Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao:
Thành công bắt đầu từ con người
(Tài chính) Một công ty đang đầu tư kinh doanh lớn, không vay vốn đã là lạ mà lại còn có tiền gửi ngân hàng; sản phẩm vươn ra chiếm lĩnh thị trường khó tính trong khu vực và quốc tế; gần 3.000 công nhân chỉ có 97 cán bộ mà chủ yếu là cán bộ trực tiếp ở các bộ phận sản xuất; không ít lãnh đạo đi lên từ người công nhân…Đó là những câu chuyện có thật tại Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAFCHEMCO). Chìa khóa thành công của Công ty được gói gọn trong ba chữ: NGUỒN NHÂN LỰC.
Tiền tỷ cho tái đầu tư nguồn nhân lực
Là cái nôi cung cấp nhiều cán bộ có năng lực chủ chốt nắm giữ các vị trí trọng trách của Bộ, ngành Công Thương, LAFCHEMCO luôn tập trung vào yếu tố con người, không ngừng phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nguồn nhân lực của Công ty.
Trong câu chuyện được chia sẻ rất chân tình vừa qua, ông Nguyễn Duy Khuyến – Tổng giám đốc LAFCHEMCO đã tự hào: “Thành công ngày hôm nay của chúng tôi có thể nói chủ yếu dựa vào yếu tố con người. Người giỏi, tâm huyết, trí tuệ và mong muốn cống hiến không thiếu, vấn đề là chúng tôi đã dám tin tưởng dùng họ, đầu tư cho họ và giao cho họ những trọng trách để cùng với ban lãnh đạo Công ty chèo chống con thuyền LAFCHEMCO đi đến thành công”. Điều ông Khuyến chia sẻ đã được khẳng định qua các chính sách mà ông cùng các cộng sự đưa ra hàng năm cho vấn đề nguồn nhân lực. Theo ông Khuyến, bất kỳ vị trí nào, công việc nào trong Công ty, chỉ cần nhân sự đó chứng tỏ được khả năng sẽ được bổ nhiệm. Bản lĩnh của người dẫn đầu Công ty trong việc dùng người đã đưa đến thành công vượt trội của Công ty trong thực tế.
Ở LAFCHEMCO, không có câu chuyện kìm hãm sự sáng tạo, sức lao động và phấn đấu của bất cứ ai. Ông Nguyễn Văn Thọ, Trưởng phòng Tổ chức lao động của Công ty, khẳng định như vậy. Để minh chứng cho điều này, ông Thọ cho hay: “Có rất nhiều lãnh đạo Công ty xuất phát từ người công nhân trước đây. Trong quá trình làm việc, họ thể hiện được khả năng, năng lực, Công ty cho họ đi học lớp tại chức, chuyên tu để họ có kiến thức chuyên sâu hơn, có bằng đại học. Công ty bổ nhiệm các cán bộ này thường xuyên và coi đó là một hoạt động bình thường. Ở Xí nghiệp Supe, có đồng chí Dương Văn Đắc, xuất thân từ công nhân bình thường, chúng tôi cử đồng chí đi học đại học, giờ đã làm Giám đốc. Hay như đồng chí Thái Huy Dũng đang là Phó Giám đốc Xí nghiệp Điện cũng xuất thân từ công nhân đi lên…”.
Chăm chút cho nguồn nhân lực ngay từ những bước đi đầu tiên, hàng năm, LAFCHEMCO đầu tư cả nửa chục tỷ đồng cho cán bộ, nhân viên, công nhân đi tu luyện chuyên môn, nghiệp vụ và cả trình độ lý luận chính trị. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Thọ, mỗi năm Công dành 4-6 tỷ đồng để đầu tư cho việc tập huấn, cử cán bộ, nhân viên, công nhân đi học trong và ngoài nước nhằm đáp ứng nhu cầu của công việc.
Tất cả những yếu tố cần cho việc phát triển đội ngũ cán bộ kế cận luôn luôn được ban lãnh đạo Công ty quan tâm, chỉ đạo thực hiện thường xuyên, liên tục. Ông Nguyễn Văn Thọ cho biết: "Hằng năm, Công ty tổ chức các đoàn đi thăm quan, đào tạo không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài. Đối với các lĩnh vực cần quan tâm, cần đầu tư thì chúng tôi cho cả các đoàn ra nước ngoài cả châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Ví dụ như với dự án khí thải, Công ty cho cán bộ, công nhân đi Nga, Ba Lan, Cộng hòa Séc tìm kiếm công nghệ xử lý chất thải. Dự án xử lý nước thải Supe đang gắn kết với Tập đoàn bên Hà Lan. Cán bộ của Công ty được cử thường xuyên đi học trao đổi công nghệ ở bên đó”.
Phát hiện + Bồi dưỡng + Sử dụng = Thành công
Đó là quy trình khép kín trong việc hình thành một nguồn nhân lực luôn đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu công việc ở Công ty.
Nói về yếu tố then chốt dẫn đến thành công của việc “dùng người”, ông Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: “Đối với năng lực cán bộ, nhân viên được thể hiện qua phần đánh giá kết quả công việc được giao. Ai thể hiện được tài năng thì người đó luôn được đưa vào danh sách các cán bộ nguồn. Công việc này chúng tôi làm thường xuyên, liên tục, đó chính là lý do Công ty luôn chủ động về nguồn nhân lực. Cán bộ, nhân viên, công nhân được phát hiện có năng lực thông qua công việc được giao hàng ngày. Họ là người vượt trội, đạt kết quả cao hơn so với những người khác, làm nhanh hơn, gọn hơn, đạt năng suất hơn, có sáng tạo. Khi đó, chúng tôi có kế hoạch vừa đào tạo nâng cao chuyên môn và đào tạo nâng cao trình độ quản lý cho những nhân tố đó”.
Bên cạnh phát hiện và bồi dưỡng nhân tố có năng lực, một yếu tố khá đặc biệt và độc đáo của Công ty là bất kỳ cán bộ nào, công nhân nào cũng đều được đưa về môi trường sản xuất. Khi bắt đầu được tuyển dụng, dù ở trình độ nào, đào tạo trong hay ngoài nước, nhân viên mới đó cũng phải trải qua Hội đồng thử việc ban đầu để kiểm tra sơ bộ trình độ. Sau đó ngay lập tức được đưa về các đơn vị sản xuất, để năng động và trưởng thành từ thực tế kinh doanh sản xuất của Công ty. Ai phát triển được từ môi trường thực tế đó thì được bồi dưỡng về trình độ thông qua các dịp cử đi học bồi dưỡng nghiệp vụ, công tác huấn luyện thêm nâng cao trình độ.
Điều tiên quyết để công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực của Công ty thành công là từ chủ trương và sự lãnh đạo sâu sát của Đảng uỷ, Ban Tổng Giám đốc Công ty. Nói như Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Khuyến: “Mạnh dạn, bản lĩnh dùng người
có tài, có tâm, đức là điều tiên quyết trong thành công của người lãnh
đạo”.
Thực tế cho thấy, công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ nhân viên được đưa vào kế hoạch hàng năm và được chỉ đạo chi tiết, bám sát thực tiễn xã hội và nhu cầu nội tại của Công ty. Ngay trong nội bộ Công ty cũng không ngừng áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ công nhân qua các cuộc thi sáng kiến, tiến bộ kỹ thuật. Điều này khuyến khích đội ngũ nhân lực của công ty không ngừng tìm tòi, đổi mới và khám phá trong môi trường được khuyến khích và đầu tư có chiều sâu.
Điều đó đã được chứng minh qua thực tiễn nhiều năm ở Công ty, thiết nghĩ đây cũng là bài học, tuy không mới song rất nhiều doanh nghiệp cần học tập để có được thành công vượt bậc như mô hình LAFCHEMCO.