Tháng 8, thị trường hàng hóa duy trì ổn định

Theo baocongthuong.com.vn

Sáng nay (26/8), Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp phiên thường kỳ tháng 8. Báo cáo của Tổ điều hành cho thấy, thị trường trong nước tháng 8 nhìn chung ổn định.

Thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố. Nguồn: Internet
Thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố. Nguồn: Internet

Bà Lê Thị Hồng - trưởng phòng điều tiết cung cầu hàng hóa -Vụ Thị trường trong nước, thành viên Tổ Điều hành cho biết, trong tháng 8, cơn bão số 2 và số 3 đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất, gây thiệt hại về người và tài sản tại một số tỉnh phía Bắc.

Tuy nhiên, do công tác phòng chống bão lụt đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, chỉ đạo kịp thời nên nguồn cung hàng hóa thiết yếu vẫn được bảo đảm, thị trường không xảy ra hiện tượng thiếu hàng sốt giá cục bộ.

Trong tháng, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu, năng lượng có xu hướng giảm từ đầu tháng và dần tăng về cuối tháng; vật liệu xây dựng tăng; hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm giảm; các hàng hóa khác tương đối ổn định. Từ ngày 12/8, một số địa phương đã điều chỉnh tăng phí dịch vụ y tế theo lộ trình. Tuy nhiên, mức tăng không có tác động lớn đến mặt bằng giá hàng hóa.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội tháng 8 đạt 292.821 tỷ đồng, giảm 0,31% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.307.725 tỷ đồng. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng chỉ tăng 7,2%.

Cũng theo báo cáo của Tổ Điều hành thị trường trong nước, ước kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa tháng 8 đạt 15,2 tỷ USD, tăng 2% so với tháng trước, đưa kim ngạch hàng hóa XK 8 tháng đầu năm đạt 112,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm.

Hai nhóm hàng nông lâm thủy sản và công nghiệp chế biến tiếp tục có mức tăng trưởng kim ngạch XK lần lượt là 5,4% và 7,8% nhờ kim ngạch XK của nhóm hàng cà phê, hạt điều, rau quả, tiêu, xơ sợi, giày dép, điện thoại, máy tính… tăng. Nhóm nhiên liệu khoáng sản giảm mạnh (38,8%) do mặt hàng than đá, dầu thô, quặng và khoáng sản giảm.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 là 15 tỷ USD, 8 tháng là 109,7 tỷ USD, giúp duy trì mức xuất siêu của cả nước là 2,46 tỷ USD. Con số này có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định thị trường tiền tệ.

Với những diễn biến thị trường như vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 đã tăng 0,1% so với tháng 7. CPI 8 tháng đầu năm đã tăng 2,58% so với tháng 12/2015. Trong đó đóng góp nhiều nhất vào mức tăng chung là nhóm thuốc và dịch vụ y tế (tăng 33,14%). Các nhóm khác tăng từ 0,7 -2,75%. Riêng bưu chính viễn thông và giao thông tiếp tục giảm.

Tổ Điều hành thị trường trong nước cũng dự báo, trong thời gian tới, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của nhiều yếu tố như giá các loại nhiên liệu, năng lượng có xu hướng tăng; nhu cầu một số loại hàng hóa có tính mùa vụ như nhu cầu vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, mùa khai giảng; tác động của mùa mưa bão…

Tuy nhiên, do nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, sự chủ động của các ngành, địa phương trong công tác phòng chống lụt bão… nên giá hàng hóa dù tăng nhưng không mạnh. Dự kiến, CPI tháng 9 sẽ tăng nhẹ so với tháng 8.

Mặc dù CPI dự báo chỉ tăng nhẹ nhưng ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Tổ phó Tổ Điều hành thị trường trong nước- nhận định, thị trường trong nước sẽ có những biến động nhất định trong tháng tới khi giá xăng dầu - một trong những mặt hàng quan trọng, có tác động mạnh nhất đến chỉ số CPI theo quy luật sẽ tăng.

Do đó, dù còn cách chỉ số Quốc hội giao khá xa (tăng 5% so với tháng 12/2015) nhưng cần các giải pháp điều hành thận trọng trong những tháng cuối năm.

Đồng ý kiến với ông Võ Văn Quyền - ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thị trường trong nước năm nay có những dấu hiệu biến động khó lường.

Đơn cử, 6 tháng đầu năm, theo quy luật, CPI thường ở mức thấp nhưng năm nay, CPI lại ở mức cao. 6 tháng cuối năm, CPI tăng cao nhưng năm nay, qua 2 tháng 7 và 8 lại có mức tăng thấp. Do đó, rất cần những giải pháp linh hoạt, thận trọng, chủ động trước tình trạng CPI có biến động khó lường trong những tháng tiếp theo.