Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản giảm lần đầu tiên trong 5 năm
Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong tài khóa 2018 (kết thúc vào tháng 3/2019) đã giảm lần đầu tiên trong 5 năm qua.
Theo đó, thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong năm tài chính vừa qua đã giảm 12,4% so với năm trước, xuống 19.410 tỷ yen (177,31 tỷ USD).
Điều này một phần do kinh tế Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng đã ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản, trong khi giá dầu tăng cao đã làm tăng chi phí nhập khẩu.
Báo cáo cũng cho thấy thặng dư thương mại hàng hóa của Nhật Bản đã giảm 84,4% xuống còn 706,8 tỷ yen vào cùng giai đoạn, do tăng trưởng xuất khẩu chậm hơn – trở lực chính góp phần làm thặng dư tài khoản vãng lai của nước này thu hẹp.
Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đã tăng 2,6% lên 80.320 tỷ yen trong năm tài chính 2018, nhưng mức tăng này thấp hơn so với mức tăng 10,6% của năm 2017 do xuất khẩu sang Trung Quốc suy giảm.
Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu của nước này tăng 8,0% lên 79.610 tỷ yen, do giá hàng hóa bao gồm dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng đều đi lên.
Trong số các yếu tố quan trọng khác, tài khoản thu nhập sơ cấp của Nhật Bản đã ghi nhận mức thặng dư 21.070 tỷ yen, tăng 3,9% so với năm trước.
Thặng dư từ hoạt động du lịch cũng tăng 23,3% so với một năm trước đó lên 2.490 tỷ yên, khi số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản đạt mức kỷ lục 31,63 triệu lượt khách trong năm tài khóa 2018.
Tuy nhiên, thương mại dịch vụ tổng thể lại đánh dấu mức thâm hụt 637,8 tỷ yen do nguồn thu từ dịch vụ vận tải biển giảm.
Số liệu mới nhất cũng cho thấy chỉ riêng trong tháng 3/2019, Nhật Bản đã đạt thặng dư tài khoản vãng lai 2.850 tỷ yen, đánh dấu tháng thặng dư thứ 57 liên tiếp nhưng lại giảm 10,6% so với cùng kỳ một năm trước đó.
Thu nhập sơ cấp vào cùng giai đoạn cũng đạt thặng dư 2.060 tỷ yen, giao dịch hàng hóa ghi nhận thặng dư 700,1 tỷ yen và thương mại dịch vụ thặng dư 345,1 tỷ yen.