Tiêu thụ hàng hóa cuối năm: Triển vọng từ thị trường nông thôn
Mặc dù từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam vẫn khá lạc quan khi nhận định về thị trường hàng hóa cuối năm. Thị trường nông thôn được Nielsen đánh giá là “miếng bánh” hấp dẫn cho các doanh nghiệp (DN) Việt trong thời điểm này.
Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp tăng doanh số bán hàng xuất khẩu và nội địa trong mùa kinh doanh cuối năm”, được Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA) tổ chức mới đây tại TP. Hồ Chí Minh cho thấy, do Tết Nguyên đán 2017 đến vào tháng 1, sớm hơn so với các năm trước, nên các DN cần đẩy mạnh sản xuất sớm hơn.
Kinh nghiệm từ đợt Tết Nguyên đán 2014 cho thấy, do nhà sản xuất chậm trễ nên tỷ lệ hàng tồn kho lớn.
Trong các ngành hàng cao điểm cho mùa Tết, người tiêu dùng có thói quen trữ hàng bia, rượu, nước giải khát và bánh kẹo sớm nhất, bắt đầu từ tuần 8 đến tuần 5 trước Tết. Người tiêu dùng miền Bắc và miền Trung thường có ý thức trữ hàng sớm hơn khu vực miền Nam.
Về thị trường hàng hóa dịp cuối năm, bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc BSA - cho biết, ở 5 thành phố lớn gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh, hàng hóa của các DN Việt khó có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Nguyên nhân bởi hệ thống phân phối ở khu vực này đa phần đã thuộc về các siêu thị lớn của nước ngoài như Metro và Big C. Do đó, dù muốn hay không, các siêu thị này cũng sẽ phải dành một tỷ lệ đáng kể cho hàng hóa từ các quốc gia của họ.
Tại khu dân cư thành phố, hệ thống các siêu thị lớn cũng đang mở ra hàng chuỗi các cửa hàng tiện lợi và siêu thị nhỏ ở chung cư. Chính vì vậy, các DN trong nước được khuyến cáo đẩy mạnh bán hàng về khu vực nông thôn -khu vực các kênh phân phối này chưa “phủ sóng”.
Thực tế cho thấy, khi chọn bán hàng về khu vực nông thôn, doanh thu bán hàng của DN tương đối khả quan. Trao đổi với phóng viên báo Công Thương, ông Phạm Minh Tuấn -Phó giám đốc Công ty TNHH Lan Chi, chủ đầu tư chuỗi siêu thị Lanchi Mart - chia sẻ, Lanchi Mart luôn có định hướng sẽ mở rộng hệ thống phân phối về khu vực nông thôn để phân phối hàng Việt.
Định hướng này đã mang lại lợi ích kinh tế lớn. Lấy ví dụ với siêu thị Lanchi Mart tại Khu công nghiệp Đồng Văn 1 (Duy Tiên, Hà Nam), ông Tuấn cho hay, sau khi xây dựng một Điểm bán hàng Việt cố định đặt tại vị trí trang trọng giữa siêu thị, đồng thời tuyên truyền cho người tiêu dùng biết về điểm bán này liên tục trên hệ thống phát thanh của siêu thị, doanh thu riêng các mặt hàng Việt Nam đã tăng lên đến 30%. Nhu cầu đặc biệt tăng cao vào dịp Tết và cuối năm.
Trung tâm BSA cũng dẫn chứng, hiệu quả các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn ngày càng được khẳng định rõ, khi 11 phiên chợ hàng Việt về nông thôn được BSA tổ chức trong 6 tháng đầu năm 2016, lượt khách đến tham quan và mua sắm đã lên đến con số trên 135.000 lượt người, tương đương doanh thu 11.530 tỷ đồng, cho các DN.
Từ nay đến tháng 4/2017, BSA sẽ phối hợp với các bên liên quan tổ chức 70 phiên chợ về nông thôn, trong đó có 50 phiên ở thị trường miền Nam và 20 phiên ở thị trường miền Bắc. Phần lớn các phiên chợ sẽ được tổ chức vào thời gian trước và sau Tết 1 tháng để phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng khu vực này.
Nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu mua sắm hàng Việt của người dân khu vực nông thôn, trong khuôn khổ Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đang có chính sách hỗ trợ các địa phương xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định. Các điểm bán đặt tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ được ưu tiên.