồng quan điểm về định hướng của cơ quan tiền tệ quyền lực nhất thế giới hiện nay?
Sẽ tăng lãi suất như kế hoạch?
Ngày 19 và 20/12 diễn ra cuộc họp lần thứ 8 trong năm 2018 của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - cơ quan quyết định chính sách lãi suất trực thuộc FED - ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới. Sau khi tăng lãi suất 3 lần, FED đã báo hiệu có đến 4 lần tăng trong năm 2018. Đa số giới phân tích và đầu tư đều kỳ vọng lần tăng lãi suất đồng USD lần thứ tư như dự kiến sẽ diễn ra vào cuộc họp ngày 20/12 là khó tránh khỏi.
Biểu đồ điểm (dot plot) nổi tiếng của FED - công cụ dùng để dự báo chính sách lãi suất của cơ quan này, cho thấy hầu hết các quan chức FED đều tin rằng sẽ có thêm 3 lần tăng lãi suất nữa trong năm 2019, với tốc độ tăng diễn ra định kỳ hằng quý giống như năm nay.
Sau khi thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất cơ bản USD giảm về gần 0% và duy trì từ tháng 12/2008 nhằm đối phó với hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thì từ cuối năm 2015, FED đã tăng lãi suất trở lại, tiếp đó một lần trong năm 2016 và 3 lần trong năm 2017. Và nếu cuộc họp lần này quyết định tăng lãi suất thì đó là lần nâng lãi suất thứ 9 của FED chỉ trong 3 năm.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây đang khiến thị trường nghĩ rằng FED có thể sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất. Đầu tiên là về các dữ liệu kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 11 đã không thay đổi, theo đó lạm phát so với cùng kỳ đã giảm từ mức 2,5% trong tháng 10 xuống 2,2%, nhờ việc giá dầu chìm sâu trong thời gian qua.
Trong khi đó, các hoạt động trong nền kinh tế Mỹ dù vẫn đang mở rộng nhưng tốc độ đã chậm đi, với số liệu thống kê cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Mỹ trong khu vực sản xuất và dịch vụ đều rớt xuống mức thấp trong nhiều tháng. Cụ thể, chỉ số PMI sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất trong 13 tháng là 53,9 điểm trong tháng 12, trong khi ngành dịch vụ giảm xuống mức thấp nhất trong 11 tháng là 53,4 điểm.
Với các dữ liệu kinh tế không mấy tích cực gần đây, cùng với ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại đang làm "ngấm đòn" doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, cùng điều kiện thuận lợi là áp lực lạm phát có dấu hiệu suy giảm, giới đầu tư càng thêm kỳ vọng FED có thể chậm lại quá trình tăng lãi suất đồng USD.
Trên thị trường việc làm, tỷ lệ thất nghiệp dù vẫn đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều thập niên tại vùng 3,7%, nhưng số lượng việc làm mới tạo ra đang chậm lại.
Cụ thể, theo dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp, số lượng việc làm tạo ra ở khu vực tư nhân trong tháng 11 là 179.000, thấp hơn mức dự báo là 195.000 và giảm khá mạnh so với con số 225.000 được tạo ra trong tháng 10.
Liệu FED có trì hoãn?
Thời báo Wall Street Journal ngày 6/12 đưa tin, FED có thể xem xét tạm dừng đợt tăng lãi suất vào cuối tháng 12. Bài báo viết "Các quan chức vẫn nghĩ rằng hướng đi phù hợp của lãi suất ngắn hạn là có thể cao hơn vào năm 2019. Nhưng khi đẩy lãi suất chuẩn lên cao, càng trở nên ít chắc chắn rằng họ cần phải hành động nhanh đến mức nào hoặc sẽ tiến đến mức lãi suất bao nhiêu, đồng thời muốn đánh giá nền kinh tế đang phản ứng như thế nào trước những động thái mà họ đã thực hiện".
Với các dữ liệu kinh tế không mấy tích cực gần đây, cùng với ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại đang làm "ngấm đòn" doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ, cùng điều kiện thuận lợi là áp lực lạm phát có dấu hiệu suy giảm, giới đầu tư càng thêm kỳ vọng FED có thể chậm lại quá trình tăng lãi suất đồng USD.
Về phía chính quyền, Tổng thống Donald Trump tiếp tục chỉ trích FED. Ngày 11/12, khi trả lời phỏng vấn Hãng tin Reuters, ông cho biết nếu FED nâng lãi suất vào cuộc họp lần này thì đó sẽ là một sai lầm. Ông nói: "Tôi nghĩ hành động đó (nâng lãi suất) sẽ là khá dại dột". Tổng thống Trump cho biết, ông cần khả năng linh hoạt của mức lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ, khi ông đang phải đấu tranh với sự bất bình đẳng trong thương mại với Trung Quốc và có khả năng là những quốc gia khác nữa.
Những lo ngại về khả năng suy thoái cũng như sự lao dốc mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ gần đây có thể ảnh hưởng lên các quyết sách của FED. Theo kết quả khảo sát Triển vọng Kinh doanh toàn cầu Duke University/CFO Global Business Outlook công bố ngày 12/12, gần một nửa (48,6%) số giám đốc tài chính (CFO) của Mỹ được hỏi tin rằng kinh tế nước này sẽ suy thoái vào cuối năm 2019. Trong khi đó, có tới 82% CFO tham gia khảo sát tin rằng suy thoái sẽ bắt đầu vào cuối năm 2020.
Chính vì những lý do trên mà ngày càng xuất hiện nhiều quan điểm tin rằng FED buộc phải chậm lại lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ. Dù vậy, trong biên bản cuộc họp vào tháng 11 công bố trước đó, FED vẫn ám chỉ khả năng cao là sẽ nâng lãi suất thêm 0,25% vào tháng tới, lên vùng 2,5%. Công cụ FedWatch cập nhật đến ngày 16/12 cũng cho thấy xác suất tăng lãi suất lần này hiện vẫn ở mức 76,6%, trong khi tỷ lệ giữ nguyên lãi suất như hiện tại chỉ là 23,4%.
Quan điểm hy vọng FED sẽ trì hoãn tăng lãi suất chỉ mới xuất hiện gần đây, nên khả năng tăng lãi suất trong cuộc họp cuối năm nay đã phản ánh đầy đủ lên các thị trường và được nhiều nhà đầu tư dự báo, nên nếu có xảy ra cũng không có gì quá ngạc nhiên. Ngược lại, nếu FED bất ngờ tạm dừng tăng lãi suất thì có thể trở thành thông tin rúng động và cho thấy những phân tích trên là có cơ sở, theo đó lộ trình thắt chặt tiền tệ của FED đã buộc phải dừng lại, và đó sẽ là cú hích cho các thị trường chứng khoán vốn đã chịu nhiều áp lực xuống dốc gần đây.