Thành công lớn khi vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, vừa kéo giảm bội chi, nợ công

Trần Huyền

Thảo luận về chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao và cho rằng nhiều chính sách đã có tác động rõ rệt, nhất là chính sách thuế. Đặc biệt, thành công rất lớn là việc đảm bảo các nhiệm vụ chi cho phục hồi kinh tế nhưng vẫn kéo giảm được bội chi, nợ công, không bị thâm hụt tài khoá như nhiều quốc gia khác phải gánh chịu.

Các đại biểu tại phiên họp.
Các đại biểu tại phiên họp.

Nhiều kỳ tích đối với nền kinh tế

Thảo luận tại hội trường sáng 25/5, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo các đại biểu, nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời, đặc biệt là chính sách giảm thuế suất giá trị gia tăng đã phát huy hiệu quả rõ rệt góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 hết sức kịp thời, hợp lòng dân. Các chính sách đưa ra trong Nghị quyết có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế. 

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đánh giá, nhiều kì tích của Nghị quyết số 43/2022/QH15 đối với nền kinh tế, xã hội đã được chỉ ra. Điển hình như GDP năm 2022 tăng 8,12%, năm 2023 tăng 5,05%, tăng giải ngân đầu tư công đến 635km đường cao tốc Bắc Nam phía Đông...  Ngoài ra, 8 dự án quan trọng quốc gia cũng được đánh giá để chỉ ra những điểm tích cực cũng như hạn chế, nguyên nhân và giải pháp... 

Khẳng định việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là đúng đắn, đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho hay, đây là chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, cổ vũ tinh thần của người dân và doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn của ngân sách nhà nước và nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển. 

Theo đại biểu Hải, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, đã đưa nước ta mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội của Đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường… Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông.

Đánh giá cao chính sách giảm thuế, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, việc điều hành của Chính phủ rất linh hoạt. Chính phủ đã chủ động đưa ra các giải pháp khác ứng phó với tình hình, như giảm thuế xăng dầu là giải pháp ứng phó vô cùng thiết thực khi giá nhiên liệu toàn cầu tăng, giúp quá trình phục hồi nền kinh tế diễn ra thuận lợi hơn. Việc gia hạn nộp thuế cũng rất thiết thực, giúp doanh nghiệp như được vay một khoản ngắn hạn với lãi suất 0%, có tác dụng rất lớn đối với doanh nghiệp khi lãi suất tăng cao và thủ tục vay ngân hàng khó khăn.

Cũng đánh giá cao về các chính sách hỗ trợ, đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nêu rõ, qua 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 cùng với các nghị quyết của Trung ương, kinh tế nước ta đã dần phục hồi và phát triển. "Năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch, chúng ta chỉ tăng trưởng 2,6%; năm 2022 chúng ta tăng trưởng 8,2%, năm 2023 là 5,05% và 4 tháng đầu năm 2024 là 5,6% cho thấy sự phục hồi rõ nét", Đại biểu Ngân nêu.

Đặc biệt hơn, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, Việt Nam đã ổn định được kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến bất thường. "Chúng ta kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo các khoản chi cho khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, chi đầu tư phát triển nhưng vẫn cân đối kéo giảm được bội chi, đặc biệt đã giảm nợ công từ 43% GDP năm 2022 xuống còn 37% năm 2023", Đại biểu nói.

Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, thành công rất lớn của chính sách hỗ trợ là không gây ra những hậu quả về lạm phát, thâm hụt tài khóa.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, thành công rất lớn của chính sách hỗ trợ là không gây ra những hậu quả về lạm phát, thâm hụt tài khóa.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho hay, ngoài thành công trong việc ban hành chính sách hỗ trợ kịp thời, đáp ứng yêu cầu cấp bách thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế nhanh trong 2 năm 2022-2023, hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, thành công rất lớn của chính sách hỗ trợ là không gây ra những hậu quả về lạm phát, thâm hụt tài khóa và tăng nợ công như nhiều quốc gia trên thế giới phải gánh chịu. Đây là bài học thành công cần đúc kết trong công tác điều hành, kết hợp hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ và đầu tư công.

Cân nhắc thời hạn áp dụng các chính sách

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Quốc Tuấn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh khẳng định, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành và tổ chức thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, đại dịch COVID-19 đang diễn ra và gây tác động rất tiêu cực đến đời sống người dân. Tuy nhiên, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, đại dịch từng bước kiểm soát và kết thúc, đưa đời sống xã hội trở lại trạng thái bình thường, thúc đẩy nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng vượt mong đợi.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, trong 02 năm thực hiện, đã có 21 văn bản quy phạm pháp luật liên quan được ban hành đã góp phần quan trọng thực hiện cơ bản hoàn thành 05 quan điểm, 03 mục tiêu của Nghị quyết. Phần lớn các chính sách được thực hiện khá thành công, giúp tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước, làm giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát. 

Để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế, đại biểu Tuấn thống nhất đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ theo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội để đưa các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn.

Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp. Đồng thời, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét tiếp tục mở rộng áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù, không chỉ áp dụng cho các công trình quan trọng quốc gia, đường cao tốc mà cả các công trình quan trọng khác của quốc gia, của tỉnh.

Cũng kiến nghị trên, đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đề xuất Quốc hội tiếp tục cho phép thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 43/2022/QH15. Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, bổ sung đối tượng được vay vốn theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP đối với hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số sinh sống ở xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bổ sung quy định ưu đãi cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp thuê theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, Nghị định số 49/2021/NĐ-CP. Đồng thời, thực hiện các giải pháp tháo gỡ các rào cản về pháp lý, thủ tục hành chính chưa thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... 

Ở góc nhìn khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân bày tỏ băn khoăn về thời hạn thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng do lo ngại thất thu ngân sách nhà nước. Đại biểu Huân cho rằng, việc sử dụng các chính sách tài khóa, tiền tệ chỉ trong ngắn hạn, còn nếu sử dụng trong dài hạn có thể gây ảnh hưởng tới quy mô của nền kinh tế.